Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

 
Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo quy định, Bộ Công an đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Đề mục số 16 thuộc Chủ đề số 39 - Trật tự, an toàn xã hội). Bộ Công an đã chủ trì thực hiện pháp điển đối với Đề mục này sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành về dự thảo Danh mục văn bản pháp điển được thu thập để pháp điển Đề mục Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Bộ Công an thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục, ký xác thực theo quy định để gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới.
Đề mục Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở số 30/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội (Luật này gồm 05 chương với 33 điều luật) và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Theo đó, Đề mục Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 03 văn bản quy phạm pháp luật và đều thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công an. Cụ thể: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở số 30/2023/QH15 vừa nêu; Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
  Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I gồm những quy định chung về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Nghị định, Thông tư như đã nêu; giải thích từ ngữ của Luật; vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm. Ví dụ, quy định: Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là hình thức tổ chức của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí ở thôn, tổ dân phố; Địa bàn phụ trách là thôn, tổ dân phố được giao cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nguyên tắc phối hợp, hỗ trợ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như sau: Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật; Chấp hành sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã, sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong quá trình phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ; Phát huy trách nhiệm của công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật; Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật; Đối với huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an huyện thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an cấp xã theo quy định của Luật này. Nghiêm cấm:  Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Giả danh lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ; Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
  - Chương II là những quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, như: Điều 39.16.LQ.7. Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự (Hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách thông qua nguồn tin của Nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn của Công an cấp xã; Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách phải báo ngay cho Công an cấp xã; có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã; kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật); Điều 39.16.LQ.8. Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Hỗ trợ Công an cấp xã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự và xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Vận động Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự); Điều 39.16.LQ.9. Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo yêu cầu, hướng dẫn, phân công của Công an cấp xã hỗ trợ lực lượng dân phòng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được điều động); Điều 39.16.LQ.10. Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; Điều 39.16.LQ.11. Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; Điều 39.16.LQ.12. Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động (trong đó: hỗ trợ Công an cấp xã tuần tra, phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; hỗ trợ Công an cấp xã hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông khi được huy động; trường hợp xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ngoài địa bàn phụ trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có thể được cấp có thẩm quyền điều động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và việc sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp điều động được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan).
- Chương III gồm các quy định về xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Chương này gồm có 2 Mục. Mục 1 là các quy định về xây dựng lực lượng, như: Điều 39.16.LQ.13. Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.LQ.14. Bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (trong đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật này; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Địa bàn phụ trách của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã; Căn cứ tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đến từng đơn vị hành chính cấp xã và căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, từng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự); Điều 39.16.LQ.15. Tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (trong đó, ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư hoặc đã từng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Bộ trưởng Bộ Công an quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự); Điều 39.16.TT.1.3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; Điều 39.16.LQ.16. Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; Điều 39.16.TT.1.4. Trình tự, thủ tục thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, công nhận thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; Điều 39.16.LQ.17. Điều chỉnh số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.TT.1.5. Trình tự, thủ tục điều chỉnh số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.LQ.18. Huấn luyện, bồi dưỡng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.TT.1.6. Huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Mục 2 là các quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, như: Điều 39.16.LQ.19. Bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (trong đó, hằng năm, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước); Điều 39.16.LQ.20. Địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc địa điểm, nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương; Điều 39.16.LQ.21. Trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.LQ.22. Trang phục, giấy chứng nhận, trang bị của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.NĐ.1.3. Trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.NĐ.1.4. Trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.TT.1.7. Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.LQ.23. Hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.LQ.24. Chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ; Điều 39.16.NĐ.1.5. Điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ; Điều 39.16.NĐ.1.6. Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, chết khi thực hiện nhiệm vụ; Điều 39.16.LQ.25. Nhiệm vụ chi của Bộ Công an (Nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách trung ương bảo đảm, bao gồm: Trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Công tác huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an tổ chức; Sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an tổ chức); Điều 39.16.TT.1.8. Trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều 39.16.LQ.26. Nhiệm vụ chi của địa phương (Nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm, bao gồm: Hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức; bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Thực hiện chi các nội dung quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này; Sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do địa phương tổ chức; Các khoản chi khác cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương).
- Chương IV là các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chẳng hạn: Điều 39.16.LQ.27. Trách nhiệm của Chính phủ; Điều 39.16.LQ.28. Trách nhiệm của Bộ Công an; Điều 39.16.LQ.29. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Điều 39.16.LQ.30. Trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp; Điều 39.16.LQ.31. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
- Chương V là các quy định về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản các luật có liên quan của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; các điều khoản về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành của Luật này và Nghị định, Thông tư đã được pháp điển vào Đề mục này như đã nêu ở trên.
Và như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã xác định được hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp điều chỉnh về lực lượng này và đang còn hiệu lực, được tập hợp, sắp xếp giúp tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang