Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Hình sự (Đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 16 - Hình sự). Đến nay, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Hình sự và Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện kết quả pháp điển của Đề mục Hình sự theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và ký xác thực, đồng thời hoàn thiện hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục này để trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới theo Chủ đề "Hình sự" trong Bộ pháp điển theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Đề mục Hình sự có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 – đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (cấu trúc của Bộ luật hình sự này gồm có: 03 Phần, trong đó có 26 chương, 427 điều – tính bao gồm các điều của Luật số 12/2017/QH14, Điều 292 của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 bị bãi bỏ) và có bổ sung thêm cấu trúc mục vào đề mục – có sự thay đổi cấu trúc so với cấu trúc của Bộ luật hình sự (Mục 3 Thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự tại Chương XII thuộc Phần thứ nhất, do đó, tại Chương XII này sẽ thành có 06 mục).
Trên cơ sở danh mục văn bản quy phạm pháp luật thu thập để pháp điển đối với Đề mục Hình sự sau khi đã lấy ý kiến các bộ, ngành và sau khi đã được họp thẩm định đối với Đề mục Hình sự, Đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật của 12 văn bản, trong đó có 01 văn bản được sửa đổi, bổ sung (01 Bộ luật, 01 Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 02 Nghị định của Chính phủ và 08 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao – trong đó, 04 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm pháp điển của Bộ Tư pháp, 01 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công an và 08 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao), cụ thể như sau: Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Luật số 12/2017/QH14; Nghị quyết số 41/
2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13; Nghị định số 19/2018/NĐ-CP quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị định số 37/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn việc áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo; Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐTP h
ướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật hình sự.
Theo đó, các nội dung cơ bản trong Đề mục Hình sự như sau:
- Phần thứ nhất gồm 12 chương với 171 điều và là phần chung với những quy định chung như sau:
+ Chương I (về điều khoản cơ bản) quy định về những vấn đề chung như: Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự; Cơ sở của trách nhiệm hình sự; Nguyên tắc xử lý; Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm; Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng theo một số nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 2015 (và Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung).
+ Chương II quy định hiệu lực của Bộ luật hình sự, cụ thể: Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian (và việc áp dụng Bộ luật hình sự như: Các quy định nào của Bộ luật hình sự 2015 được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 và các quy định nào được áp dụng kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được công bố; Về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình; Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm; Về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13; Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này).
+ Chương III quy định khái niệm tội phạm và giải thích một số thuật ngữ chuyên ngành về tội phạm như: Khái niệm tội phạm; Phân loại tội phạm; Cố ý phạm tội; Vô ý phạm tội; Tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác; Chuẩn bị phạm tội; Phạm tội chưa đạt; Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; Đồng phạm; Che giấu tội phạm; Không tố giác tội phạm.
+ Chương IV quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, như: Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.
+ Chương V quy định về vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự như: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.
+ Chương VI quy định về hình phạt như: Khái niệm hình phạt; Mục đích của hình phạt; Các hình phạt đối với người phạm tội (các hình phạt chính: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình; và các hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính); Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (các hình phạt chính: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; và các hình phạt bổ sung: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính).
+ Chương VII quy định về các biện pháp tư pháp (các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; bắt buộc chữa bệnh; và các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; khôi phục lại tình trạng ban đầu; thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra).
+ Chương VIII gồm 02 Mục quy định về vấn đề quyết định hình phạt, như: Căn cứ quyết định hình phạt; Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Tái phạm, tái phạm nguy hiểm; Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng; Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội; Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án; Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt; Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm; Miễn hình phạt.
+ Chương IX quy định về: Thời hiệu thi hành bản án; Các loại tội không áp dụng thời hiệu thi hành bản án; Miễn chấp hành hình phạt; Giảm mức hình phạt đã tuyên; Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt; Án treo; Tha tù trước thời hạn có điều kiện; Hoãn chấp hành hình phạt tù; Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
+ Chương X quy định về: Xóa án tích; Các trường hợp đương nhiên được xóa án tích; Xóa án tích theo quyết định của Tòa án; Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt; Cách tính thời hạn để xóa án tích.
+ Chương XI quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội, như: Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội; Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội; Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại; Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại; Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội; Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án; Miễn hình phạt; Xóa án tích.
+ Chương XII gồm 06 Mục quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, như: Mục 1 là những quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Mục 2 là những quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; Mục 3 là những quy định về việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; Mục 4 là những quy định về biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Mục 5 là những quy định về hình phạt; Mục 6 là những quy định về vấn đề quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích.
- Phần thứ hai gồm 14 chương với 349 điều và là phần quy định cụ thể về các loại tội phạm, như: Chương XIII quy định các tội xâm phạm an ninh quốc gia; Chương XIV quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; Chương XV quy định các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; Chương XVI quy định các tội xâm phạm sở hữu; Chương XVII quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; Chương XVIII gồm có 03 Mục quy định các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Chương XIX quy định các tội phạm về môi trường; Chương XX quy định các tội phạm về ma túy; Chương XXI gồm có 04 Mục quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; Chương XXII quy định các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; Chương XXIII gồm 02 Mục quy định các tội phạm về chức vụ; Chương XXIV quy định các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; Chương XXV quy định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; Chương XXVI quy định các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
- Phần thứ ba gồm 20 điều quy định về điều khoản thi hành như: Các điều về hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (và của Luật số 12/2017/QH14); Các điều về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật đã được pháp điển vào Đề mục Hình sự như đã nêu ở trên.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Hình sự đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật do các bộ, ngành ở Trung ương có thẩm quyền ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (và Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13) được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu. Ngoài ra, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với một số bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tòa án nhân dân tối cao rà soát hiệu lực một số văn bản do bộ, ngành chủ trì soạn thảo hoặc liên tịch ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) trước đây.