Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về lĩnh vực hòa giải ở cơ sở
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về lĩnh vực hòa giải ở cơ sở

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan pháp điển xong đề mục “Hòa giải ở cơ sở” (Đề mục số 1, Chủ đề số 37 - Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp). Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và đang trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 06 chương (75 Điều) theo cấu trúc của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và được pháp điển từ 04 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN của Chính phủ và Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Thông tư liên tịch 100/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Hòa giải ở cơ sở” như sau:
- Chương I gồm 17 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các quy định trong đề mục này; Giải thích từ ngữ; Phạm vi hòa giải ở cơ sở; Giải quyết trường hợp vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở;  Hướng dẫn việc xác định phạm vi hòa giải ở cơ sở; Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở; Nguyên tắc phối hợp; Chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; Khuyến khích cá nhân tham gia hòa giải ở cơ sở; Khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở; Hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở; Nội dung hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên.
- Chương II gồm 2 mục với 18 điều quy định về hòa giải viên. Trong đó Mục 1 quy định về hòa giải viên như: Tiêu chuẩn hòa giải viên; Bầu, công nhận hòa giải viên; Bầu hòa giải viên; Quyền của hòa giải viên; Điều kiện được; hưởng thù lao theo vụ, việc của hòa giải viên; Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên; Trường hợp hòa giải viên được hỗ trợ khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hòa giải; Các khoản được hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hòa giải; Thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải; Nghĩa vụ của hòa giải viên; Thôi làm hòa giải viên. Mục 2 quy định về Tổ hòa giải như: Rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải; kiện toàn tổ hòa giải; Trách nhiệm của tổ hòa giải; Tổ trưởng tổ hòa giải; Bầu tổ trưởng tổ hòa giải; Quyền và nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải.
- Chương III gồm 15 điều quy định về hoạt động hòa giải ở cơ sở như: Căn cứ tiến hành hòa giải; Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải; Phân công hòa giải viên; Người được mời tham gia hòa giải; Địa điểm, thời gian hòa giải; Tiến hành hòa giải; Hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau; Thực hiện hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau; Kết thúc hòa giải; Hòa giải thành; Thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; Hòa giải không thành; Giải quyết trường hợp hòa giải không thành.
- Chương IV gồm 13 điều quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở như: Trách nhiệm quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Tổ chức phổ biến, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi; Tổ chức khen thưởng về hòa giải ở cơ sở; Thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Chương V gồm 04 điều quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở như: Nguyên tắc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; Nội dung chi; Mức chi; Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí.
- Chương VI gồm 08 điều quy định về điều khoản thi hành như: Tổ chức thực hiện; Hiệu lực thi hành của các văn bản sử dụng pháp điển vào đề mục và trách nhiệm thi hành của các cá nhân, tổ chức có liên quan; Điều khoản chuyển tiếp.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang