Cập nhật QPPL mới của các văn bản: Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT; Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT; Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT vào Đề mục Giáo dục
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật QPPL mới của các văn bản: Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT; Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT; Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT vào Đề mục Giáo dục

Trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư: Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19/11/2012 và Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT ngày 27/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.
 Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện cập nhật các QPPL mới tại Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT; Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT; Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT vào Đề mục Viên chức (Đề mục 1  Chủ đề 13. Giáo dục, đào tạo) theo quy định. Cụ thể các QPPL mới được cập nhật như sau:
 Một số QPPL mới tại Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT như sau:
Điều 13.1.TT.153.1.
(Điều 1 Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ngày 06/01/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/02/2023 )
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Theo đó Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có nội dung như sau:
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, bao gồm: Tổ chức, bộ máy; Tổ chức hoạt động giáo dục; Giáo viên và nhân viên; Học viên; Tài chính và tài sản; Quan hệ giữa Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với cơ quan, tổ chức khác.
2. Quy chế này được áp dụng đối với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là Trung tâm) và tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 2. Vị trí pháp lí và quản lý nhà nước đối với Trung tâm
1. Trung tâm là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
2. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi Trung tâm đạt trụ sở chính.
3. Trung tâm thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quy định đặt tên của Trung tâm
1. Việc đặt tên Trung tâm được quy định như sau:
a) Tên Trung tâm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên + tên riêng hoặc tên địa danh.
b) Tên riêng của Trung tâm phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của Trung tâm; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Tên Trung tâm được ghi trên quyết định thành lập Trung tâm, con dấu của Trung tâm, biển hiệu và giấy tờ giao dịch.
3. Biển hiệu Trung tâm ghi những nội dung sau:
a) Góc phía trên, bên trái
- Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tên tỉnh:
- Dòng thứ hai: Cơ quan chủ quản của Trung tâm.
b) Ở giữa ghi tên Trung tâm theo quy định tại khoản 1 Điều này.
c) Dưới cùng là địa chỉ, số điện thoại, email, website (nếu có) của Trung tâm.
Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm
1. Tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo:
a) Chương trình xóa mù chữ.
b) Chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tàn tật, khuyết tật, đối tượng trong độ tuổi học phổ thông theo kế hoạch hằng năm của địa phương, người lao động có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
c) Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực: giáo dục pháp luật, văn hóa, xã hội, thể thao, nghệ thuật, môi trường, sức khỏe, kinh tế, tài chính; các chương trình giáo dục kỹ năng; các chương trình chuyển giao công nghệ trong lao động, sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.
d) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp bao gồm: bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, kiến thức văn hóa; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho căn hộ, công chức công tác tại vùng dân tộc, miền núi: bồi dưỡng thường xuyên giáo viên; bồi dưỡng giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở về tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; các chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: các chương trình bồi dưỡng khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch của địa phương và nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
2. Điều tra nhu cầu học tập, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên địa bàn, xác định nội dung học tập, đề xuất với sở giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương việc tổ chức các chương trình giáo dục, đào tạo và hình thức học phù hợp với từng loại đối tượng.
3. Phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên khác trên địa bàn để thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục hỗ trợ khác theo nhu cầu của người học, của các nhà trường.
4. Thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp hoặc liên kết đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; liên kết đào tạo đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Thực hiện quyền tự chủ theo quy định của pháp luật và một số quy định cụ thể sau đây:
a) Quyết định mục tiêu, sứ mạng, chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm;
b) Quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển Trung tâm; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc Trung tâm;
c) Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; quyết định mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học theo các quy định về tự chủ tài chính đối với Trung tâm;
d) Tuyển sinh và quản lý người học; phát triển chương trình giáo dục; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn tài liệu học tập phù hợp với mục tiêu giáo dục của từng chương trình; quản lý và cấp chứng chỉ cho người học theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế theo chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm; đảm bảo chất lượng giáo dục của Trung tâm; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đăng ký kiểm định.
6. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.
7. Xây dựng, đầu tư, quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục theo yêu cầu của chương trình giáo dục, đào tạo.
8. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức; tổ chức cho nhà giáo cập nhật, nâng cao kỹ nghề nghiệp; tổ chức cho nhà giáo, viên chức và người học tham gia các hoạt động xã hội.
9. Thực hiện quy chế dân chủ trong Trung tâm.
10. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và có trách nhiệm giải trình trước cơ quan có thẩm quyền, người học và xã hội.
11. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
 Điều 13.1.TT.153.2.
(Điều 2 Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/02/2023)
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 02 năm 2023. Thông tư này áp dụng đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Giáo dục 2019.
 Điều 13.1.TT.153.3.
(Điều 3 Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/02/2023)
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
 Một số QPPL mới tại Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT như sau:
 Điều 13.1.TT.33.1.
(Điều 1 Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/01/2012, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/01/2013; Điều 1 Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014; Điều 1, Điều 2 Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/02/2023)
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
 Theo đó Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.như sau:
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (gọi tắt là Quy chế thi) quy định về: công tác chuẩn bị cho kỳ thi; công tác đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo, xử lý kết quả thi; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và khen thưởng của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông và kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực (gọi chung là các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia).
2. Quy chế thi áp dụng cho các cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ chức, cá nhân tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Điều 2. Mục đích, yêu cầu
1. Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.
2. Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia phải đảm bảo yêu cầu an toàn, nghiêm túc, chính xác, khách quan, công bằng.
Điều 3. Tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia
Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hai (02) kỳ thi: kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông (gọi tắt là kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) và kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực (gọi tắt là kỳ thi chọn đội tuyển Olympic).
Điều 4. Đối tượng và điều kiện dự thi
1. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:
a) Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và mỗi đại học, học viện, trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên được đăng ký là một đơn vị dự thi;
b) Thí sinh là học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông, có xếp loại hạnh kiểm và học lực từ khá trở lên theo kết quả cuối học kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi;
c) Mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi.
2. Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: thí sinh là học sinh đang học cấp trung học phổ thông và thuộc một trong các diện sau đây:
a) Được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn trong số các học sinh đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm theo nguyên tắc tuyển từ cao xuống thấp theo điểm thi, đảm bảo số học sinh được tuyển chọn cho mỗi môn thi không vượt quá 8 lần số học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn đó;
b) Không tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm, nhưng đã tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế trong năm trước đó
Điều 5. Môn thi và hình thức thi
1. Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, chỉ tổ chức thi đối với môn thi có ít nhất 05 đơn vị đăng ký dự thi.
2. Môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính; các môn khác thi theo hình thức thi viết; riêng các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có thêm hình thức thi thực hành, các môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói.
Điều 6. Nội dung thi
Nội dung thi nằm trong phạm vi Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và nội dung dạy học các môn chuyên trường trung học phổ thông chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn.
Điều 7. Thời gian làm bài thi
1. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có hai (02) buổi thi đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và các môn Ngoại ngữ; có một (01) buổi thi đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có thể có thêm một (01) buổi thi thực hành.
Thời gian làm bài thi của buổi thi viết và buổi thi môn Tin học là 180 phút.
Thời gian làm bài thi của buổi thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và buổi thi nói đối với các môn Ngoại ngữ: thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (gọi tắt là Hướng dẫn tổ chức thi) hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic có hai (02) buổi thi đối với mỗi môn thi; riêng các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học có thêm một (01) buổi thi thực hành.
Thời gian làm bài thi đối với môn Tin học là 300 phút/buổi thi, môn Toán là 270 phút/buổi thi, môn Sinh học 180 phút tự luận, 60 phút trắc nghiệm/buổi thi, các môn còn lại là 240 phút/buổi thi.
Thời gian làm bài thi của buổi thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học: thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 8. Lịch thi
1. Lịch thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn định trong Kế hoạch thời gian năm học.
2. Lịch thi đề dự bị được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngay sau khi có quyết định phải thi đề dự bị.
Điều 9. Địa điểm tổ chức kỳ thi
1. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: tổ chức thi tại đơn vị dự thi.
2. Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: tổ chức thi tại thành phố Hà Nội.
Điều 10. Sử dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi
1. Đơn vị đăng ký tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia phải có đầy đủ máy vi tính, máy in, đường truyền internet; phải sử dụng phần mềm quản lý thi chọn học sinh giỏi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phải thực hiện đúng quy trình, cấu trúc, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo Hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Cán bộ chuyên trách sử dụng máy tính và phần mềm quản lý thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia phải am hiểu về công nghệ thông tin, đã qua tập huấn sử dụng phần mềm, có địa chỉ thư điện tử để liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 11. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi
1. Thành viên của Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và của các Hội đồng soạn thảo đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo là những người tham gia tổ chức kỳ thi.
2. Những người tham gia tổ chức kỳ thi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau:
a) Có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao;
b) Nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi;
c) Không có vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em, cháu ruột hoặc anh, chị, em, cháu ruột vợ (hoặc chồng), người giám hộ hoặc đỡ đầu, người được giám hộ hoặc được đỡ đầu tham dự kỳ thi;
d) Không trong thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 của Điều này, thành viên Hội đồng soạn thảo đề thi, chấm thi, phúc khảo còn phải là những người có năng lực chuyên môn tốt.
Điều 12. Công tác chỉ đạo và tổ chức thi
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý Nhà nước, chỉ đạo và tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và quyết định những trường hợp đặc biệt liên quan đến thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm đạt được mục đích, yêu cầu của kỳ thi.
2. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia để giúp Bộ trưởng chỉ đạo công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
3. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các công việc sau:
a) Xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt;
b) Hướng dẫn tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia;
c) Điều động các đơn vị dự thi làm nhiệm vụ coi thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia;
d) Tổ chức coi thi trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic;
đ) Tổ chức soạn thảo đề thi, chấm thi, xét kết quả thi, phúc khảo trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia;
e) Cấp Giấy chứng nhận cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
4. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc cử các đoàn thanh tra, giám sát kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Điều 13. Xử lý các sự cố bất thường
1. Trường hợp đề thi có sai sót:
a) Nếu phát hiện có sai sót trong đề thi, Chủ tịch Hội đồng coi thi phải báo cáo ngay với Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia thông báo cho Chủ tịch Hội đồng soạn thảo đề thi để có phương án xử lý.
b) Chủ tịch Hội đồng soạn thảo đề thi kết luận về tính chất, mức độ sai sót; trên cơ sở đó, căn cứ thời gian phát hiện sai sót, lựa chọn và trình Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia quyết định một trong các phương án xử lý sau:
- Chỉ đạo các Hội đồng coi thi sửa chữa sai sót, thông báo cho thí sinh biết và không kéo dài thời gian làm bài của thí sinh;
- Chỉ đạo các Hội đồng coi thi sửa chữa sai sót, thông báo cho thí sinh biết và kéo dài thỏa đáng thời gian làm bài của thí sinh;
- Chỉ đạo các Hội đồng coi thi không sửa chữa sai sót, để thí sinh làm bài bình thường; sau đó, điều chỉnh biểu điểm một cách thích hợp khi chấm thi, đảm bảo quyền lợi của thí sinh;
- Tổ chức thi lại môn thi có đề sai bằng đề thi dự bị theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Trường hợp đĩa CD chứa phần thi nghe hiểu môn Ngoại ngữ bị hỏng:
a) Trường hợp đĩa CD chính bị hỏng nhưng đĩa CD dự phòng không bị hỏng, Chủ tịch Hội đồng coi thi lập biên bản về tình trạng của các đĩa CD và cho sử dụng đĩa CD dự phòng;
b) Trường hợp đĩa CD chính và đĩa CD dự phòng đều bị hỏng, Chủ tịch Hội đồng coi thi lập biên bản về tình trạng của các đĩa CD, cho dừng thi môn Ngoại ngữ có đĩa CD bị hỏng và báo cáo ngay với Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng coi thi tổ chức thi bằng đĩa CD chứa phần thi nghe hiểu của đề thi dự bị của môn Ngoại ngữ có đĩa CD bị hỏng theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Trường hợp đề thi bị lộ:
a) Chỉ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền kết luận về tình huống lộ đề thi, quyết định đình chỉ thi môn thi bị lộ đề thi và thông báo cho thí sinh biết. Các môn thi khác vẫn tiến hành bình thường theo lịch. Môn thi bị lộ đề thi sẽ được thi lại theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, xác minh, kết luận nguyên nhân lộ đề thi; tiến hành xử lý người làm lộ đề thi và những người liên quan theo các quy định hiện hành của pháp luật.
4. Trường hợp có sự cố nguồn điện hoặc phải đổi máy vi tính của phòng thi môn Tin học:
a) Chủ tịch Hội đồng coi thi nơi xảy ra sự cố cho dừng buổi thi môn Tin học, chỉ đạo, tổ chức khắc phục sự cố và quyết định một trong hai phương án sau, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia:
- Cho tiến hành tiếp tục buổi thi môn Tin học ngay sau khi khắc phục xong sự cố và bù thời gian đã bị mất cho thí sinh, nếu thời gian khắc phục sự cố không nhiều hơn 30 phút;
- Cho hủy buổi thi môn Tin học, nếu thời gian khắc phục sự cố nhiều hơn 30 phút.
b) Trường hợp phải hủy buổi thi môn Tin học, Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng coi thi tổ chức thi lại môn Tin học bằng đề thi dự bị theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Các đơn vị dự thi cố tình gây ra sự cố sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật.
5. Trường hợp thiên tai nghiêm trọng xảy ra, Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia quyết định lùi buổi thi và chỉ đạo tổ chức thi theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Trong quá trình tổ chức kỳ thi, nếu xảy ra sự cố bất thường khác, các tổ chức, cá nhân liên quan phải báo cáo ngay cho Trưởng ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia để có phương án xử lý thích hợp, kịp thời.
Điều 14. Trách nhiệm của đơn vị dự thi
1. Công khai ngay từ đầu năm học phương thức tuyển chọn học sinh vào đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia của đơn vị mình và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện đúng các quy định và yêu cầu về đăng ký dự thi; chịu trách nhiệm về hồ sơ dự thi của thí sinh thuộc đơn vị mình.
2. Lựa chọn và giới thiệu nhân sự tham gia công tác chuyên môn của các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Cử nhân sự tham gia các Hội đồng coi thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đảm bảo đủ số lượng, đúng thành phần theo yêu cầu điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Thực hiện nhiệm vụ coi thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia theo các quy định tại Chương IV của Quy chế này và theo Hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 Điều 13.1.TT.33.9. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
(Điều 3 Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2011 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 11 năm 2012 và Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 06/01/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/02/2023)
Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên; Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc bộ ngành chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
 Điều 13.1.TT.33.10. Điều khoản chuyển tiếp và Hiệu lực thi hành
(Điều 4 Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/02/2023)
1. Số lượng thí sinh trong đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 tiếp tục giữ ổn định theo số lượng thí sinh được đăng ký tối đa trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 02 năm 2023.
 Một số QPPL mới tại Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT như sau:
 Điều 13.1.TT.154.1.
(Điều 1 Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ngày 06/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2023 )
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.
 Theo đó, nội dung của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú như sau:
 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú (sau đây viết tắt là trường PTDTBT) bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; hoạt động giáo dục của trường PTDTBT; nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên và học sinh bán trú; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
2. Quy chế này áp dụng đối với trường PTDTBT, tổ chức và cá nhân có liên quan.
3. Trường PTDTBT được tổ chức và hoạt động theo các quy định của Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là Điều lệ trường phổ thông) và các quy định tại Quy chế này.
Điều 2. Điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh bán trú
1. Điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc bán trú: Học sinh trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở thuộc địa bàn tuyển sinh của nhà trường theo quy định của cấp có thẩm quyền.
2. Học sinh bán trú: Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ được cấp có thẩm quyền xét duyệt theo quy định của Chính phủ, do không thể tự đi đến trường hoặc điểm trường và trở về nhà trong ngày.
Điều 3. Trường phổ thông dân tộc bán trú
1. Trường PTDTBT được Nhà nước thành lập cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
2. Trường PTDTBT bảo đảm ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và tỷ lệ học sinh bán trú như sau:
a) Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số: Có ít nhất 50% trong tổng số học sinh của toàn trường là người dân tộc thiểu số.
b) Tỷ lệ học sinh bán trú:
- Đối với trường PTDTBT tiểu học: Có ít nhất 20% học sinh bán trú;
- Đối với trường PTDTBT trung học cơ sở: Có ít nhất 45% học sinh bán trú;
- Đối với trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở: Có ít nhất 32,5% học sinh bán trú hoặc có ít nhất 20% học sinh tiểu học bán trú và 45% học sinh trung học cơ sở bán trú.
3. Hệ thống trường PTDTBT gồm có:
a) Trường PTDTBT tiểu học;
b) Trường PTDTBT trung học cơ sở;
c) Trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở.
Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường phổ thông dân tộc bán trú
Trường PTDTBT thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ thông và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Tổ chức xét duyệt học sinh bán trú theo quy định của Chính phủ.
2. Tổ chức quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.
3. Tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Quy chế này.
4. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh theo quy định của Nhà nước.
5. Thực hiện xã hội hóa để phục vụ các hoạt động giáo dục của nhà trường.
6. Phối hợp với gia đình và xã hội trong thực hiện quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.
Điều 5. Tên trường, biển tên trường
1. Tên trường được quy định như sau: Trường phổ thông dân tộc bán trú + cấp học (tiểu học; trung học cơ sở; tiểu học và trung học cơ sở) + tên riêng của trường.
2. Tên trường được ghi trên quyết định thành lập trường, con dấu của trường, biển tên trường và giấy tờ giao dịch.
3. Biển tên trường ghi những nội dung sau:
a) Góc phía trên bên trái:
- Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và tên huyện;
- Dòng thứ hai: Phòng Giáo dục và Đào tạo.
b) Ở giữa ghi tên trường theo quy định tại khoản 1 của Điều này. Đối với trường PTDTBT tiểu học, trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở có điểm trường, tên điểm trường ghi dưới tên trường.
c) Dưới cùng ghi địa chỉ, số điện thoại, email, website (nếu có) của nhà trường.
 Điều 13.1.TT.154.2.
(Điều 2 Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2023)
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18 tháng 3 năm 2023 và thay thế Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú và Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 Điều 13.1.TT.154.3.
(Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2023)
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
 Một số QPPL mới tại Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT như sau:
 Điều 13.1.TT.155.1.
(Điều 1 Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ngày 23/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2023 )
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.
 Điều 13.1.TT.155.2.
(Điều 2 Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2023)
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2023 và thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.
 Điều 13.1.TT.155.3.
(Điều 3 Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2023)
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu; hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78 và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 
Hoàng Như Quỳnh
Chung nhan Tin Nhiem Mang