Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ và Thông tư số 12/2022/TT-BCT ngày 25/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương vào Đề mục Lao động
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ và Thông tư số 12/2022/TT-BCT ngày 25/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương vào Đề mục Lao động

Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022). Ngày 25/7/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/9/2022). Đây là các văn bản có nội dung thuộc Đề mục Lao động.
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương cập nhật các Điều mới của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP và Thông tư số 12/2022/TT-BCT vào Đề mục Lao động theo quy định. Cụ thể các Điều của Đề mục Lao động được cập nhật như sau:
I. Kết quả cập nhật QPPL mới Nghị định số 38/2022/NĐ-CP
Điều 20.2.NĐ.5.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ngày 12/06/2022 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2022 )
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Điều 20.2.NĐ.5.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2022)
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
2. Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm:
a) Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
b) Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Điều 20.2.NĐ.5.3. Mức lương tối thiểu
(Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2022)
1. Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Vùng Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng)
Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ)
Vùng I 4.680.000 22.500
Vùng II 4.160.000 20.000
Vùng III 3.640.000 17.500
Vùng IV 3.250.000 15.600
 
2. Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
a) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
b) Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
c) Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
d) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
đ) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
e) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Phu luc ban hanh kem theo Nghi dinh so 38_2022_ND-CP.doc
Điều 20.2.NĐ.5.4. Áp dụng mức lương tối thiểu
(Điều 4 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2022)
1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
2. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
3. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:
a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.
Điều 20.2.NĐ.5.5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
(Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2022)
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.
2. Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
II. Kết quả cập nhật QPPL mới Thông tư số 12/2022/TT-BCT
Điều 20.2.TT.6.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Thông tư số 12/2022/TT-BCT Thông tư quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí. ngày 25/07/2022 của Bộ công thương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
Thông tư này quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí.
Điều 20.2.TT.6.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
1. Đối tượng áp dụng:
a. Người sử dụng lao động là tổ chức, cá nhân sử dụng lao động hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình dầu khí trên đất liền;
b. Người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí tại các cơ sở sản xuất của người sử dụng lao động quy định tại điểm a khoản này.
2. Thông tư này không áp dụng đối với người lao động gián tiếp làm việc tại các cơ sở sản xuất của người sử dụng lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Điều 20.2.TT.6.3. Giải thích từ ngữ
(Điều 3 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động bao gồm: thời giờ làm việc tại địa điểm làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ làm việc.
2. Phiên làm việc là tổng số ngày làm việc liên tục của người lao động theo một ca làm việc từ khi có mặt đến khi rời khỏi cơ sở sản xuất, không bao gồm thời gian đi đường.
3. Thời giờ làm việc tại địa điểm làm việc của người lao động bao gồm thời gian làm việc trực tiếp và thời gian nghỉ giải lao trong giờ làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Lao động.
Điều 20.2.TT.6.4. Thời giờ làm việc
(Điều 4 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
Người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí làm việc theo ca và phiên làm việc, cụ thể như sau:
1. Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày.
2. Phiên làm việc tối đa là 07 ngày.
Điều 20.2.TT.6.5. Làm thêm giờ
(Điều 5 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài ca làm việc hoặc ngoài phiên làm việc quy định tại Điều 4 Thông tư này.
2. Bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm.
3. Việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
4. Việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.
Điều 20.2.TT.6.6. Nghỉ trong giờ làm việc
(Điều 6 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
1. Nghỉ trong giờ làm việc tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động.
2. Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Điều 20.2.TT.6.7. Nghỉ chuyển ca; Nghỉ lễ, tết; Nghỉ hàng năm; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
(Điều 7 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
1. Nghỉ chuyển ca; Nghỉ lễ, tết; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương tuân thủ quy định tại Điều 110, Điều 112 và Điều 115 Bộ luật lao động.
2. Nghỉ hàng năm tuân thủ quy định tại Điều 113 và Điều 114 Bộ luật lao động. Trường hợp không thể bố trí nghỉ hàng năm cho người lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc nghỉ hàng năm vào thời gian nghỉ chuyển phiên.
Điều 20.2.TT.6.8. Nghỉ chuyển phiên
(Điều 8 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
Sau mỗi phiên làm việc, người lao động làm việc theo phiên được bố trí nghỉ liên tục với số ngày nghỉ bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.
Điều 20.2.TT.6.9. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
(Điều 9 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể ca làm việc và phiên làm việc của người lao động trong Nội quy lao động và thông báo cho người lao động trước khi đến làm việc theo đúng quy định của pháp luật.
2. Hàng năm, trước ngày 15 tháng 01 báo cáo Bộ Công Thương tình hình thực hiện Thông tư này và báo cáo đột xuất trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 20.2.TT.6.10. Hiệu lực thi hành
(Điều 10 Thông tư số 12/2022/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2022)
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2022.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện các quy định tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang