Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Ngoại giao đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam (Đề mục 09 thuộc Chủ đề số 23. Ngoại giao, điều ước quốc tế). Đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Ngoại giao sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Ngoại giao, điều ước quốc tế”.
Đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh Không số về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam bao gồm 06 Chương, 56 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Pháp lệnh. Theo đó, đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 05 văn bản gồm 01 Pháp lệnh, 01 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư và 01 Thông tư liên tịch, cụ thể như sau: Pháp lệnh Không số Về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Nghị định số 73-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Quyết định số 139/2000/QĐ-TTg Ban hành Quy chế về lãnh sự danh dự của nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BBCVT-BNG-BCA Hướng dẫn việc cấp phép sử dụng đài thông tin vệ tinh cho cơ quan đại diện nước ngoài, đoàn đại biểu nước ngoài, phóng viên nước ngoài đi theo phục vụ đoàn đại biểu nước ngoài; Thông tư 26/2006/TT-BNG Hướng dẫn việc gửi và nhận túi ngoại giao, túi lãnh sự của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam vận chuyển bằng đường hàng không.
Đề mục Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam có các nội dung chính như sau:
Chương I quy định các vấn đề chung như đối tượng được hưởng quyền ưu đãi và mục đích của quyền ưu đãi, miễn trừ trên cụ thể là dành ưu đãi cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó, cũng như thành viên gia đình họ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan và thành viên của các cơ quan nói trên thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ chính thức với tư cách đại diện tại Việt Nam; nghĩa vụ của các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ; việc cấm sử dụng trụ sở nhà ở làm nơi tỵ nạn chính trị; mức độ ưu tiên áp dụng của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia và văn bản pháp luật trong nước; việc giải thích từ ngữ.
Chương II quy định quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao bao gồm các nội dung cụ thể về treo quốc kỳ và quốc huy của Nhà nước họ tại trụ sở của cơ quan, tại nhà ở và trên phương tiện giao thông; bất khả xâm phạm trụ sở; những biện pháp thích hợp để bảo vệ trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao; miễn thuế và lệ phí đối với trụ sở của cơ quan; chủng loại, số lượng các đồ vật được nhập khẩu, và miễn nhập khẩu cũng như việc tái xuất và chuyển nhượng các đồ vật đó tại Việt Nam cho tất cả các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ; bất khả xâm phạm hồ sơ lưu trữ và tài liệu, Thư tín chính thức, Túi ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao; quyền tự do thông tin liên lạc phục vụ những mục đích chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao; quyền bất khả xâm phạm về thân thể của Giao thông viên ngoại giao; Người được cử làm giao thông viên ngoại giao tạm thời; việc lắp đặt và sử dụng thiết bị viễn thông, mạng viễn thông chuyên dụng, đài thu phát vô tuyến điện của Cơ quan Đại diện ngoại giao và cơ quan Lãnh sự nước ngoài; việc cấp phép sử dụng đài thông tin vệ tinh cho cơ quan đại diện nước ngoài, đoàn đại biểu nước ngoài, phóng viên nước ngoài đi theo phục vụ đoàn đại biểu nước ngoài; việc Kiểm tra, kiểm soát và giải quyết nhiễu có hại; Các quy định gửi và nhận túi ngoại giao, túi lãnh sự; tự do đi lại trên lãnh thổ Việt Nam của Thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao; quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được đối xử của Viên chức ngoại giao; quyền bất khả xâm phạm và được bảo vệ của nơi ở, tài liệu, thư tín, tài sản của viên chức ngoại giao; quyền miễn trừ xét xử về hình sự tại Việt Nam, quyền miễn trừ xét xử về dân sự và xử phạt hành chính, nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ, quyền miễn trừ đối với các biện pháp thi hành án, việc từ bỏ một cách rõ ràng quyền miễn trừ ngoại giao; miễn thuế và lệ phí; miễn đóng góp cá nhân vì lợi ích công cộng và an ninh, quốc phòng; nhập khẩu và miễn thuế nhập khẩu; quyền ưu đãi miễn trừ của Thành viên gia đình của viên chức ngoại giao không phải là công dân Việt Nam; các trường hợp viên chức ngoại giao chết; nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao Việt Nam việc nước cử tuyên bố từ bỏ quyền ưu đãi, miễn trừ; nghĩa vụ thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam thời điểm rời khỏi Việt Nam của các viên chức, nhân viên cơ quan sau khi họ kết thúc nhiệm vụ công tác; nghĩa vụ của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ không phải là công dân Việt Nam và thành viên gia đình họ rời khỏi Việt Nam.
Chương III quy dịnh quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan lãnh sự bao gồm các nội dung cụ thể về quyền treo quốc kỳ và quốc huy của nước cử lãnh sự tại trụ sở cơ quan lãnh sự, tại nơi ở và trên phương tiện giao thông;  bất khả xâm phạm về trụ sở; nghĩa vụ thi hành những biện pháp thích hợp để bảo vệ trụ sở cơ quan lãnh sự của Việt Nam; việc cấm trưng dụng Trụ sở, đồ đạc, tài sản và phương tiện giao thông của cơ quan lãnh sự; việc nhà chức trách của Việt Nam vào trụ sở của cơ quan lãnh sự; miễn thuế và lệ phí đối với trụ sở của cơ quan và nhà ở của người đứng đầu cơ quan; bất khả xâm phạm Hồ sơ lưu trữ và tài liệu; quyền tự do đi lại trên lãnh thổ Việt Nam; quyền tự do thông tin liên lạc phục vụ những mục đích chính thức của cơ quan lãnh sự; bất khả xâm phạm thư tín chính thức, túi lãnh sự và giao thông viên lãnh sự; thu lệ phí về công việc lãnh sự; nghĩa vụ của Việt Nam trong việc áp dụng những biện pháp thích hợp để ngăn ngừa mọi hành vi xâm phạm thân thể, tự do và phẩm giá của viên chức lãnh sự; quyền miễn trừ xét xử về hình sự của Viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự; nhập khẩu và miễn thuế nhập khẩu; miễn thuế và lệ phí; thời điểm bắt đầu và kết thúc áp dụng quyền ưu đãi, miễn trừ; nghĩa vụ thông báo cho Bộ ngoại giao Việt Nam họ, tên, chức vụ của những viên chức cơ quan đại diện ngoại giao được giao thực hiện chức năng Lãnh sự của Cơ quan Đại diện ngoại giao nước ngoài; quyền sử dụng giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự, túi ngoại giao, túi lãnh sự và điện mật mã để liên lạc với cơ quan lãnh sự do viên chức lãnh sự danh dự đứng đầu tại Việt Nam; quyền bất khả xâm phạm về hồ sơ lưu trữ.
 
Chương IV quy định về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế bao gồm các nội dung cụ thể về quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và thành viên của cơ quan, cũng như thành viên gia đình; giải thích Các Tổ chức Quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc; các văn bản quốc tế Việt Nam ký kết hoặc tham gia liên quan đến vấn đề ữu đãi, miễn trừ; những điều ước quốc tế áp dụng đối với các đối tượng trên; quyền ưu đãi, miễn trừ của Cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ và thành viên của cơ quan, cũng như thành viên gia đình.
Chương V và Chương VI quy định Quản lý nhà nước về việc thực hiện quyền ưu đãi, miễn trừ đối với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và điều khoản cuối cùng bao gồm các nội dung cụ thể về nội dung quản lý Nhà nước về việc thực hiện quyền ưu đãi, miễn trừ; nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước về việc thực hiện quyền ưu đãi, miễn trừ đối với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam của Chính phủ, Bộ ngoại giao, Các Bộ, các ngành và chính quyền địa phương các cấp, Các tổ chức kinh tế, xã hội và công dân Việt Nam; quyền yêu cầu các cơ quan hữu quan của Việt Nam giải quyết và cung ứng các dịch vụ liên quan đến trụ sở cơ quan, nhà ở, điện, nước, y tế và các dịch vụ tương tự khác của Cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam; tuyển dụng lao động của các cơ quan đại diện .
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang