Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan pháp điển xong đề mục “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và chuẩn bị trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 06 chương (92 Điều) theo cấu trúc của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 và được pháp điển từ 11 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006; Nghị định số 56/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người;Nghị định số 118/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; Quyết định số 43/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Quy trình kỹ thuật ghép thận từ người cho sống và Quy trình kỹ thuật ghép gan từ người cho sống; Quyết định số 32/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chuẩn cận lâm sàng và các trường hợp không áp dụng các tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não”; Quyết định số 35/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành "Quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự đối với cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến"; Quyết định số 06/2008/QĐ-BYT về việc ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống; Quyết định số 07/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành các mẫu đơn tự nguyện hiến, huỷ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, sau khi chết và hiến xác; các mẫu thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và hiến xác; Quyết định số 08/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Quy định về điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và trình tự, thủ tục cho phép cơ sở y tế hoạt động; Quyết định số 13/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sống, hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và người đăng ký hiến xác; Thông tư số 28/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định “Danh mục bệnh mà người mắc bệnh đó không được lấy mô, bộ phận cơ thể để ghép cho người bệnh”.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” như sau:
- Chương I gồm 11 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các quy định trong đề mục này; Giải thích từ ngữ; Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo; Trách nhiệm quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Nội dung quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Thông tin, tuyên truyền về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Chính sách của Nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 13 điều quy định về hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống như: Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống; Thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống; Điều kiện, thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống; Điều kiện, thủ tục lấy bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống; Điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người.
- Chương III gồm 14 điều quy định về hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến, lấy xác như: Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; Thủ tục đăng ký hiến xác; Thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến xác; Điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; Điều kiện lấy xác; Điều kiện đối với cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến; Trách nhiệm của cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến trong việc lấy bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, lấy xác; Tôn vinh người hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác; Mục đích và điều kiện xác định chết não; Thủ tục và thẩm quyền xác định chết não; Tiêu chuẩn lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não; Tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não.
- Chương IV gồm 07 điều quy định về ghép mô, bộ phận cơ thể người như: Điều kiện đối với người được ghép mô, bộ phận cơ thể người; Điều kiện đối với cơ sở y tế được ghép mô, bộ phận cơ thể người; Chăm sóc sức khỏe sau khi ghép mô, bộ phận cơ thể người; Chế độ bảo hiểm y tế và viện phí đối với người được ghép mô, bộ phận cơ thể người; Ghép bộ phận cơ thể người có liên quan đến người nước ngoài.
- Chương V gồm 25 điều quy định về ngân hàng mô và trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người như: Địa vị pháp lý, chức năng và nhiệm vụ của ngân hàng mô; Loại hình ngân hàng mô; Phạm vi hoạt động chuyên môn của ngân hàng mô; Thẩm quyền thành lập và cho phép thành lập ngân hàng mô; Điều kiện hoạt động và cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô; Hồ sơ, thủ tục thành lập và cho phép thành lập ngân hàng mô; Nguồn lấy mô; Địa điểm, đối tượng lấy mô và điều kiện cần thiết khác; Đóng gói, bảo quản và vận chuyển mô sau khi lấy đến ngân hàng mô; Tiếp nhận mô; Đánh giá chất lượng và xử lý mô; Đóng gói và dán nhãn mô đã qua xử lý; Mã hoá thông tin về mô; Lưu giữ mô; Phân phối mô; Chế độ lưu trữ hồ sơ và báo cáo; Trách nhiệm trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hoạt động chuyên môn của ngân hàng mô; Nguyên tắc xác định chi phí hoạt động của ngân hàng mô; Tổ chức Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; Mối quan hệ điều phối giữa Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các cơ sở y tế; Mối quan hệ điều phối giữa Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các ngân hàng mô; Nguyên tắc điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; Mã hóa thông tin.
- Chương VI gồm 22 điều quy định về: hiệu lực thi hành của các văn bản sử dụng pháp điển vào đề mục và trách nhiệm thi hành của các cá nhân, tổ chức có liên quan và Điều khoản chuyển tiếp.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất VBQPPL