Cập nhật QPPL mới vào Đề mục Phòng, chống HIV đối với Nghị định số 63/2021/NĐ-CP và Thông tư số 09/2021/TT-BYT
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật QPPL mới vào Đề mục Phòng, chống HIV đối với Nghị định số 63/2021/NĐ-CP và Thông tư số 09/2021/TT-BYT

Ngày 30/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021) và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BYT quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2021). Đây là các văn bản có nội dung thuộc đề mục Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Y tế cập nhật các Điều mới của Nghị định số 63/2021/NĐ-CP và Thông tư số 09/2021/TT-BYT vào đề mục Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người theo quy định. Cụ thể các Điều của đề mục Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người được cập nhật như sau:
I. Kết quả cập nhật QPPL mới Nghị định số 63/2021/NĐ-CP
Điều 45.8.NĐ.4.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 30/06/2021 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
Nghị định này quy định chi tiết thi hành khoản 5, khoản 7 và khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 71/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 về:
1. Quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác (sau đây viết tắt là cơ sở quản lý).
2. Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV.
3. Nguồn ngân sách nhà nước và phương thức chi trả đối với chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai không có thẻ bảo hiểm y tế và phần chi phí xét nghiệm HIV Quỹ bảo hiểm y tế không chi trả đối với phụ nữ mang thai có thẻ bảo hiểm y tế.
Điều 45.8.NĐ.4.2. Giải thích từ ngữ
(Điều 2 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Cơ sở bảo trợ xã hội là các cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các cơ sở bảo trợ xã hội khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng quản lý là người được đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác theo quy định của pháp luật.
3. Đối tượng quản lý đã xác định tình trạng nhiễm HIV là người có phiếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính.
Điều 45.8.NĐ.4.3. Quản lý đối tượng
(Điều 3 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Sau khi tiếp nhận đối tượng quản lý, cơ sở quản lý tổ chức khai thác tiền sử sử dụng ma túy, tình trạng nhiễm HIV, tiền sử điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế để phân loại đối tượng quản lý.
2. Phân loại đối tượng quản lý và thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như sau:
a) Đối tượng quản lý đã xác định tình trạng nhiễm HIV được cơ sở quản lý tổ chức điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;
b) Đối tượng quản lý chưa xác định tình trạng nhiễm HIV được cơ sở quản lý tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV theo quy định tại Điều 5 Nghị định này. Trường hợp đối tượng quản lý quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 Nghị định này, cơ sở quản lý tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
3. Cơ sở quản lý phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Bố trí công việc phù hợp với tình hình sức khỏe của đối tượng quản lý nhiễm HIV;
b) Không bố trí các đối tượng quản lý nhiễm HIV thành đội, tổ hoặc nhóm riêng để học tập, sinh hoạt, lao động, chữa bệnh trừ trường hợp mắc các bệnh phải cách ly theo quy định của pháp luật;
c) Không bố trí các đối tượng quản lý nhiễm HIV làm công việc dễ bị nhiễm trùng, dễ xây xước da hoặc các công việc khác có khả năng lây truyền HIV cho người khác.
4. Cơ sở quản lý chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ điều trị HIV/AIDS và hồ sơ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV của đối tượng quản lý.
Điều 45.8.NĐ.4.4. Tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở quản lý
(Điều 4 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm:
a) Nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV;
b) Hậu quả của HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội;
c) Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và của người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS;
d) Các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV;
đ) Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV;
e) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV;
g) Các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các nội dung về chăm sóc sức khỏe khác;
h) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.
2. Hình thức tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm:
a) Thông qua các phương tiện truyền thông như: loa truyền thanh, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; chiếu phim có nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS;
b) Truyền thông theo nhóm đối tượng quản lý trên cơ sở phân loại của cơ sở quản lý;
c) Truyền thông cá nhân cho đối tượng quản lý;
d) Truyền thông trong các sự kiện: Tổ chức các cuộc thi về phòng, chống HIV/AIDS; các buổi văn nghệ và các sự kiện lồng ghép các nội dung phòng, chống HIV/AIDS nhân các sự kiện của cơ sở quản lý hoặc Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS;
đ) Lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình giáo dục thường xuyên của cơ sở quản lý;
e) Cấp phát các ấn phẩm, tài liệu truyền thông cho đối tượng quản lý;
g) Việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS thực hiện theo quy định tại Điều 21 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.
3. Mỗi đối tượng quản lý được tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS ít nhất 2 lượt trong một năm.
Điều 45.8.NĐ.4.5. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý
(Điều 5 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Cơ sở quản lý thực hiện tư vấn trước và sau xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Người thực hiện tư vấn trước và sau xét nghiệm HIV được tập huấn về tư vấn phòng, chống HIV/AIDS;
b) Địa điểm thực hiện tư vấn phải bảo đảm riêng tư;
c) Có bàn, ghế và tài liệu truyền thông phục vụ cho việc tư vấn.
2. Cơ sở quản lý thực hiện xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là Nghị định số 109/2016/NĐ-CP) và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế (sau đây viết tắt là Nghị định số 155/2018/NĐ-CP).
3. Nội dung tư vấn và kỹ thuật xét nghiệm HIV thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.
4. Trường hợp cơ sở quản lý không đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cơ sở quản lý có văn bản đề nghị Sở Y tế hoặc Bộ Quốc phòng chỉ định cơ sở y tế đủ điều kiện thuộc thẩm quyền quản lý (sau đây được gọi tắt là cơ sở được chỉ định) để phối hợp tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng quản lý.
Điều 45.8.NĐ.4.6. Chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý
(Điều 6 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Cơ sở quản lý tổ chức điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP. Trường hợp cơ sở quản lý không đủ điều kiện điều trị HIV/AIDS, cơ sở quản lý có văn bản đề nghị cơ sở được chỉ định để phối hợp tổ chức điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý.
2. Việc chăm sóc, điều trị, lập Hồ sơ điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.
3. Cơ sở quản lý đủ điều kiện điều trị HIV/AIDS có trách nhiệm lập hồ sơ điều trị bằng thuốc kháng HIV cho đối tượng quản lý. Trường hợp cơ sở quản lý không đủ điều kiện điều trị HIV/AIDS, cơ sở quản lý có văn bản đề nghị cơ sở được chỉ định để phối hợp lập hồ sơ điều trị HIV/AIDS cho đối tượng quản lý.
4. Việc chuyển tiếp điều trị bằng thuốc kháng HIV cho đối tượng quản lý thực hiện như sau:
a) Đối với cơ sở quản lý đủ điều kiện điều trị HIV/AIDS: cơ sở quản lý nơi đối tượng chuyển đi có trách nhiệm lập phiếu chuyển tiếp điều trị và cấp thuốc kháng HIV tối đa 90 ngày sử dụng cho cơ sở quản lý nơi đối tượng chuyển đến hoặc cho đối tượng quản lý được chuyển về cộng đồng;
b) Đối với cơ sở quản lý không đủ điều kiện điều trị HIV/AIDS: cơ sở quản lý phối hợp với cơ sở y tế đang điều trị cho đối tượng quản lý lập phiếu chuyển tiếp điều trị cho đối tượng quản lý và cấp thuốc kháng HIV cho đối tượng quản lý theo quy định tại điểm a khoản này.
Điều 45.8.NĐ.4.7. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV
(Điều 7 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Cơ sở quản lý tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV cho đối tượng quản lý khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 10 Nghị định này. Trường hợp cơ sở quản lý không đủ điều kiện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV, cơ sở quản lý có văn bản đề nghị cơ sở được chỉ định để phối hợp tổ chức điều trị cho đối tượng quản lý.
2. Việc điều trị, lập Hồ sơ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.
3. Cơ sở quản lý đủ điều kiện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV có trách nhiệm lập hồ sơ điều trị cho đối tượng quản lý. Trường hợp cơ sở quản lý không đủ điều kiện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV, cơ sở quản lý có văn bản đề nghị cơ sở được chỉ định để phối hợp lập hồ sơ điều trị cho đối tượng quản lý.
Điều 45.8.NĐ.4.8. Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn để dự phòng lây nhiễm HIV
(Điều 8 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Áp dụng các biện pháp vô khuẩn, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ và phương tiện chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.
2. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn khi tiếp xúc với máu, dịch sinh học; khi chăm sóc, điều trị với người bệnh mà không phân biệt bệnh được chẩn đoán và các biện pháp dự phòng bổ sung theo đường lây.
3. Các đồ vải nhiễm khuẩn, có máu và dịch tiết sinh học phải được thu gom, vận chuyển và xử lý riêng.
4. Mẫu vật của đối tượng quản lý nhiễm HIV chết được xử lý theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.
5. Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn khác theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.
Điều 45.8.NĐ.4.9. Đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV
(Điều 9 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Người có quan hệ tình dục đồng giới.
2. Người chuyển đổi giới tính.
3. Người sử dụng ma túy.
4. Người bán dâm.
5. Vợ, chồng người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
6. Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.
Điều 45.8.NĐ.4.10. Tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV
(Điều 10 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Cơ sở tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV bao gồm:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cơ sở y tế khác.
2. Điều kiện tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV đối với cơ sở quy định tại điểm a khoản 1 Điều này:
a) Phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP;
b) Bác sỹ hoặc y sỹ thực hiện việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có chứng nhận đã qua tập huấn, đào tạo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
3. Điều kiện tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV đối với cơ sở quy định tại điểm b khoản 1 Điều này như sau:
a) Có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp để phục vụ cho việc điều trị đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP;
b) Có bác sỹ hoặc y sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ hoặc chứng nhận đã qua tập huấn, đào tạo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
4. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.
Điều 45.8.NĐ.4.11. Nguồn ngân sách nhà nước
(Điều 11 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm bao gồm:
a) Nguồn vốn trong nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Nguồn vốn viện trợ của nhà tài trợ nước ngoài;
c) Nguồn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
2. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn và theo phân cấp ngân sách hiện hành bao gồm:
a) Chi phí xét nghiệm HIV của người không có thẻ bảo hiểm y tế theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
b) Phần chi phí Quỹ bảo hiểm y tế không chi trả đối với người có thẻ bảo hiểm y tế theo phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm đảm bảo kinh phí thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều này trong phạm vi dự toán chi thường xuyên được giao hàng năm.
Điều 45.8.NĐ.4.12. Phương thức chi trả
(Điều 12 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Đối với các cơ sở y tế thuộc hệ thống công lập
Hằng năm, cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, các cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai có trách nhiệm lập báo cáo số kinh phí đã chi thực hiện xét nghiệm HIV, tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước của đơn vị theo Phụ lục I, II ban hành kèm theo Nghị định này và trình các cấp có thẩm quyền. Quy trình lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.
2. Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập
a) Hằng năm, cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, các cơ sở y tế ngoài công lập thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp kinh phí đã chi thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và gửi Sở Y tế;
b) Sở Y tế có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kinh phí đã chi thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chế độ của các cơ sở y tế ngoài công lập thuộc phạm vi quản lý theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước của đơn vị, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định. Quy trình lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.
Điều 45.8.NĐ.4.13. Tổ chức thực hiện
(Điều 13 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
1. Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về tư vấn, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV;
b) Lập kế hoạch cung ứng, điều phối và quản lý sử dụng thuốc kháng HIV cho các đối tượng quản lý;
c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
2. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Lập kế hoạch năm, kế hoạch tiếp nhận, tổng hợp tình hình sử dụng và tồn kho thuốc kháng HIV tại các cơ sở quản lý gửi Bộ Y tế;
c) Chỉ định các cơ sở y tế đủ điều kiện thuộc thẩm quyền quản lý, cơ sở được chỉ định để phối hợp với cơ sở quản lý tổ chức tư vấn, xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV cho đối tượng quản lý đối với các cơ sở quản lý không đáp ứng đủ điều kiện;
d) Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thực hiện Nghị định này.
3. Bộ Công an có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Chỉ đạo các cơ sở quản lý lập kế hoạch năm, kế hoạch tiếp nhận, tổng hợp tình hình sử dụng và tồn kho thuốc kháng HIV tại cơ sở quản lý gửi Bộ Y tế;
c) Phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế chỉ định các cơ sở điều trị đủ điều kiện điều trị bằng thuốc kháng HIV phối hợp với cơ sở quản lý tổ chức điều trị cho đối tượng quản lý;
d) Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thực hiện Nghị định này.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thực hiện Nghị định này.
5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, ngân sách và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định tại Nghị định này.
6. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ định các cơ sở y tế phối hợp với cơ sở quản lý tổ chức tư vấn, xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV cho đối tượng quản lý đối với các cơ sở quản lý không đáp ứng đủ điều kiện, trừ các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.
7. Cơ sở quản lý có trách nhiệm:
a) Bảo đảm tất cả các đối tượng quản lý được tư vấn, xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị các bệnh đồng nhiễm khác và dự phòng lây nhiễm HIV;
b) Cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng quản lý theo thẩm quyền và phạm vi quản lý;
c) Lập kế hoạch, tiếp nhận, sử dụng và báo cáo tình hình sử dụng thuốc kháng HIV theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
8. Các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo quy định.
Điều 45.8.NĐ.4.14. Hiệu lực thi hành
(Điều 14 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Điều 45.8.NĐ.4.15. Trách nhiệm thi hành
(Điều 15 Nghị định số 63/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021)
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
 
 
II. Kết quả cập nhật QPPL mới Thông tư số 09/2021/TT-BYT
Điều 45.8.TT.22.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Thông tư số 09/2021/TT-BYT quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ngày 30/06/2021 của Bộ Y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2021)
Thông tư này quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm HIV; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Điều 45.8.TT.22.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 09/2021/TT-BYT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2021)
Thông tư này áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở y tế khác có cung cấp dịch vụ y tế cho phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 45.8.TT.22.3. Quy trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai
(Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BYT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2021)
Quy trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các nội dung sau đây:
1. Tư vấn trước xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai về các đường lây nhiễm HIV, sự cần thiết của việc biết tình trạng nhiễm HIV, nguy cơ lây nhiễm HIV cho con và lợi ích của việc điều trị bằng thuốc kháng HIV sớm trong giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
2. Chỉ định xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
3. Thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.
4. Trả kết quả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Đối với phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV khi chuyển dạ, sinh con thì kết quả xét nghiệm HIV được trả cho cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm HIV trong thời gian sớm nhất và không quá 6 giờ kể từ thời điểm nhận mẫu.
5. Tư vấn và xử trí sau xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai:
a) Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV dương tính: Tư vấn về điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và chuyển gửi ngay đến cơ sở điều trị thuốc kháng HIV;
b) Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, sinh con thì phải tư vấn điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV ngay cho mẹ và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV ngay cho cả mẹ và con, chuyển mẫu máu ngay để làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Trường hợp xét nghiệm HIV của người mẹ có kết quả không xác định, tiếp tục điều trị thuốc kháng HIV cho mẹ và con cho đến khi có kết quả xác định; trường hợp kết quả xét nghiệm HIV của người mẹ được xác định là âm tính thì dừng điều trị thuốc kháng HIV;
c) Trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV: Tư vấn dự phòng nhiễm HIV và chuyển gửi phụ nữ mang thai tới cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.
Điều 45.8.TT.22.4. Thời điểm và số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai
(Điều 4 Thông tư số 09/2021/TT-BYT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2021)
Phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV và đồng ý làm xét nghiệm HIV được chỉ định xét nghiệm HIV trong những lần khám thai định kỳ hoặc khi chuyển dạ, sinh con theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai của Bộ Y tế, cụ thể như sau:
1. Xét nghiệm HIV lần thứ nhất càng sớm càng tốt.
2. Xét nghiệm HIV lần thứ hai cho các trường hợp có hành vi nguy cơ cao quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Phòng, chống HIV/AIDS số 64/2006/QH11 như sau:
a) Có hành vi nguy cơ cao trong vòng 3 tháng trước khi xét nghiệm HIV lần thứ nhất;
b) Có hành vi nguy cơ cao sau khi được xét nghiệm HIV lần thứ nhất.
Điều 45.8.TT.22.5. Chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con và cho con bú; các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai
(Điều 5 Thông tư số 09/2021/TT-BYT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2021)
1. Việc chăm sóc, điều trị cho phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế.
2. Các biện pháp giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Điều 45.8.TT.22.6. Hiệu lực thi hành
(Điều 6 Thông tư số 09/2021/TT-BYT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2021)
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.
Điều 45.8.TT.22.7. Điều khoản tham chiếu
(Điều 7 Thông tư số 09/2021/TT-BYT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2021)
Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.
Điều 45.8.TT.22.8. Trách nhiệm thi hành
(Điều 8 Thông tư số 09/2021/TT-BYT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2021)
1. Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi toàn quốc.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư nay đối với các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.
3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để nghiên cứu, giải quyết.
 
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang