Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Quyết định số 5330/QĐ-BQP ngày 23/12/2017 ban hành Kế hoạch thực hiện pháp điển hệ thống QPPL đối với các đề mục trong chủ đề Quốc phòng thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng năm 2017. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan thực hiện pháp điển đề mục “Động viên công nghiệp” (Đề mục số 6) thuộc chủ đề “Quốc phòng” (Chủ đề số 25). Đề mục này đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, thông qua ngày 20/9/2017; Bộ Quốc phòng đã hoàn thiện, ký xác thực và đang chờ trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xác định phạm vi các văn bản QPPL đang còn hiệu lực được pháp điển vào đề mục, bao gồm 03 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Quốc phòng) và 07 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Cụ thể: Pháp lệnh số 09/2003/PL-UBTVQH11 Động viên công nghiệp ngày 25/02/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 132/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp ngày 04/06/2004 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 172/2005/TTLT/BQP-BTC Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 132/2004/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh động viên công nghiệp ngày 18/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Về cơ bản, Bộ Quốc phòng đã bảo đảm pháp điển chính xác, đầy đủ các QPPL đang còn hiệu lực trong 03 văn bản có nội dung thuộc Đề mục.
Đề mục Động viên công nghiệp có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh động viên công nghiệp năm 2003 (gồm 08 chương với 77 điều), không bổ sung thêm cấu trúc Đề mục. Theo đó, đề mục Động viên công nghiệp có cấu trúc gồm 08 chương, cụ thể:
- Chương I gồm 15 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; giá thanh toán sản phẩm động viên công nghiệp; trích khấu hao và sử dụng tiền trích khấu hao trang thiết bị do Nhà nước giao khi khai thác công dụng ngoài kế hoạch động viên công nghiệp tại các doanh nghiệp công nghiệp; quản lý tài liệu công nghệ đã được chuyển giao và các trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị; những hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức.
- Chương II gồm 22 điều quy định về nội dung cơ bản như: Thực hiện động viên công nghiệp; chuẩn bị động viên công nghiệp (khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp công nghiệp có khả năng sản xuất, sửa chữa trang bị; xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp; giao chỉ tiêu động viên công nghiệp; hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị; quản lý, duy trì dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị; bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động và diễn tập động viên công nghiệp; dự trữ vật tư); xây dựng Chương trình khảo sát tổng thể các doanh nghiệp công nghiệp trong phạm vi cả nước thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh Động viên công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; giao nhiệm vụ khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ; cung cấp đầy đủ, chính xác về năng lực sản xuất, sửa chữa cho cơ quan khảo sát; nội dung khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp
; các doanh nghiệp công nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý danh mục các doanh nghiệp công nghiệp đủ điều kiện; căn cứ để xây dựng kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp (đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; dự báo quy mô chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; nhu cầu và thực lực trang bị của Quân đội; dự báo mức tiêu hao trang bị trong chiến tranh; khả năng sản xuất, sửa chữa trang bị của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng và bảo đảm từ các nguồn khác; kết quả khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa trang bị của các doanh nghiệp công nghiệp); nội dung kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp; xác định bồi thường các tổn thất đối với tài liệu công nghệ đã được chuyển giao và trang thiết bị do Nhà nước giao khi có quyết định thu hồi; thẩm quyền giao chỉ tiêu động viên công nghiệp; lập kế hoạch động viên công nghiệp và phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổng công ty; dây chuyền công nghệ chuẩn bị động viên công nghiệp được nghiệm thu; trách nhiệm của doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp; danh mục vật tư, trách nhiệm và chế độ dự trữ, bảo đảm vật tư dự trữ cho các doanh nghiệp công nghiệp;
quy hoạch và kế hoạch dự trữ vật tư phục vụ động viên công nghiệp; quản lý vật tư dự trữ phục vụ động viên công nghiệp; trách nhiệm của
cơ quan, doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp;
quy mô, nội dung và hình thức diễn tập động viên công nghiệp.
- Chương III gồm 11 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Thực hiện động viên công nghiệp; quyết định và thông báo quyết định động viên công nghiệp; tổ chức di chuyển địa điểm đối với doanh nghiệp công nghiệp phải di chuyển; tổ chức bảo đảm vật tư, tài chính; tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị; giao, nhận sản phẩm động viên công nghiệp
; số lượng các doanh nghiệp công nghiệp và chỉ tiêu động viên công nghiệp cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổng công ty; việc thông báo quyết định động viên công nghiệp; chấm dứt động viên công nghiệp.
; di chuyển công nghiệp trong động viên công nghiệp; thời hạn thực hiện việc bảo đảm vật tư cho doanh nghiệp công nghiệp trong diện được bảo đảm
; thực hiện sản xuất, sửa chữa trang bị ngay sau khi nhận được quyết định động viên công nghiệp; thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị ngay sau khi nhận được vật tư; thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị ngay sau khi hoàn thành việc di chuyển; trách nhiệm giao sản phẩm động viên công nghiệp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đúng chủng loại, đúng thời hạn và địa điểm; đơn vị tiếp nhận của Quân đội có trách nhiệm kiểm tra và tổ chức tiếp nhận sản phẩm động viên công nghiệp.
- Chương IV gồm 08 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Chế độ chính sách đối với doanh nghiệp công nghiệp và người lao động trong động viên công nghiệp; chế độ, chính sách đối với chủ phương tiện có phương tiện được huy động và chủ sở hữu các tài sản khác có tài sản tham gia huấn luyện, diễn tập hoặc phục vụ di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp; hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ thực hành động viên công nghiệp; chế độ trong chuẩn bị động viên công nghiệp (bảo đảm đầy đủ, kịp thời tài liệu công nghệ và trang thiết bị để hoàn chỉnh dây chuyền; bảo đảm kịp thời, đúng chủng loại, chất lượng, số lượng các loại vật tư khi sản xuất thử và khi sản xuất, sửa chữa trang bị để duy trì năng lực dây chuyền; thanh toán và bảo đảm kinh phí đúng thời hạn; hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật); chế độ trong thực hành động viên công nghiệp(bảo đảm phương tiện vận chuyển khi di chuyển đến địa điểm mới; bảo đảm kịp thời vật tư, trang thiết bị và kinh phí; ưu đãi về thuế, đất đai như các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng; giảm hoặc miễn trách nhiệm tài sản theo quy định của pháp luật trong trường hợp do thực hiện quyết định động viên công nghiệp mà không thực hiện được hợp đồng kinh tế, thương mại, dân sự đang có hiệu lực vào thời điểm nhận quyết định động viên công nghiệp; hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật); chế độ khi kết thúc động viên công nghiệp (bảo đảm phương tiện vận chuyển về địa điểm trước khi di chuyển; hỗ trợ kinh phí để phục hồi sản xuất).
- Chương V gồm 07 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Ngân sách bảo đảm cho động viên công nghiệp; các công việc chi (khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp; hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị để động viên công nghiệp; nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động khác; bác hoạt động để duy trì năng lực sản xuất, sửa chữa của dây chuyền động viên công nghiệp; dự trữ vật tư; huấn luyện, diễn tập động viên công nghiệp; di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp; sản xuất, sửa chữa trang bị khi có quyết định động viên công nghiệp; phục hồi sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ động viên công nghiệp; nghiệp vụ động viên công nghiệp; các công việc khác của động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật); nội dung chi bởi ngân sách động viên công nghiệp tại Trung ương; lập dự toán, phân bổ ngân sách động viên công nghiệp.
- Chương VI gồm 03 điều quy định về quản lý nhà nước về động viên công nghiệp (ban hành, hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về động viên công nghiệp; xây dựng chính sách, lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức thực hiện động viên công nghiệp; tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về động viên công nghiệp; nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về động viên công nghiệp; kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về động viên công nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về động viên công nghiệp; sơ kết, tổng kết về động viên công nghiệp); trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Chương VII gồm 05 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong chuẩn bị động viên công nghiệp và thực hành động viên công nghiệp được khen thưởng theo quy định của pháp luật; người nào có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và những quy định khác của pháp luật về động viên công nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Pháp lệnh này hoặc những quy định khác của pháp luật về động viên công nghiệp thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Chương VIII gồm 06 điều quy định về tổ chức thực hiện, điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành.
Như vậy, kết quả pháp điển đề mục Động viên công nghiệp do Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện đã cho thấy: Về cơ bản hệ thống quy phạm pháp luật về Động viên công nghiệp đã đầy đủ, thống nhất, rõ ràng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể yên tâm tra cứu, áp dụng các quy phạm pháp luật về Động viên công nghiệp trong Bộ pháp điển điện tử.