Triển khai thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Thủy lợi (Đề mục số 6 thuộc Chủ đề số 24). Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Thủy lợi, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn”.
Qua rà soát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xác định đề mục Thủy lợi bao gồm 09 văn bản có nội dung thuộc đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính) và 22 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Các văn bản thuộc nội dung đề mục cụ thể như sau: (1) Luật 08/2017/QH14 Luật Thủy lợi được sửa đổi, bổ sung bởi Luật 35/2018/QH14 Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; (2) Nghị định 67/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; (3) Nghị định 77/2018/NĐ-CP Quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; (4) Nghị định 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; (5) Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; (6) Quyết định 25/2017/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được sửa đổi bởi Quyết định 24/2019/QĐ-TTg Sửa đổi Điều 3 Quyết định số 25/2017/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (7) Thông tư 27/2012/TT-BNNPTNT Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia công trình thuỷ lợi; (8) Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; (9) Thông tư 73/2018/TT-BTC Hướng dẫn sử dụng nguồn tài chính trong quản lý khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, nội dung về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi đề mục Giá. Do vậy, Bộ Tài chính không thực hiện pháp điển nội dung quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi vào đề mục Thủy lợi mà cập nhật vào đề mục Giá cho phù hợp và chỉ dẫn theo quy định.
Đề mục Thủy lợi có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật thủy lợi số 08/2017/QH14 ngày 18/6/2017 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 19/11/2018 của Quốc hội) gồm 10 chương với 61 điều và không bổ sung thêm cấu trúc chương, mục vào Đề mục (không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật).
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trong đề mục Thủy lợi là quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.
- Các nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi gồm: Phù hợp với nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước;thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, kết hợp theo đơn vị hành chính, phục vụ đa mục tiêu; bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu,thoát nước giữa các mùa và vùng; bảo đảm yêu cầu sản xuất, sinh hoạt theo hệ thống công trình thủy lợi, lưu vực sông, vùng và toàn quốc; sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bảo đảm số lượng, chất lượng nước trong công trình thủy lợi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; huy động sự tham gia của toàn dân trong hoạt động thủy lợi; tổ chức, cá nhân được sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và phải trả tiền theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trước những tác động bất lợi trong quá trình xây dựng và khai thác công trình thủy lợi.
- Các chính sách trong hoạt động thủy lợi gồm có:
+) Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
+) Ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thuế.
+) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hệ thống tưới, tiêu tiên tiến và hiện đại; hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng.
+) Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi.
+) Hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phù hợp với từng lĩnh vực, nhóm đối tượng sử dụng.
+) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trong trường hợp phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quảhạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng.
+) Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
+) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người trực tiếp hoặc tham gia hoạt động thủy lợi; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ trong hoạt động thủy lợi.
- Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi gồm:
+) Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+) Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi.
+) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi.
+) Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi.
+) Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
+) Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi.
+) Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi.
+) Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
+) Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố.
+) Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
+) Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật Thủy lợi.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục Thủy lợi như sau:
- Chương I Những quy định chung với 22 điều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ…
- Chương II Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi gồm 06 điều của Luật thủy lợi quy định về điều tra cơ bản thủy lợi; chiến lược thủy lợi; quy hoạch thủy lợi.
- Chương III Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi gồm 11 điều quy định về nguyên tắc, phân loại và phân cấp, đầu tư công trình thủy lợi.
- Chương IV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi gồm có 02 mục quy định về quản lý, khai thác và vận hành công trình thủy lợi.
- Chương V Dịch vụ thủy lợi gồm 35 điều quy định về hoạt động dịch vụ thủy lợi; phân loại sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; căn cứ cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; nguyên tắc và căn cứ định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; thẩm quyền quyết định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi; sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước…
- Chương VI Bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi gồm có 61 điều quy định về phạm vi, phương án, trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi…
- Chương VII Thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng gồm có 17 điều quy định về yêu cầu phát triển, quản lý, kinh phí hoạt động của thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
- Chương VIII Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi gồm có 04 điều quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động, khai thác công trình thủy lợi.
- Chương IX Trách nhiệm quản lý nhà nước về thuỷ lợi gồm có 12 điều quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động thủy lợi.
- Chương X Điều khoản thi hành gồm 22 điều quy định về điều khoản thi hành, hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp…
Về cơ bản, vị trí các điều trong dự thảo kết quả pháp điển của đề mục Thủy lợi bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện pháp điển và chỉ dẫn theo quy định.
Về cơ bản, các QPPL có nội dung liên quan đến nội dung của đề mục Thủy lợi được xác định theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP giữa các điều trong nội dung đề mục Thủy lợi và QPPL trong các văn bản sau: Luật 79/2006/QH11 Đê điều; Luật 14/2008/QH12 Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật 11/2012/QH13 Giá; Luật 17/2012/QH13 Tài nguyên nước; Luật 23/2012/QH13 Hợp tác xã; Luật 33/2013/QH13 Phòng, chống thiên tai; Luật 49/2014/QH13 Đầu tư công; Luật 68/2014/QH13 Doanh nghiệp; Luật 83/2015/QH13 Ngân sách nhà nước; Luật 90/2015/QH13 Khí tượng thủy văn; Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự; Nghị định 201/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định 46/2015/NĐ-CP Về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định 87/2015/NĐ-CP Về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị định 91/2015/NĐ-CP Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định 129/2017/NĐ-CP Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; Nghị định 53/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê; Thông tư 45/2013/TT-BTC Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định; Thông tư 219/2015/TT-BTC Hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Thông tư 147/2016 /TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định; Thông tư 28/2017/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 và Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tàỉ chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định; Thông tư 59/2018/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp./.