Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành quy định về công nghệ cao
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành quy định về công nghệ cao

Triển khai công tác pháp điển đối với đề mục đã được Thủ tướng Chính phủ phân công theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014, trên cơ sở Quyết định số 2061/QĐ-BKHCN ngày 25/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với Đề mục Công nghệ cao, Cục Công nghệ cao là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục "Công nghệ cao" (Đề mục số 3 thuộc Chủ đề số 19 – Khoa học, công nghệ trong Bộ pháp điển). Đến nay, Đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực và đang chuẩn bị trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh pháp điển, việc xây dựng cấu trúc của một đề mục dựa theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục và trường hợp cần thiết, cơ quan thực hiện có thể bổ sung cấu trúc (phần, chương, mục). Theo đó, Đề mục "Công nghệ cao" có cấu trúc gồm 07 chương (trong đó 06 chương là theo cấu trúc của Luật Công nghệ cao năm 2008 và 01 chương được bổ sung, đó là Chương VI) và Đề mục này được pháp điển từ 20 văn bản quy phạm pháp luật; ngoài ra, sau khi có kết quả pháp điển được ký xác thực vào   /3/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục pháp điển bổ sung quy phạm pháp luật từ Nghị định 74/2017/NĐ-CP và Quyết định 13/2017/QĐ-TTg. Cụ thể: (1) Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13/11/2008; (2) Nghị định 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu Công nghệ cao; (3) Nghị định 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; (4) Quyết định 53/2004/QĐ-TTg ngày 05/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Khu công nghệ cao; (5) Quyết định 55/2010/QĐ-TTg ngày 10/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và công nhận doanh nghiệp công nghệ cao; (6) Quyết định 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (7) Quyết định 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển và Quyết định 13/2017/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg; (8) Quyết định 68/2014/QĐ-TTg ngày 09/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; (9) Quyết định 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao; (10) Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (11) Quyết định 04/2016/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; (12) Quyết định 27/2006/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành "Quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao"; (13) Thông tư 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của thủ tướng chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (14) Thông tư 32/2011/TT-BKHCN ngày 15/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; (15) Thông tư 33/2011/TT-BKHCN ngày 09/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; (16) Thông tư 02/2012/TT-BKHCN ngày 18/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; (17) Thông tư liên tịch 219/2012/TTLT-BTC-BKHCN ngày 20/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; (18) Thông tư 31/2012/TT-BKHCN ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xác định dự án, tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện dự án thuộc Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; (19) Thông tư 01/2013/TT-BKHCN ngày 14/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc xác định tiêu chí đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; (20) Thông tư 27/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định các điều kiện đối với cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; (21) Thông tư 45/2015/TT-BCT ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc quản lý Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. 
Các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục này như sau:
- Chương I bao gồm 22 điều quy định những vấn đề chung về công nghệ cao như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ một số thuật ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực công nghệ cao (Công nghệ cao là công nghệ như thế nào; Doanh nghiệp công nghệ cao gồm những doanh nghiệp nào; Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Ươm tạo công nghệ cao; Nhân lực công nghệ cao... ); Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao; Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Hợp tác quốc tế về công nghệ cao; Các hành vi bị nghiêm cấm.     
- Chương II bao gồm 27 điều với các quy định về việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao như: Ứng dụng công nghệ cao; Biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; Thẩm quyền chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và công nhận doanh nghiệp công nghệ cao; Tiêu chí xác định dự án ứng dụng công nghệ cao; Tiêu chí xác định dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Kinh phí phục vụ công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Các mẫu của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Tiêu chí xác định đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; Các mẫu của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận dành cho tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Thu hồi Giấy chứng nhận; Biện pháp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; Khuyến khích chuyển giao công nghệ cao; Phát triển thị trường công nghệ cao, thông tin, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao;       
- Chương III bao gồm với 124 điều quy định về vấn đề phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế - kỹ thuật như: Phát triển công nghiệp công nghệ cao; Phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; Tiêu chí xác định vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thẩm quyền công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Hồ sơ và trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới; Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao; Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hiệu lực của Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Khuyến khích thành lập doanh nghiệp công nghệ cao; Cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và Điều kiện đối với cơ sở ươm tạo công nghệ cao; Các biện pháp thúc đẩy ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Mã số Chương trình, nhiệm vụ của Chương trình; Tiêu chí dự án phát triển công nghệ cao; Tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao; Tiêu chí dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; Tiêu chí dự án xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; Tiêu chí dự án phát triển nhân lực công nghệ cao; Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ; Trách nhiệm của Bộ chủ trì Chương trình thành phần; Trách nhiệm của tổ chức chủ trì; Xác định nhiệm vụ của Chương trình; Thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ của Chương trình; Hợp đồng giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; Bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ của Chương trình; Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng; Đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; Thông tin và cơ sở dữ liệu của Chương trình; Các nguồn tài chính thực hiện Chương trình; Nguyên tắc hỗ trợ và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước; Nguyên tắc sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước; Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với dự án; Nội dung chi ngân sách nhà nước cho hoạt động chung của Chương trình; Lập dự toán, phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình; Giải ngân kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ đối với các dự án; Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm; Đề xuất dự án, đề xuất đặt hàng dự án; Quy trình đề xuất dự án, đề xuất đặt hàng dự án; Xây dựng danh mục dự án; Phiên họp của hội đồng tư vấn, báo cáo nghiên cứu của chuyên gia tư vấn độc lập; Tuyển chọn, giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp; Xét duyệt hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp; Nội dung làm việc của hội đồng khoa học và công nghệ; Thẩm định nội dung, kinh phí và ký kết hợp đồng; Nhiệm vụ của Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Đề xuất nhiệm vụ của Chương trình;  Xác định danh mục nhiệm vụ đặt hàng; Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ của Chương trình; Phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng của Chương trình; Thông báo tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; Mở và kiểm tra xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; Thành lập Hội đồng đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; Trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng và các tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp; Rà soát kết quả làm việc của các hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí; Phê duyệt nội dung và dự toán kinh phí nhiệm vụ của Chương trình; Điều chỉnh danh mục và dự toán kinh phí nhiệm vụ của Chương trình; Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu nhiệm vụ chung của Chương trình; Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu dự án của Chương trình; Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; và quy định về đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao cũng như quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia.
- Chương IV bao gồm 04 điều với các quy định cơ bản về nhân lực công nghệ cao như: Chính sách phát triển nhân lực công nghệ cao; Đào tạo nhân lực công nghệ cao; Cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao; Thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao.
- Chương V bao gồm 10 điều quy định chung về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao như: Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; Khu công nghệ cao; Quy chế Khu công nghệ cao; Chính sách ưu đãi về thuế; Ưu đãi về sử dụng đất; Vốn, tín dụng và bảo lãnh; Các quy định khác; và quy định về Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như quy định về biện pháp thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghệ cao.
- Chương VI bao gồm những quy định riêng về Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là Chương được bổ sung và có 03 Mục với các quy định như sau:
Mục 1 gồm các quy định về vị trí và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mục 2 gồm các quy định về hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như quy định về thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Mục 3 gồm các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc như: Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao; Giải phóng mặt bằng và tái định cư; Quản lý quy hoạch và xây dựng; Quản lý và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật; Xác định tiền thuê đất, xử lý tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và ưu đãi về đất đai trong Khu công nghệ cao; Quản lý đất đai đối với các khu chức năng có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng (chủ đầu tư hạ tầng); Ưu đãi về thuế; Chính sách phát triển nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao; Xuất nhập cảnh và quản lý người lao động nước ngoài; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác; Quản lý nhà nước đối với Khu công nghệ cao.
- Chương VII (Điều khoản thi hành) bao gồm các quy định về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện của các văn bản được sử dụng để pháp điển. 
Như vậy, thông qua việc triển khai thực hiện pháp điển Đề mục "Công nghệ cao", lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực công nghệ cao đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương ban hành về lĩnh vực công nghệ cao.
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang