Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam

Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam (Đề mục 5 Chủ đề 28. Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam, đồng thời ký xác thực kết quả pháp điển, gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp để trình Chính phủ xem xét thông qua theo quy định.
Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam (gồm 6 chương với 36 điều) và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định. Đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 02 văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau: Nghị định 80/2020/NĐ-CP Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam và Thông tư 23/2022/TT-BTC Hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
 Theo đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
Chương 1. Những quy định chung: Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.Các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này: a) Các khoản viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức nước ngoài mà việc tiếp nhận phải được ký kết chính thức theo quy định của Luật Điều ước quốc tế và các khoản viện trợ không hoàn lại trong các thỏa thuận về vốn ODA phải được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; b) Các khoản quà biếu, quà tặng cho cơ quan, tổ chức không vì mục đích hỗ trợ nhân đạo, từ thiện; c) Các khoản tài trợ theo các hình thức thỏa thuận hợp tác, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao công nghệ có phát sinh lợi nhuận để phân chia; d) Các cá nhân tiếp nhận tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học thực hiện theo Luật Khoa học Công nghệ số 29/2013/QH13; đ) Viện trợ quốc tế khẩn cấp của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cá nhân nước ngoài để cứu trợ được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ khi xảy ra thiên tai và viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 09 tháng kể từ khi thiên tai xảy ra.
Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là viện trợ) thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại Điều 1 Nghị định này. Bên cung cấp viện trợ trong Nghị định này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thiện chí, tôn trọng và chấp hành luật pháp Việt Nam, bao gồm: a) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân được thành lập theo luật pháp nước ngoài; b) Các cá nhân nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài; c) Các doanh nghiệp, công ty được thành lập theo luật pháp nước ngoài, không bao gồm các tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư; d) Các tổ chức nghiên cứu và đào tạo được thành lập theo luật pháp nước ngoài (bao gồm cả các viện nghiên cứu, tổ chức hợp tác thuộc chính phủ nước ngoài); đ) Các bộ, cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam trực tiếp cung cấp khoản viện trợ, hoặc ủy quyền cho các tổ chức pháp nhân nước ngoài quản lý các khoản viện trợ mà việc tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ không yêu cầu phải ký kết chính thức theo quy định của Luật Điều ước quốc tế hoặc không yêu cầu bên Việt Nam ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên tiếp nhận viện trợ trong Nghị định này là các cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của khoản viện trợ tiếp nhận: a) Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động; b) Các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ và quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập hợp pháp theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hội, tổ chức khoa học và công nghệ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; c) Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường; d) Các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chương II. Thẩm định, phê duyệt khoản viện trợ: Thẩm quyền phê duyệt được thực hiện như sau: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: a) Các khoản viện trợ có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo và các khoản viện trợ có mục tiêu trực tiếp hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan; c) Các trường hợp khác không quy định tại các khoản 2,3,4 Điều này. Người đứng đầu cơ quan chủ quản phê duyệt: a) Các khoản viện trợ không quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản viện trợ khắc phục hậu quả được viện trợ trực tiếp cho một bộ, ngành, địa phương không phụ thuộc vào quy mô khoản viện trợ. b) Các khoản viện trợ mà bên tiếp nhận là các tổ chức do cơ quan chủ quản ra quyết định cho phép thành lập hoặc phê duyệt điều lệ hoặc cấp Giấy đăng ký hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bên tiếp nhận viện trợ, trừ các tổ chức do Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập. Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt các khoản viện trợ của các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Bộ Nội vụ quyết định cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phê duyệt các khoản cứu trợ nhân đạo không có địa chỉ cụ thể (Bên cung cấp viện trợ không ấn định cứu trợ cho một địa phương cụ thể). Người đứng đầu các tổ chức hội hoặc Liên hiệp hội được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoản viện trợ cho cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ khoản viện trợ được lập thành 6 bộ, các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt đã được công chứng kèm theo gồm các tài liệu sau: a) Văn bản đề nghị phê duyệt chương trình, dự án; b) Văn bản nhất trí cung cấp viện trợ của Bên cung cấp viện trợ. c) Văn kiện chương trình, dự án; d) Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (không áp dụng với trường hợp Bên cung cấp viện trợ là các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương nước ngoài).
Chương III. Quản lý thực hiện viện trợ. Tổ chức quản lý chương trình, dự án. Căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể thực hiện chương trình, dự án, năng lực tổ chức quản lý chương trình, dự án, cơ quan chủ quản quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý chương trình, dự án sau: Sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực quản lý và thực hiện dự án đối với dự án quy mô dưới 200.000 USD (hai trăm nghìn đô la Mỹ). Sử dụng Ban quản lý đang hoạt động để quản lý chương trình, dự án mới. Thành lập Ban quản lý riêng cho từng chương trình, dự án. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản gồm: Vận động viện trợ trên cơ sở nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và năng lực tiếp nhận viện trợ. Phê duyệt các khoản viện trợ theo thẩm quyền. Quyết định tổ chức bộ máy quản lý thực hiện chương trình, dự án. Phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, dự án; lập kế hoạch tài chính, dự toán thu chi ngân sách nhà nước hằng năm trên cơ sở đề xuất của Chủ khoản viện trợ, phù hợp quy định của pháp luật có liên quan. Chỉ đạo công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách, việc thực hiện công tác đấu thầu theo thỏa thuận với Bên cung cấp viện trợ. Chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, báo cáo đầy đủ các nguồn vốn, tài sản tiếp nhận, sử dụng các khoản viện trợ. Phê duyệt quyết toán hàng năm và khi kết thúc dự án. Chịu trách nhiệm định kỳ tổng hợp báo cáo tài chính các khoản viện trợ do cơ quan chủ quản phê duyệt. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án, việc chấp hành các quy định hiện hành về quản lý dự án. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình giải ngân, sử dụng viện trợ; báo cáo tổng hợp hàng năm về kết quả vận động viện trợ, tình hình thực hiện, giám sát, đánh giá các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 của năm tiếp sau; gửi báo cáo kết thúc khoản viện trợ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong vống 06 tháng sau khi kết thúc khoản viện trợ. Chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các sai phạm khác trong công tác quản lý và sử dụng viện trợ thuộc thẩm quyền quản lý.
Chương IV. Quản lý tài chính viện trợ. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ áp dụng đối với các khoản viện trợ do chủ dự án tự quản lý và thực hiện. Đối với khoản viện trợ do Bên cung cấp viện trợ trực tiếp quản lý, thực hiện: Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt; thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; tuân thủ các quy định về kế toán, thuế và các quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp, Bên cung cấp viện trợ bàn giao quyền sở hữu đối với các tài sản, trang thiết bị của chương trình, dự án cho Chủ dự án, Chủ dự án thực hiện việc xác lập sở hữu tài sản theo quy định hiện hành. Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước được dự toán, kiểm soát chi, hạch toán, ghi thu ghi chi, quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quản lý tài chính quy định tại Nghị định này. Trường hợp phát sinh mới chưa tổng hợp trong dự toán được cấp có thẩm quyền phân bố và giao kế hoạch, chủ dự án lập dự toán bổ sung theo quy định pháp luật về quản lý nhà nước và pháp luật có liên quan. Đối với vốn viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, Bên tiếp nhận viện trợ quản lý, sử dụng theo văn kiện chương trình, dự án, phi dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều lệ tổ chức và hoạt động của Bên tiếp nhận viện trợ và tuân thủ các quy định về kế toán, thuế và các quy định pháp luật có liên quan. Đối với khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn thực hiện, tùy theo tính chất của khoản viện trợ được ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc thu khác của doanh nghiệp.
Chương V. Quản lý nhà nước về viện trợ.  Nội dung quản lý nhà nước về viện trợ: Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ theo luật pháp Việt Nam; Cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này; Giám sát, đánh giá tình hình, kết quả quản lý, sử dụng viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này theo quy định hiện hành của pháp luật; Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng viện trợ; Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và Bên cung cấp viện trợ có thành tích trong hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng khoản viện trợ.
Chương VI. Điều khoản thi hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các văn bản hướng dẫn mẫu biểu báo cáo thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Nghị định này. Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn mẫu biểu báo cáo về quản lý tài chính theo quy định của Nghị định này.
Các khoản viện trợ đã gửi cơ quan phê duyệt khoản viện trợ hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt việc tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện theo quy định của Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Các khoản viện trợ được phê duyệt trước ngày Nghị định có hiệu lực thì thực hiện quản lý tài chính và chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ đến thời điểm kết thúc khoản viện trợ được nêu trong Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 9 năm 2020 và thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Chung nhan Tin Nhiem Mang