Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan pháp điển đề mục “Xử lý vi phạm hành chính” (Đề mục số 13) thuộc chủ đề “Trật tự, an toàn xã hội” (Chủ đề số 39). Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực và đóng dấu theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sắp xếp đề mục Xử lý vi phạm hành chính vào chủ đề Trật tự, an toàn xã hội để trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục Xử lý vi phạm hành chính là đề mục có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lớn, phức tạp (119 văn bản) gồm: 01 Luật, 01 Pháp lệnh, 02 Nghị quyết, 58 Nghị định, 52 Thông tư và 05 Thông tư liên tịch. Hệ thống văn bản quy phạm thuộc đề mục Xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền thực hiện pháp điển của 17 bộ, ngành: Bộ Quốc phòng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài chính;Bộ Công an; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế; Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông. Cấu trúc đề mục được xác định theo cấu trúc của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 gồm 06 phần với 142 điều. Ngoài ra, cấu trúc đề mục Xử lý vi phạm hành chính còn bổ sung thêm 01 chương mới là Chương IV Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực vào Phần thứ hai Xử phạt vi phạm hành chính.
Đề mục Xử lý vi phạm hành chính được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đang còn hiệu lực. Nội dung của đề mục Xử lý vi phạm hành chính cụ thể như sau:
- Phần thứ nhất Những quy định chung: Phần này gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; các quy định về giải thích từ ngữ; quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; đối tượng xử lý vi phạm hành chính; thời hiệu xử lý vi phạm hành chính; thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính; cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ; tình tiết tăng nặng; những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính; những hành vi bị nghiêm cấm; bồi thường thiệt hại; trách nhiệm đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính;Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính; giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính; áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Phần thứ hai Xử lý vi phạm hành chính gồm 04 chương (03 chương theo cấu trúc của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và 01 chương bổ sung mới):
+ Chương I Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả gồm 02 mục (20 điều) quy định về các nội dung cơ bản như: Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng; cảnh cáo; phạt tiền; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất; các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
+ Chương II Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (gồm 92 điều) quy định về thẩm quyền của các đối tượng: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, cơ quan thuế, Quản lý thị trường, thanh tra, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, Cục quản lý lao động ngoài nước, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; hay đổi tên gọi của chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và giao quyền xử phạt.
+ Chương III Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (gồm 03 mục) quy định về các nội dung cơ bản như: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản; xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; lập biên bản vi phạm hành chính; xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính; xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; giải trình; chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự; chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính; những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản; gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành; chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản; hoãn thi hành quyết định phạt tiền; giảm, miễn tiền phạt; thủ tục nộp tiền phạt; nộp tiền phạt nhiều lần; thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; thủ tục trục xuất; thi hành biện pháp khắc phục hậu quả; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền quyết định cưỡng chế; thi hành quyết định cưỡng chế.
+ Chương IV Xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực (gồm 49 mục) quy định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, cụ thể: Khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giao thông hàng hải; lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; sở hữu công nghiệp; hoạt động thủy sản; kế toán, kiểm toán độc lập; năng lượng nguyên tử; chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quốc phòng, cơ yếu; hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; hải quan; thuế; quyền tác giả, quyền liên quan; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục; bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hàng không dân dụng; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; hoạt động báo chí, xuất bản; vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ; bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; y tế; an toàn thực phẩm; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; cạnh tranh; tiền tệ và ngân hàng; đất đai; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường thủy nội địa; giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giao thông đường bộ và đường sắt; kế hoạch và đầu tư; thống kê; bảo vệ môi trường; tài nguyên nước và khoáng sản; dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; thú y; phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
- Phần thứ ba Áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính (gồm 05 chương) quy định về các nội dung cơ bản như:
+ Chương I Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính: Quy định về nội dung và đối tượng của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Chương II Thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính: Quy định về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng; quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
+ Chương III Thẩm quyền thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính: Quy định về thẩm quyền, thủ tục và nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
+ Chương IV Thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính: Quy định về việc gửi quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để thi hành; thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; quản lý người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hết thời hạn chấp hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
- Phần thứ tư Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (gồm 02 chương) quy định về những nội dung chính:
+ Chương I Những quy định chung về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính: Quy định về nội dung, nguyên tắc áp dụng; huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
+ Chương II Thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính: Quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính; t hẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; khám người theo thủ tục hành chính; khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính; truy tìm đối tượng đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.
- Phần thứ năm Quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính (gồm 02 chương) quy định về những nội dung chính:
+ Chương I Quy định chung về xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính: Quy định về phạm vi áp dụng; nguyên tắc xử lý; áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.
+ Chương II Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên: Quy định về biện pháp nhắc nhở, quản lý tại gia đình.
- Phần thứ sáu Điều khoản thi hành gồm các quy định về trách nhiệm thi hành, tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển đề mục Xử lý vi phạm hành chính và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về xử lý vi phạm hành chính đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Phùng Thị Hương