Cập nhật QPPL mới của Nghị định số 09/2023/NĐ-CP vào Đề mục An ninh mạng
Ngày 13/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh Pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển, Chính phủ thực hiện cập nhật các QPPL mới tại Nghị định 09/2023/NĐ-CP vào Đề mục Thi hành án dân sự theo quy định. Cụ thể, một số các QPPL mới được cập nhật như sau:
Điều 30.3.NĐ.9.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam ngày 13/03/2023 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023 )
Nghị định này quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, gồm các nội dung sau:
1. Tiêu chí lựa chọn trại giam thực hiện thí điểm.
2. Tiêu chí lựa chọn tổ chức hợp tác với trại giam để thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
3. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
4. Cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.
5. Chế độ, chính sách đối với phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam.
6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều 30.3.NĐ.9.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, các trại giam thuộc Bộ Công an được thí điểm; cán bộ, chiến sĩ của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và trại giam được thí điểm; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tổ chức hợp tác với trại giam.
2. Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam thuộc Bộ Công an được thí điểm.
3. Cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Điều 30.3.NĐ.9.3. Lựa chọn trại giam thực hiện thí điểm
(Điều 3 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Trại giam thực hiện thí điểm phải đảm bảo các tiêu chí sau:
a) Khó khăn về cơ sở vật chất để tổ chức các ngành nghề lao động, hướng nghiệp, dạy nghề phục vụ công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân trong phạm vi trại giam.
b) Có nhu cầu về việc làm, khả năng quản lý, bố trí cán bộ, chiến sĩ và số lượng phạm nhân để hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
c) Bảo đảm an ninh, an toàn khi tổ chức thực hiện thí điểm.
2. Căn cứ các tiêu chí tại khoản 1 Điều này, Bộ Công an ban hành danh sách các trại giam được thực hiện thí điểm.
Điều 30.3.NĐ.9.4. Tiêu chí lựa chọn tổ chức hợp tác với trại giam để thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
(Điều 4 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
Tổ chức hợp tác với trại giam tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
1. Không thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức là người nước ngoài; không liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài hay có vốn đầu tư của nước ngoài.
2. Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, ban hành; giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề hợp tác lao động là ngành nghề có điều kiện.
3. Có tài liệu chứng minh quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp đối với đất và tài sản gắn liền với đất để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề.
4. Địa điểm khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải đóng trên địa bàn có tình hình an ninh trật tự ổn định; có khoảng cách đến điểm đóng quân gần nhất thuộc trại giam không quá 50 km để thuận tiện cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra; có tường, rào bảo vệ xung quanh tách biệt với khu dân cư.
5. Tổ chức có khả năng thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho một tổ, đội phạm nhân trở lên; bảo đảm các điều kiện để phục vụ công tác quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân, chăm sóc y tế, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho phạm nhân; có ngành nghề được pháp luật cho phép sản xuất, kinh doanh và không thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ mức độ V trở lên theo quy định Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trường hợp thuộc danh mục các ngành nghề còn lại trong điều kiện cho phép, tổ chức phải cam kết vận hành an toàn cho phạm nhân.
Điều 30.3.NĐ.9.5. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
(Điều 5 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Đề nghị giao kết hợp đồng hợp tác tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Tổ chức có nhu cầu hợp tác gửi văn bản cho trại giam được thực hiện thí điểm đề nghị hợp tác tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, gồm các nội dung: tên tổ chức; mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; giấy phép đăng kí kinh doanh; tên người đại diện, chức vụ; ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề đề nghị hợp tác lao động; diện tích và vị trí đất, nhà xưởng dự kiến sử dụng để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; dự kiến số lượng phạm nhân tham gia từng ngành nghề và tất cả ngành nghề đề nghị hợp tác lao động, hướng nghiệp, dạy nghề; thời gian hợp tác. Kèm theo bản sao công chứng các giấy tờ có liên quan và hồ sơ năng lực (nếu có).
2. Trình tự lập, thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương hợp tác tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam:
a) Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị hợp tác của tổ chức, căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu của đơn vị, trại giam tổ chức khảo sát vị trí dự kiến tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, lập biên bản khảo sát gồm các nội dung: Địa điểm; diện tích đất; diện tích nhà, xưởng; ngành nghề lao động; nhu cầu sử dụng nhân công lao động; giao thông tiếp cận; khoảng cách đến điểm đóng quân gần nhất của trại giam; đặc điểm của khu vực dân cư trên địa bàn và các khu vực dân cư giáp ranh. Trại giam tổ chức họp, xem xét các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và có văn bản trả lời.
Trường hợp đồng ý hợp tác, trại giam và tổ chức xây dựng kế hoạch hợp tác và ký thỏa thuận nguyên tắc hợp tác tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam theo Mẫu 01-TT. Đồng thời, trại giam lập Tờ trình theo Mẫu 02-TTr và gửi kèm hồ sơ gồm: Kế hoạch hợp tác; Thỏa thuận nguyên tắc hợp tác; hồ sơ năng lực của tổ chức đề nghị hợp tác; biên bản khảo sát; thuyết minh dự án đầu tư, phương án tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và tài liệu khác có liên quan, báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt chủ trương hợp tác với tổ chức để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của trại giam, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt chủ trương và thông báo cho trại giam để tổ chức thực hiện. Trường hợp không phê duyệt, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an gửi văn bản thông báo cho trại giam trong đó nêu rõ lý do không đồng ý phê duyệt.
c) Sau khi nhận được văn bản đồng ý về chủ trương hợp tác của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trại giam thông báo cho tổ chức đề nghị hợp tác biết để phối hợp với trại giam lập hồ sơ thiết kế xây dựng Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam theo điểm c khoản 5 Điều 6 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự và tiến hành xây dựng các hạng mục công trình theo quy định.
3. Thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam:
a) Sau khi hoàn thành các hạng mục công trình theo quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo điều kiện giam giữ, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, trại giam có trách nhiệm phối hợp với tổ chức hợp tác với trại giam lập biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành.
b) Trại giam hoàn thiện hồ sơ báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an đề nghị thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, gồm: Tờ trình theo Mẫu 03-TTr; văn bản đồng ý chủ trương hợp tác; hồ sơ thiết kế khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành.
c) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an tổ chức kiểm tra, thẩm định, phê duyệt, ban hành Quyết định thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Trường hợp sau khi kiểm tra, thẩm định, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an không phê duyệt thành lập Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam do chưa đảm bảo các hạng mục công trình theo quy định thì Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hướng dẫn tổ chức hợp tác với trại giam tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các hạng mục công trình và trình lại Cơ quan quản lý thi hành án hình sự để phê duyệt.
4. Tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
a) Căn cứ Quyết định thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trại giam ký kết hợp đồng hợp tác với tổ chức theo Mẫu 04-HĐ và sắp xếp, bố trí số lượng cán bộ, chiến sĩ, phạm nhân để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Đồng thời, gửi thông báo đến Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam để kiểm sát, phối hợp khi có yêu cầu.
b) Giám thị trại giam căn cứ vào điều kiện cụ thể của trại giam và khả năng hợp tác với tổ chức lập kế hoạch tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, tổng hợp vào kế hoạch tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân hàng năm của trại giam và gửi về Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để thẩm định, phê duyệt theo quy định của khoản 3 Điều 16 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP.
Điều 30.3.NĐ.9.6. Cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam
(Điều 6 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Cách thức lựa chọn phạm nhân:
Trại giam phổ biến điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều này để phạm nhân đối chiếu và tự nguyện viết đơn đề nghị được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam. Giám thị trại giam chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp, lựa chọn phạm nhân theo quy định.
2. Phạm nhân không thuộc trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm m khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 54/2022/QH15 được đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có nơi cư trú rõ ràng.
b) Chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, có ý thức cải tạo tiến bộ.
c) Đối với phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, có ít nhất 12 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại “Khá” hoặc “Tốt”.
d) Đối với phạm nhân có mức án từ 15 năm trở xuống phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án tù trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, có ít nhất 09 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại “Khá” hoặc “Tốt”; phạm nhân có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm có ít nhất 6 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại “Khá” hoặc “Tốt”; phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống có ít nhất 3 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại “Khá” hoặc “Tốt”.
đ) Đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, chặt chẽ, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc ma túy để đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.
Điều 30.3.NĐ.9.7. Chế độ, chính sách đối với phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam
(Điều 7 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và được trả công theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
2. Ít nhất một tháng trước ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc trước khi thi hành quyết định đặc xá, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, phạm nhân được đưa trở lại trại giam để phục vụ công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng theo quy định.
3. Trường hợp phạm nhân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, vi phạm nội quy về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa dịch bệnh, phòng chống cháy, nổ đến mức phải xử lý kỷ luật thì đưa về trại giam để xử lý theo quy định.
Điều 30.3.NĐ.9.8. Trách nhiệm của Bộ Công an
(Điều 8 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
2. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2022/QH15 và Nghị định này. Định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ việc thực hiện thí điểm; tham mưu Chính phủ xây dựng Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2022/QH15 báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2025, xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2022/QH15 và đề xuất hoàn thiện pháp luật về thi hành án hình sự báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2027.
Điều 30.3.NĐ.9.9. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an
(Điều 9 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các trại giam trong quá trình thí điểm hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo quy định của pháp luật.
Điều 30.3.NĐ.9.10. Trách nhiệm của trại giam
(Điều 10 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam ngày 13/03/2023 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Phối hợp với tổ chức hợp tác với trại giam xây dựng kế hoạch, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương hợp tác trình Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.
2. Lập hồ sơ đề nghị thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trình Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an xem xét, thẩm định, phê duyệt.
3. Ký kết hợp đồng hợp tác với tổ chức để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
4. Lựa chọn, bố trí cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; đối với khu có phạm nhân nữ thì phải bố trí cán bộ nữ.
5. Trực tiếp tổ chức quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, bảo đảm an ninh, an toàn tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
6. Thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để kiểm sát, kiểm tra, giám sát, phối hợp khi có yêu cầu.
7. Mở hệ thống sổ kế toán để theo dõi, hạch toán kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam, trích nộp và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu được theo quy định của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.
8. Có trách nhiệm thực hiện theo quy định Luật Thi hành án hình sự, Luật An toàn vệ sinh lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan khi xảy ra mất an ninh, an toàn tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Điều 30.3.NĐ.9.11. Trách nhiệm của tổ chức hợp tác với trại giam
(Điều 11 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; các công trình phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bàn giao cho trại giam quản lý.
2. Phối hợp với trại giam hướng dẫn, dạy nghề, truyền nghề; bố trí ngành nghề lao động; đảm bảo các điều kiện lao động, an toàn lao động, vệ sinh môi trường cho phạm nhân tham gia lao động, hướng nghiệp, học nghề theo quy định của pháp luật, có nghĩa vụ thanh toán cho trại giam giá trị công lao động phạm nhân, chi trả các chi phí liên quan đến quá trình tổ chức lao động, dạy nghề trong thời gian hợp tác theo đúng hợp đồng đã ký kết.
3. Tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đúng chức năng kiểm tra, kiểm sát, giám sát quá trình chấp hành án phạt tù của phạm nhân theo quy định pháp luật.
Điều 30.3.NĐ.9.12. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan
(Điều 12 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2023)
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan thuế tổ chức thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ kết quả lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm của tổ chức hợp tác với trại giam.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ và các tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân và bảo đảm an ninh, an toàn theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân có trách nhiệm phối hợp với trại giam duy trì an ninh, trật tự địa bàn xung quanh khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề; phòng ngừa khắc phục các sự cố liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; phối hợp xử lý giải quyết các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến phạm nhân; phối hợp giải quyết khi xảy ra tai nạn lao động hoặc các vụ việc phạm nhân vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân theo thẩm quyền.
Hoàng Như Quỳnh