Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Phòng, chống ma tuý
Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo Quyết đinh số 891/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Phòng, chống ma tuý (Đề mục 7 Chủ đề 39. Trật tự, an toàn xã hội). Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thành việc thực hiện pháp điển đối với Đề mục này. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Bộ Công an thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục, ký xác thực để gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục Phòng, chống ma tuý đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua theo quy định.
Đề mục Phòng, chống ma tuý có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 ngày 30/3/2021 của Quốc hội, gồm 08 chương với 55 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật.
Bộ Công an xác định 16 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Tài chính) và 20 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục, cụ thể các văn bản sau: (1)Luật 73/2021/QH14 Luật Phòng, chống ma túy; (2) Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; (3) Nghị định 103/2002/NĐ-CP Quy định chế độ đền bù và trợ cấp đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma tuý bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản; (4) Nghị định 04/2003/NĐ-CP Quy định về khen thưởng đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong phòng, chống ma tuý; (5) Nghị định 05/2003/NĐ-CP Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý; (6) Nghị định 105/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; (7); Nghị định 109/2021/NĐ-CP Quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự; thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; (8) Nghị định 116/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; (9) Nghị định 57/2022/NĐ-CP Quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất; (10) Quyết định 127/2009/QĐ-TTg Ban hành Chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma tuý được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 13/2019/QĐ-TTg Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 127/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy; (11) Thông tư 31/2009/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; (12) Thông tư 05/2011/TT-BLĐTBXH Ban hành hệ thống biểu mẫu thống kê và hướng dẫn thu thập thông tin về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện theo Quyết định số 127/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy; (13) Thông tư 18/2021/TT-BYT Quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy; (14) Thông tư 62/2022/TT-BTC Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; (15) Thông tư số 11/2006/TT-BLĐTBXH ngày 12/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn xếp hạng các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy; (15) Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Như vậy, Bộ Công an đã xác định chính xác, phù hợp phạm vi thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật trong nội dung Đề mục Phòng, chống ma tuý..
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi phần, chương, mục của Đề mục Phòng, chống ma tuý do Bộ Công an chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I những quy định chung, gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ của các văn bản quy phạm pháp luật trong Đề mục và những quy định về Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 103/2002/NĐ-CP Quy định chế độ đền bù và trợ cấp đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma tuý bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản ngày 17/12/2002 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2003); Nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy; Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II Trách nhiệm Phòng, chống ma tuý, bao gồm các quy định về: Trách nhiệm của cá nhân, gia đình; Trách nhiệm của cơ quan nhà nước; Trách nhiệm của cơ sở giáo dục (được hướng dẫn bởi Thông tư số 31/2009/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ngày 23/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2009); Trách nhiệm của cơ quan báo chí; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức khác; Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP như: Nguyên tắc thực hiện; Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; Phối hợp tham mưu, chỉ đạo; Phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân; Phối hợp trao đổi thông tin; Phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; Phối hợp đấu tranh chuyên án và điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cụ thể; Các nội dung phối hợp khác; Hình thức phối hợp; Chế độ giao ban, báo cáo và thống kê; Nội dung và cơ chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy các cấp).
- Chương III Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, bao gồm các quy định về: Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; Kiểm soát hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất chất ma túy, tiền chất (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP, ví dụ như: Cơ quan có thẩm quyền cho phép các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển chất ma túy, tiền chất và hoạt động liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; Kiểm soát hoạt động nghiên cứu chất ma túy, tiền chất; Kiểm soát hoạt động sản xuất chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất); Kiểm soát hoạt động vận chuyển chất ma túy, tiền chất (được quy định chi tiết bởi một điều của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP); Kiểm soát hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; Kiểm soát hoạt động liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất (được quy định chi tiết bởi một điều của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ); Kiểm soát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP, ví dụ như: Cơ quan có thẩm quyền cho phép và cơ quan, tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; Kiểm soát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; Kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; Kiểm soát hoạt động quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất); Lập hồ sơ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ); Kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ); Kiểm soát thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất vì mục đích sơ cứu, cấp cứu trong cuộc hành trình, du lịch quốc tế, điều trị bệnh cho bản thân người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; Xử lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thu giữ trong vụ việc vi phạm pháp luật.
- Chương IV Quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, bao gồm các quy định về: Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP, ví dụ như: Đối tượng bị quản lý; Căn cứ xét nghiệm người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy; Kinh phí cho việc thực hiện biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Thu thập thông tin, tài liệu để lập Hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xác minh nơi cư trú và gửi hồ sơ; Quyết định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Thời hạn quản lý và cách tính thời hạn quản lý; Nội dung quản lý; Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể trong thời hạn quản lý; Quy định về việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp chuyển đi khỏi nơi cư trú; Dừng, chấm dứt quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Công tác quản lý và lưu trữ hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy); Trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; Trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy.
- Chương V Cai nghiện ma tuý, bao gồm các quy định về: Xác định tình trạng nghiện ma túy (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 109/2021/NĐ-CP Quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự; thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy ngày 08/12/2021 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022); Các biện pháp cai nghiện ma túy; Quy trình cai nghiện ma túy (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP); Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP); Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP); Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP); Cơ sở cai nghiện ma túy công lập (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP); Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP); Áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam; Cai nghiện ma túy cho người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng; Miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc; Quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP); Biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy; Trách nhiệm của gia đình người nghiện ma túy, cộng đồng; Lập danh sách người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy.
- Chương VI Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, bao gồm các quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma tuý; trách nhiệm của các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân (được quy định chi tiết bởi một số điều của Nghị định số 05/2003/NĐ-CP, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP).
- Chương VII Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, bao gồm các quy định về: Nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy (được quy định chi tiết bởi một điều của Nghị định số 05/2003/NĐ-CP); Chính sách hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; Chuyển giao hàng hóa có kiểm soát.
- Chương VIII Điều khoản thi hành, bao gồm các quy định về các điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp, tổ chức thực hiện của các văn bản đã được pháp điển như đã nêu ở phần đầu bài viết này.
Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong Đề mục Phòng, chống ma tuý:
Bộ Công an đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa vào pháp điển.
Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong Đề mục Phòng, chống ma tuý:
Về cơ bản, vị trí sắp xếp các điều trong dự thảo Kết quả pháp điển Đề mục Phòng, chống ma tuý; Cảnh sát cơ động bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy đinh chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
Về chỉ dẫn trong Đề mục Phòng, chống ma tuý:
Đề mục Phòng, chống ma tuý về cơ bản đã bảo đảm chỉ dẫn theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP. Theo đó, các điều trong Đề mục đã được bổ sung chỉ dẫn đến các nội dung như: Điều 45.4.LQ.2. Giải thích từ ngữ của Luật 105/2016/QH13 Dược ban hành ngày 06/04/2016; Điều 45.4.NĐ.1.1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định 54/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược ban hành ngày 08/05/2017; Điều 45.4.TT.12.1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 4.3.LQ.42. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Điều 45.4.LQ.2. Giải thích từ ngữ của Luật 105/2016/QH13 Dược ban hành ngày 06/04/2016; Điều 39.13.NĐ.101.23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy của Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình ban hành ngày 31/12/2021; Điều 28. Chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng; Điều 29. Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng của Nghị định 133/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự ban hành ngày 09/11/2020…
Và như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Phòng, chống ma tuý đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp điều chỉnh, quy định về hoạt động Phòng, chống ma tuý và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu. Ngoài ra, có những quy định được pháp điển trong Đề mục Phòng, chống ma tuý được xác định có nội dung liên quan trực tiếp đến quy định trong văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác./.