Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn (Đề mục 1 thuộc Chủ đề số 41. Văn hóa, thể thao, du lịch). Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Văn hóa, thể thao, du lịch”.
Đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bao gồm 05 chương với 31 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định. Theo đó, đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 03 văn bản gồm 01 Nghị định và 02 Thông tư, cụ thể như sau: Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Thông tư 15/2013/TT-BVHTTDL ngày 24/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Thông tư 09/2016/TT-BVHTTDL ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức thi, liên hoan văn nghệ quần chúng.
Các nội dung cơ bản trong đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn như sau:
- Chương I gồm 07 điều quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật; Quyền, trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật; Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật.
- Chương II gồm 05 mục với 13 điều quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cụ thể như sau:
+ Mục 1 quy định về tổ chức biểu diễn nghệ thuật như: Hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật (Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; biểu diễn nghệ thuật phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức; Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật; Tổ chức biểu diễn nghệ thuật khác; Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm); Thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật (Cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định thông báo tới cơ quan nhà nước quy định trước khi tổ chức. Người đứng đầu chịu trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt; Cơ sở kinh doanh thực hiện hoạt động quy định tại Nghị định thông báo tới cơ quan nhà nước quy định trước khi tổ chức; Cơ quan tiếp nhận thông báo; Trình tự tiếp nhận thông báo); Điều kiện, thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật (Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật; Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; Có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
+ Mục 2 quy định về tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn như: Hình thức tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn (Cuộc thi, liên hoan phục vụ nhiệm vụ chính trị; cuộc thi, liên hoan dành cho đối tượng thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan và tổ chức, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 12 Nghị định; Cuộc thi, liên hoan khác thực hiện quy định tại Điều 13 Nghị định; Cuộc thi, liên hoan không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm); Thông báo tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn (Cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định thông báo tới cơ quan nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 11 trước khi tổ chức. Người đứng đầu chịu trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt; Cơ quan tiếp nhận thông báo: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi, liên hoan tiếp nhận thông báo của cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức cuộc thi, liên hoan tiếp nhận thông báo của các tổ chức, cá nhân khác; 3. Trình tự tiếp nhận thông báo: Cơ quan, tổ chức gửi thông báo bằng văn bản trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan tiếp nhận thông báo ít nhất 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức cuộc thi, liên hoan); Điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định (Điều kiện tổ chức cuộc thi, liên hoan: Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật; Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
+ Mục 3 quy định về tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu như: Hình thức tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu (Cuộc thi dành cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan và tổ chức, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 15 Nghị định; Cuộc thi khác thực hiện quy định tại Điều 16 Nghị định; Cuộc thi không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm); Thông báo tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; Điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định.
+ Mục 4 quy định về dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam như: Dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật bằng văn bản đối với một trong các trường hợp sau: Vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định; Không thông báo hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định tại Nghị định; Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật là cơ quan tiếp nhận thông báo hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận quy định tại Nghị định này. Văn bản yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải nêu rõ lý do, thời điểm dừng. Tổ chức, cá nhân phải dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kịp thời khắc phục hậu quả. Trường hợp tiếp tục thực hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tổ chức, cá nhân có văn bản đề xuất phương án tiếp tục tổ chức gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân liên quan biết, thực hiện. Tổ chức, cá nhân bị dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật); Thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu.
+ Mục 5 quy định về dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài như: Điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu (Có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi; Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; Không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); Ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu (Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú cấp văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài).
- Chương III gồm 06 điều quy định về lưu hành bản ghi âm, ghi hành có nội dung biểu diễn nghệ thuật như: Hình thức lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; Điều kiện lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích thương mại; Lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích thương mại; Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích thương mại; Phân phối bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Xuất khẩu, nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình.
- Chương IV gồm 03 điều quy định về tổ chức thực hiện như: Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Chương V gồm 02 điều quy định về điều khoản thi hành như: Quy định chuyển tiếp và Hiệu lực thi hành.
 Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang