Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Văn phòng Quốc hội chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Hoạt động chữ thập đỏ (Đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 36). Đến nay, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Hoạt động chữ thập đỏ và đã được thẩm định thông qua theo quy định.
Đề mục Hoạt động chữ thập đỏ có cấu trúc gồm 08 chương (theo cấu trúc của Luật Hoạt động chữ thập đỏ) với 97 Điều. Theo đó, đề mục Hoạt động chữ thập đỏ được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 07 văn bản, cụ thể như sau: Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Nghị định 03/2011/NĐ-CP ngày 07/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Quyết định 43/2000/QĐ-TTg ngày 07/04/2000 của Thủ tướng Chính phủ về vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện; Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 09/07/2013 của Bộ Lao động, thương bình và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ, mức hỗ trợ người đang trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe; Thông tư 04/2014/TT-BYT ngày 06/02/2014 của Bộ Y tế quy định điều kiện hoạt động, thủ tục thành lập cơ sở hiến máu chữ thập đỏ; Thông tư 07/2014/TT-BGDĐT ngày 14/03/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về hoạt động chữ thập đỏ trong trường học; Thông tư 17/2014/TT-BYT ngày 02/06/2014 của Bộ Y tế quy định việc cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ và việc huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Hoạt động chữ thập đỏ” như sau:
- Chương I gồm 18 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Hoạt động chữ thập đỏ; Nguyên tắc hoạt động chữ thập đỏ; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chữ thập đỏ; Chính sách đối với người tham gia hoạt động chữ thập đỏ; Hỗ trợ chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút đối với người bị tai nạn; Hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đối với người bị tai nạn trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút; Hồ sơ, thủ tục hỗ trợ chi phí y tế và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, nguồn kinh phí; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức khác và cá nhân trong hoạt động chữ thập đỏ; Tham gia hoạt động chữ thập đỏ của tổ chức, cá nhân; Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 31 điều quy định về hoạt động chữ thập đỏ như: Hoạt động chữ thập đỏ về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; Cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ; Hoạt động chữ thập đỏ về chăm sóc sức khỏe; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ; Đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động; Hoạt động chữ thập đỏ về sơ cấp cứu ban đầu; Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ; Điều kiện hoạt động đối với trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ; Điều kiện hoạt động đối với điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ; Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động; Thủ tục cấp, cấp lại giấy phép hoạt động; Cơ sở huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu chữ thập đỏ; Khung chương trình, nội dung huấn luyện sơ cấp cứu của cơ sở huấn luyện chữ thập đỏ; Phê duyệt chương trình huấn luyện sơ cấp cứu; Cấp giấy chứng nhận cho học viên sau huấn luyện; Hoạt động chữ thập đỏ về hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Cơ sở hiến máu chữ thập đỏ; Lấy ngày 07 tháng 4 hàng năm là ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện"; Hình thức tổ chức, chức năng của cơ sở hiến máu chữ thập đỏ; Điều kiện hoạt động đối với trung tâm hiến máu; Điều kiện hoạt động của điểm hiến máu; Thủ tục thành lập cơ sở hiến máu chữ thập đỏ; Đăng ký hoạt động của cơ sở hiến máu chữ thập đỏ; Hoạt động chữ thập đỏ về tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; Hoạt động chữ thập đỏ về tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Hoạt động chữ thập đỏ về phòng ngừa, ứng phó thảm họa.
- Chương III gồm 03 điều quy định về biểu tượng trong hoạt động chữ thập đỏ như: Biểu tượng chữ thập đỏ; Sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ; Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ.
- Chương IV gồm 11 điều quy định về vận động, quyên góp, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn lực cho hoạt động chữ thập đỏ như: Nguồn lực cho hoạt động chữ thập đỏ; Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động chữ thập đỏ; Vận động, quyên góp tiền, hiện vật và các nguồn lực khác cho hoạt động chữ thập đỏ; Ưu tiên, tạo thuận lợi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu đối với thuốc chữa bệnh, thuốc phòng, chống dịch và thiết bị y tế trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu phục vụ hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; Ưu tiên, tạo thuận lợi thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại đối với người tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; Tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền, hiện vật từ tổ chức, cá nhân và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động chữ thập đỏ; Miễn, giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động chữ thập đỏ; Quỹ hoạt động chữ thập đỏ; Quỹ hoạt động chữ thập đỏ.
- Chương V gồm 04 điều quy định hợp tác quốc tế về hoạt động chữ thập đỏ như: Nguyên tắc hợp tác quốc tế về hoạt động chữ thập đỏ; Hoạt động chữ thập đỏ của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Cứu trợ quốc tế.
- Chương VI gồm 02 điều quy định về Hội chữ thập đỏ như: Hội Chữ thập đỏ; Kinh phí hoạt động và tài sản của Hội Chữ thập đỏ.
- Chương VII gồm 15 điều quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động chữ thập đỏ như: Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ; Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ; Trách nhiệm của Bộ Nội vụ; Trách nhiệm của các bộ; Tuyên truyền, phổ biến giáo dục lòng nhân ái và chăm sóc sức khỏe cho thanh niên, thiếu niên; Tổ chức các hoạt động nhân đạo trong trường học; hối hợp giữa nhà trường với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp; Kinh phí hoạt động chữ thập đỏ trong trường học; Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh niên, thiếu niên tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong trường học; Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, giáo viên, giảng viên phụ trách công tác chữ thập đỏ trong trường học; Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường; Trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo; Trách nhiệm của các phòng giáo dục và đào tạo; Trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng.
- Chương VIII gồm 13 điều quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành; Điều khoản chuyển tiếp.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Hoạt động chữ thập đỏ đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định liên quan đến hoạt động chữ thập đỏ được pháp điển vào đề mục khác thì cũng được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.