Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL ngày 04/8/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin vào đề mục Thư viện
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL ngày 04/8/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin vào đề mục Thư viện

Ngày 04/8/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL về việc hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin. Thông tư gồm 03 chương với 14 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2022.
Theo đó, căn cứ theo nguyên tắc kỹ thuật pháp điển quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện pháp điển cập nhật các quy phạm pháp luật mới là 14 điều của Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL vào nội dung Đề mục Thư viện (Đề mục số 12 thuộc Chủ đề số 41) với ký hiệu mã hóa số thứ tự văn bản trong kết quả pháp điển của Đề mục là TT.8 theo quy định. Cụ thể 14 điều này được pháp điển có thể tìm theo số thứ tự và tên điều trong Đề mục như sau: 03 Điều, gồm Điều 41.12.TT.8.1. Phạm vi điều chỉnh, Điều 41.12.TT.8.2. Đối tượng áp dụng và Điều 41.12.TT.8.3. Giải thích từ ngữ được pháp điển vào Chương I của Đề mục. 09 Điều tiếp theo được pháp điển, sắp xếp vào sau Điều 41.12.LQ.24. Nguyên tắc hoạt động thư viện ở Chương III của Đề mục, gồm: Điều 41.12.TT.8.4. Nguyên tắc trong triển khai hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin; Điều 41.12.TT.8.5. Hoạt động thư viện lưu động; Điều 41.12.TT.8.6. Luân chuyển tài nguyên thông tin; Điều 41.12.TT.8.7. Chia sẻ tài liệu số; Điều 41.12.TT.8.8. Nhân lực cho hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin; Điều 41.12.TT.8.9. Nguồn kinh phí cho hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin; Điều 41.12.TT.8.10. Phương tiện phục vụ hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin; Điều 41.12.TT.8.11. Trách nhiệm của thư viện trong hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin; Điều 41.12.TT.8.12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin. 02 Điều còn lại, gồm Điều 41.12.TT.8.13. Tổ chức thực hiện và Điều 41.12.TT.8.14. Điều khoản thi hành được pháp điển, sắp xếp vào sau Điều 41.12.LQ.51. Hiệu lực thi hành ở Chương VI là Chương cuối về các điều khoản thi hành của các văn bản được pháp điển vào Đề mục.   
Trong đó, cần lưu ý đến nội dung của một số điều được pháp điển dưới đây của Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL:
Điều 41.12.TT.8.3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động thư viện lưu động là hoạt động phục vụ ngoài trụ sở của thư viện được thực hiện thông qua sử dụng các trang thiết bị và phương tiện vận tải nhằm cung cấp trực tiếp tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện, sản phẩm, dịch vụ thư viện phục vụ cho người sử dụng.
2. Luân chuyển tài nguyên thông tin là hoạt động được thực hiện ngoài trụ sở thư viện hoặc qua không gian mạng, thông qua vận chuyển hoặc liên thông, chia sẻ, kết nối tài nguyên thông tin đến thư viện hoặc các điểm có phục vụ sách, báo khác (sau đây gọi là điểm luân chuyển) để phục vụ người sử dụng.
Điều 41.12.TT.8.5. Hoạt động thư viện lưu động
1. Phát triển tài nguyên thông tin
a) Khảo sát địa điểm, đối tượng, nhu cầu của người sử dụng mà thư viện có trách nhiệm phục vụ làm căn cứ để lựa chọn, bổ sung các loại hình tài nguyên thông tin bảo đảm phù hợp với trình độ, nhu cầu của người sử dụng. Ưu tiên lựa chọn tài nguyên thông tin phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và các tài nguyên thông tin phục vụ cho nhóm đối tượng đặc thù như: thiếu nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhóm đối tượng chuyên biệt (nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tài nguyên thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh);
b) Báo cáo kết quả khảo sát, lập danh mục lựa chọn tài nguyên thông tin và đưa vào Kế hoạch hoạt động thư viện lưu động hằng năm của thư viện; việc lựa chọn tài nguyên thông tin phải bảo đảm yêu cầu:
- Tài nguyên thông tin là tài liệu in có ít nhất 03 bản trở lên đối với 01 tên sách trong kho sách của thư viện và không thuộc đối tượng là tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng theo quy định;
- Tài nguyên thông tin có tính cập nhật, không bị lỗi thời, phù hợp với nhu cầu của từng điểm phục vụ hoặc luân chuyển;
- Đối với tài nguyên thông tin là tài liệu số phải tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.
c) Thực hiện bổ sung tài nguyên thông tin bằng các hình thức tiếp nhận xuất bản phẩm, mua tài nguyên thông tin, quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin số, tài nguyên thông tin mở, tài nguyên thông tin thuộc về công chúng, tài nguyên thông tin trực tuyến có giá trị khác.
2. Xử lý thông tin và tổ chức tra cứu thông tin thực hiện theo quy trình nghiệp vụ phục vụ việc tra cứu, sử dụng theo quy định của pháp luật.
3. Tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện lưu động bảo đảm khoa học, hiện đại, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện và nhu cầu của người sử dụng thư viện.
a) Sản phẩm thông tin thư viện bao gồm: hệ thống tra cứu thông tin, cơ sở dữ liệu thư mục, dữ kiện và toàn văn; thư mục thông tin chuyên đề phục vụ cho các nhóm đối tượng; các sản phẩm thông tin thư viện khác được hình thành trong quá trình xử lý tài nguyên thông tin của thư viện được thư viện lựa chọn để phục vụ lưu động;
b) Dịch vụ thư viện bao gồm: tổ chức không gian đọc, cung cấp tài nguyên thông tin tại chỗ; tư vấn, hướng dẫn sử dụng các tài nguyên thông tin của thư viện; truy cập máy tính và internet công cộng; tổ chức các hoạt động khuyến đọc; dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu và các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện theo quy định của pháp luật.
4. Truyền thông trong hoạt động thư viện lưu động
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động gắn với các sự kiện của đất nước, của địa phương và các sự kiện khác của ngành thư viện theo quy định của pháp luật;
b) Giới thiệu về tài nguyên thông tin, sản phẩm và dịch vụ, tiện ích của thư viện và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; xây dựng quan hệ công chúng, hình ảnh của thư viện;
c) Trưng bày, triển lãm giới thiệu sách, kết hợp tuyên truyền giới thiệu các hoạt động thư viện lưu động qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; lồng ghép các hoạt động của thư viện lưu động trong các sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các cuộc thi khuyến đọc và các hoạt động văn hóa, giáo dục khác.
5. Thống kê hiệu quả phục vụ theo các chỉ tiêu lượt người được phục vụ, lượt tài nguyên thông tin và các chỉ tiêu khác theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
6. Đánh giá hoạt động thư viện lưu động theo quy định của pháp luật về đánh giá hoạt động thư viện.
7. Kiểm kê số lượng tài nguyên thông tin bị hư hại để có phương án bảo quản phù hợp để tái sử dụng. Tài nguyên thông tin bị hư hại là tài liệu in không còn khả năng phục chế hoặc bị mất được đưa vào danh mục tài nguyên thông tin đề nghị thanh lọc theo quy định của pháp luật.
Điều 41.12.TT.8.6. Luân chuyển tài nguyên thông tin
1. Hình thức luân chuyển tài nguyên thông tin bao gồm:
a) Luân chuyển đến các điểm ngoài trụ sở thư viện đối với các tài nguyên thông tin là tài liệu in, tài liệu viết tay, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu vi dạng gồm vi phim, vi phiếu, tài liệu đặc biệt cho người khuyết tật và các tài liệu dạng vật chất khác;
b) Luân chuyển thông qua không gian mạng đối với tài nguyên thông tin là tài liệu số.
2. Luân chuyển tài nguyên thông tin quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa điểm luân chuyển, ưu tiên đối với các điểm xa trung tâm, điểm có thư viện huyện, xã, các tủ sách khu dân cư, nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, các trường học và các điểm khác có phục vụ sách, báo cho cộng đồng gặp khó khăn về tài nguyên thông tin hoặc nhu cầu của người dân về sử dụng thư viện cao;
b) Lựa chọn tài nguyên thông tin là tài liệu in để thực hiện luân chuyển theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư này và không đồng thời là tài nguyên thông tin được lựa chọn để phục vụ lưu động theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;
c) Thời gian luân chuyển tài nguyên thông tin nhiều nhất là 06 tháng với 01 điểm luân chuyển.
Đối với các điểm luân chuyển ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, thời gian luân chuyển tài nguyên thông tin do thư viện thực hiện luân chuyển quyết định nhưng phải bảo đảm tính lưu thông trong phục vụ tài nguyên thông tin tại các điểm luân chuyển;
d) Thực hiện bàn giao tài nguyên thông tin cho điểm luân chuyển, thư viện có trách nhiệm:
- Lập biên bản bàn giao tài nguyên thông tin luân chuyển theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này; cung cấp danh mục tài nguyên thông tin đã bàn giao cho người phụ trách điểm luân chuyển;
- Hướng dẫn cho người phụ trách điểm luân chuyển về phương pháp tổ chức, bảo quản tài nguyên thông tin và phục vụ người sử dụng;
- Yêu cầu người phụ trách điểm luân chuyển thực hiện đánh giá mức độ sử dụng tài nguyên thông tin và nhu cầu của người sử dụng;
- Tổng hợp kết quả sử dụng tài nguyên thông tin của các điểm luân chuyển làm căn cứ xây dựng danh mục tài nguyên thông tin dự kiến luân chuyển tiếp theo cho từng điểm luân chuyển.
đ) Thực hiện kiểm kê số lượng, thống kê tài nguyên thông tin bị hư hại, bị mất để có phương án phục chế, thanh lọc theo quy định. Tài nguyên thông tin bị hư hại không còn khả năng phục chế hoặc bị mất được đưa vào danh mục đề nghị thanh lọc theo quy định của pháp luật.
3. Luân chuyển tài nguyên thông tin quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này thực hiện thông qua hoạt động chia sẻ tài liệu số quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Điều 41.12.TT.8.7. Chia sẻ tài liệu số
1. Căn cứ nhu cầu sử dụng tài liệu số hằng năm của người sử dụng, thư viện xây dựng danh mục tài nguyên thông tin, kế hoạch liên kết, chia sẻ tài liệu số đến các thư viện, điểm phục vụ trên địa bàn.
2. Tiếp nhận xuất bản phẩm, mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài liệu số, tài nguyên thông tin mở, tài nguyên thông tin thuộc về công chúng, sản phẩm thông tin thư viện ở dạng số do thư viện thực hiện và tài nguyên thông tin trực tuyến có giá trị khác.
Việc bổ sung tài liệu số phải bảo đảm tính tương thích về mặt kỹ thuật để các điểm luân chuyển thuận tiện trong việc khai thác, sử dụng. Tài liệu số được lựa chọn để chia sẻ không thuộc tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng theo quy định của pháp luật.
3. Việc chia sẻ tài liệu số tuân thủ cơ chế liên thông thư viện theo quy định tại Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện.
4. Thư viện thực hiện chia sẻ tài liệu số có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn cho người phụ trách điểm luân chuyển truy cập, bảo quản, bảo mật và khai thác tài liệu số phục vụ người sử dụng;
b) Yêu cầu người phụ trách điểm luân chuyển thống kê mức độ sử dụng tài nguyên thông tin của người sử dụng;
c) Tổng hợp kết quả sử dụng của các điểm luân chuyển làm căn cứ xây dựng danh mục dự kiến chia sẻ tiếp theo.
Điều 41.12.TT.8.8. Nhân lực cho hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin
1. Nhân lực tham gia hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin được bố trí trong tổng số nhân lực thư viện và đội ngũ cộng tác viên của thư viện phải đáp ứng yêu cầu sau đây:
a) Có kinh nghiệm hoặc được tập huấn nghiệp vụ trong hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin;
b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thư viện và am hiểu về công nghệ thông tin;
c) Có ít nhất 03 vị trí việc làm tham gia 01 đợt phục vụ lưu động trong đó: 01 vị trí vận hành phương tiện lưu động và 02 vị trí tham gia vào việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đối với thư viện lưu động theo quy định của Điều 5 Thông tư này;
d) Có ít nhất 01 vị trí việc làm tham gia luân chuyển tài nguyên thông tin thực hiện các hoạt động theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
2. Người tham gia hoạt động thư viện lưu động, hoạt động luân chuyển tài nguyên thông tin theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 được hưởng chế độ công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Vũ Thị Mai

Các tin khác

Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào Đề mục Viên chức Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 08/2022/TT-BTNMT ngày 05/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vào Đề mục Khí tượng thuỷ văn Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 48/2022/TT-BTC ngày 03/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính vào Đề mục Phí và lệ phí Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ và Thông tư số 12/2022/TT-BCT ngày 25/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương vào Đề mục Lao động Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào Đề mục Giáo dục Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 18/2022/TT-BKHĐT ngày 08/8/2022 về của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào Đề mục Phòng, chống tham nhũng Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 của Chính phủ vào Đề mục Thuế Giá trị gia tăng Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 05/2022/TT-BTNMT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vào Đề mục Hoạt động viễn thám
Chung nhan Tin Nhiem Mang