Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan pháp điển xong đề mục “Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực theo quy định và đang chuẩn bị trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 07 chương (54 Điều) theo cấu trúc của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014 và được pháp điển từ 20 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: (1) Luật số 16/1999/QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (2) Luật số 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (3) Luật số 72/2014/QH13 ngày 27/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (4) Nghị định số 26/2002/NĐ-CP ngày 21/3/2002 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; (5) Nghị định số 63/2002/NĐ-CP ngày 18/6/2002 của Chính phủ quy định về khám, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan tại ngũ; (6) Nghị định số 165/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ về biệt phái sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (7) Nghị định số 44/2005/NĐ-CP ngày 05/4/2005 của Chính phủ quy định nhóm chức vụ chuẩn và cấp bậc quân hàm cao nhất tương ứng của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (8) Nghị định số 73/2005/NĐ-CP ngày 06/6/2005 của Chính phủ về đào tạo cán bộ cho QĐNDVN tại các trường ngoài Quân đội; (9) Nghị định số 130/2008/NĐ-CP ngày 19/12/2008 của Chính phủ về giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (10) Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần, sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng; (11) Nghị định số 82/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam; (12) Thông tư số 14/2003/TT-BQP ngày 22/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2002/NĐ-CP ngày 21/3/2002 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; (13) Thông tư số 09/2015/TT-BQP ngày 04/3/2015 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo và bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái; (14) Thông tư liên tịch số 170/2002/TTLT-BQP-BTC ngày 28/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với học viên đào tạo sĩ quan dự bị và sĩ quan dự bị; (15) Thông tư liên tịch số 171/2002/TTLT-BQP-BYT ngày 28/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn kiểm tra sức khỏe sĩ quan dự bị và người được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị; (16) Thông tư liên tịch số 65/2004/TTLT-BQP-BNV ngày 13/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 165/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ về biệt phái sĩ quan QĐNDVN; (17) Thông tư liên tịch số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 21/7/2009 của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần, sĩ quan tại ngũ chuyển sang QNCN hoặc CCQP; (18) Quyết định số 266/2003/QĐ-BQP ngày 03/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Danh mục hệ thống các ngành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (19) Quyết định số 69/2004/QĐ-BQP ngày 20/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thẻ sĩ quan dự bị; (20) Quyết định số 83/2005/QĐ-BQP ngày 17/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xét phong quân hàm sĩ quan dự bị cho học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam ” như sau:
- Chương I gồm 14 điều quy định về các vấn đề chung như: Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Vị trí, chức năng của sĩ quan; Lãnh đạo, chỉ huy, quản lý sĩ quan; Điều kiện tuyển chọn đào tạo sĩ quan; Nguồn bổ sung sĩ quan tại ngũ; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của sĩ quan; Giải thích từ ngữ; Ngạch sĩ quan; Nhóm ngành sĩ quan; Hệ thống cấp bậc quân hàm sĩ quan; Chức vụ của sĩ quan; Tiêu chuẩn của sĩ quan; Tuổi phục vụ của sĩ quan; Trách nhiệm xây dựng đội ngũ sĩ quan.
- Chương II gồm 11 điều quy định về quân hàm, chức vụ sĩ quan như: Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan; Đối tượng được phong quân hàm sĩ quan tại ngũ; Thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; Thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn; Kéo dài thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan; Mức thăng, giáng cấp bậc quân hàm sĩ quan; Bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ đối với sĩ quan; Quan hệ cấp bậc, chức vụ của sĩ quan; Quyền tạm đình chỉ chức vụ đối với sĩ quan trong trường hợp khẩn cấp; Biệt phái sĩ quan; Thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan.
- Chương III gồm 12 điều quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan như: Nghĩa vụ của sĩ quan; Trách nhiệm của sĩ quan; Những việc sĩ quan không được làm; Nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan biệt phái; Đào tạo, bồi dưỡng đối với sĩ quan; Tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan tại ngũ; Chế độ nghỉ của sĩ quan tại ngũ; Chăm sóc sức khoẻ sĩ quan tại ngũ và gia đình sĩ quan; Sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng; Sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ Điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan; Quyền lợi của sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ.
- Chương IV gồm 07 điều quy định về sĩ quan dự bị như: Hạng ngạch sĩ quan dự bị; Đối tượng đăng ký sĩ quan dự bị; Gọi đào tạo sĩ quan dự bị và gọi sĩ quan dự bị phục vụ tại ngũ; Bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị; Trách nhiệm của sĩ quan dự bị; Quyền lợi của sĩ quan dự bị; Chuyển hạng, giải ngạch sĩ quan dự bị.
- Chương V gồm 03 điều quy định quản lý nhà nước về sĩ quan như: Nội dung quản lý nhà nước về sĩ quan; Trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp.
- Chương VI và Chương VII gồm 07 điều quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm và điều khoản thi hành như: Khen thưởng; Xử lý vi phạm; Hiệu lực thi hành; Quy định thi hành Luật.
Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn cụ thể trong nội dung đề mục để người sử dụng dễ tra cứu.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần hoàn thiện, nâng cao hệ thống pháp luật.
Vũ Thị Mai