Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Khoáng sản
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Khoáng sản

Triển khai thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Khoáng sản (Đề mục số 3 thuộc Chủ đề 27. Tài nguyên). Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Khoáng sản, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Tài nguyên”.
Qua rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xác định có 86 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (01 Luật; 02 Nghị định của Chính phủ; 09 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 74 Quyết định, Thông tư) thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng) và 30 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
Đề mục Khoáng sản có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14) bao gồm 11 chương với 86 điều. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện pháp điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung thêm cấu trúc đề mục do một số QPPL có nội dung tương đối độc lập, cụ thể: bổ sung Chương XI (Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực khoáng sản) bao gồm 02 mục, mỗi mục có các tiểu mục bao gồm các nội dung về kỹ thuật thăm dò về cát, sỏi, lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp; kỹ thuật về đánh đánh giá tiềm năng khoáng sản rắn; định mức kinh tế - kỹ thuật các công trình địa chất... Như vậy, đề mục Khoáng sản có cấu trúc gồm 12 chương, chương XI Điều khoản thi hành trở thành Chương XII của đề mục.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục Khoáng sản như sau:
- Chương I Những quy định chung: quy định việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định danh mục, tiêu chuẩn, chất lượng khoáng sản xuất khẩu và điều kiện xuất khẩu khoáng sản.
- Chương II Quy hoạch, chiến lược khoáng sản. Việc lập chiến lược khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau đây: Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng; Bảo đảm nhu cầu về khoáng sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, chống lãng phí; Nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng khoáng sản trong nước và khả năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội; Kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã thực hiện; tiền đề và dấu hiệu địa chất liên quan đến khoáng sản. Chiến lược khoáng sản phải có các nội dung chính sau đây: Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản; Định hướng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác trong kỳ lập chiến lược; Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ khoáng sản quốc gia.
Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 với những nội dung chính sau: Về khai thác than: bể than Đông Bắc và các mỏ than khác (ngoài bể than đồng bằng sông Hồng) phấn đấu đạt sản lượng than sạch khoảng 48 – 50 triệu tấn vào năm 2010; 60 – 65 triệu tấn vào năm 2015; 70 – 75 triệu tấn vào năm 2020 và trên 80 triệu tấn vào năm 2025. Bể than đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn đến năm 2010, đầu tư thử nghiệm một số dự án với công nghệ khai thác truyền thống bằng phương pháp hầm lò và công nghệ khí hóa than, than hóa lỏng để làm căn cứ cho việc đầu tư phát triển sau năm 2010. Về sàng tuyển và chế biến than: phấn đấu đến năm 2015 phát triển chế biến than theo hướng đa dạng hóa sản phẩm (nhiên liệu đốt trực tiếp, than dùng cho luyện kim, khí hóa than, nhiên liệu lỏng từ than, nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất v.v…). Về bảo vệ môi trường: phấn đấu đến năm 2010 cơ bản ngăn chặn được việc gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm các nguồn nước; đến năm 2015 cải thiện cơ bản các chỉ tiêu chính về môi trường tại các khu vực nhạy cảm (đô thị, khu dân cư, điểm du lịch v.v…), các mỏ phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường; đến năm 2020 đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn địa bàn vùng mỏ. Về thị trường than: chuyển mạnh hoạt động ngành than theo cơ chế thị trường hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế có sự điều tiết của Nhà nước. Định hướng phát triển: Về công tác thăm dò, khai thác than ở trong nước: Tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ trong công tác thăm dò, khai thác với phương châm tập trung, đồng bộ. Về công nghệ khai thác than: Khai thác than bằng phương pháp hầm lò: Quy hoạch, thiết kế xây dựng mới, cải tạo mở rộng các mỏ hiện có theo hướng tập trung, công suất lớn với dây chuyền công nghệ đồng bộ và hiện đại; tối ưu hóa sản lượng để đảm bảo khai thác ổn định lâu dài; Sử dụng loại vật liệu mới, vì chống thủy lực thay thế cho vì chống gỗ và kim loại; vì neo, vì neo kết hợp phun bê tông, bê tông phun v.v… để chống giữ và bảo vệ các đường lò trong điều kiện địa chất mỏ cho phép; tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ khai thác cơ giới hóa đối với vỉa dốc thoải. Nghiên cứu lựa chọn công nghệ thích hợp để nâng cao hiệu quả khai thác đối với các vỉa dày dốc nghiêng và dốc đứng; nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác hợp lý đối với phần trữ lượng than dưới mức – 300m của bể than Quảng Ninh, bể than đồng bằng sông Hồng. Về sàng tuyển và chế biến than: Đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả các nhà máy tuyển hiện có; xây dựng thêm các nhà máy tuyển mới với công nghệ hiện đại để đáp ứng tối đa và ổn định cho nhu cầu thị trường trong nước, nâng cao giá trị sử dụng tài nguyên than và tăng cường bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến than, bao gồm: chế biến than dùng cho luyện kim, khí hóa than, than hóa dầu v.v… nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ than. Về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành than: Thực hiện việc phân luồng vận chuyển than theo các khu vực thông qua việc gắn các mỏ, các vùng than với các hộ tiêu thụ lớn trong khu vực phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng các khu vực có hoạt động khai thác than. Quy hoạch khoáng sản bao gồm: Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước; Quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước; Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kỳ quy hoạch khoáng sản được quy định như sau: Kỳ quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là 10 năm, tầm nhìn 20 năm; Kỳ quy hoạch quy định là 5 năm, tầm nhìn 10 năm. Chính phủ phân công các bộ tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các loại quy hoạch; quy định việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đề mục Khoáng sản có các chương từ III đế IX quy định cụ thể về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Khu vực khoáng sản; Bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nước, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản; Thăm dò khoáng sản; Khai thác khoáng sản và khai thác tận thu khoáng sản; Tài chính về khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực khoáng sản. Khoáng sản chưa khai thác, kể cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa được bảo vệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm: Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; Khi khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; không được tự ý khai thác khoáng sản. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khi trình phê duyệt quy hoạch phải trình kèm theo ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy. ổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính trên các căn cứ theo công thức sau: T = Q x G x K1 x K2 x R. Trong đó: T - Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính đồng Việt Nam; Q - Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định này; đơn vị tính là m3; tấn; kg và các đơn vị khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản; G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trị giá đơn vị khoáng sản nguyên khai, sau khai thác, được xác định trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và được quy định cụ thể; đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng; K1 - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác được quy định: Khai thác lộ thiên K1= 0,9; khai thác hầm lò K1= 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K1= 1,0; K2 - Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn áp dụng theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định về pháp luật đầu tư: Khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, K2= 0,9; khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn, K2= 0,95; các khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng còn lại, K2= 1,0; R - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là phần trăm (%).
Chương X Trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản bao gồm các nội dung cơ bản như sau: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; Lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược khoáng sản; lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản theo phân công của Chính phủ; Khoanh định và công bố các khu vực khoáng sản theo thẩm quyền; khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản; Cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản; chấp thuận trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền; Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; Tổng hợp kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, tình hình hoạt động khoáng sản; quản lý thông tin, mẫu vật địa chất, khoáng sản; Công bố, xuất bản các tài liệu, thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Thường trực Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước, trong đó có việc lập và trình phê duyệt quy hoạch về khoáng sản theo phân công của Chính phủ; đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý nhà nước về khoáng sản.
- Chương XII bao gồm các điều khoản về Điều khoản thi hành, Tổ chức thực hiện và Điều khoản chuyển tiếp. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản ở các mỏ đã được đóng cửa mỏ để thanh lý được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép và không được gia hạn hoặc cấp lại giấy phép. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được phê duyệt theo quy định trước ngày Luật khoáng sản có hiệu lực được thực hiện cho đến khi quy hoạch khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố theo quy định. Đối với các hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà trữ lượng khoáng sản rắn huy động vào khai thác nhỏ hơn 50% tổng trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác bằng 50% tổng trữ lượng khoáng sản đã phê duyệt. Đối với khai thác nước khoáng bằng 35% tổng lưu lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Khoáng sản đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp thuộc lĩnh vực khoáng sản và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu./.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang