Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tư pháp đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm
[1] (Đề mục 2 Chủ đề 9. Dân sự). Đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tư pháp sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xác định phạm vi thực hiện pháp điển các QPPL đối với Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm như sau: Đề mục có
01 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tư pháp) và
45 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, bao gồm 05 chương với 58 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định.
Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; Giải thích từ ngữ; Các trường hợp đăng ký; Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin; Hiệu lực của đăng ký; Ngôn ngữ sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin; Người yêu cầu đăng ký, người yêu cầu cung cấp thông tin; Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu đăng ký, của người yêu cầu cung cấp thông tin; Cơ quan đăng ký, cơ quan cung cấp thông tin; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký, của cơ quan cung cấp thông tin;
- Chương II gồm 4 mục quy định về Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cụ thể:
Mục 1 quy định về Thủ tục chung như: Chữ ký, con dấu trong đăng ký; Cách thức nộp hồ sơ đăng ký; Tiếp nhận hồ sơ đăng ký; Từ chối đăng ký; Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký; Trả kết quả đăng ký; Trường hợp đăng ký thay đổi; Chỉnh lý thông tin có sai sót trong nội dung đã được đăng ký; Xóa đăng ký; Hủy đăng ký; Cấp bản sao văn bản chứng nhận đăng ký; Cấp tài khoản đăng ký trực tuyến; Thủ tục đăng ký trực tuyến.
Mục 2 quy định về Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như: Trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai; Chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán tài sản khác gắn liền với đất; Hồ sơ đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu; Hồ sơ đăng ký đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất; Hồ sơ đăng ký đối với nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất; Hồ sơ đăng ký đối với nhà ở hình thành trong tương lai, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai không thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất; Hồ sơ đăng ký đối với tài sản gắn liền với đất đã hình thành không phải là nhà ở mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu; Hồ sơ đăng ký thay đổi đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Hồ sơ xóa đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Hồ sơ đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm; Thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán tài sản khác gắn liền với đất; Thay đổi thông tin về bên bảo đảm, thay đổi về tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Giải quyết đăng ký trong trường hợp thông tin về tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm bao gồm tài sản khác ngoài quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng, của các thành viên hộ gia đình, của nhóm người sử dụng đất hoặc thuộc doanh nghiệp tư nhân.
Mục 3 gồm 2 tiểu mục quy định về Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, cụ thể:
Tiểu mục 1 quy định về Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay như: Trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền của Cục Hàng không Việt Nam; Hồ sơ đăng ký đối với tàu bay; Thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký đối với tàu bay.
Tiểu mục 2 quy định về Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển như: Trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền của Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam; Hồ sơ đăng ký đối với tàu biển; Thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký đối với tàu biển.
Mục 4 quy định về Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, cây hằng năm, công trình tạm như: Trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền của Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản; Mô tả tài sản bảo đảm trên Phiếu yêu cầu đăng ký; Hồ sơ đăng ký đối với động sản, cây hằng năm, công trình tạm; Thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký đối với động sản, cây hằng năm, công trình tạm; Thay đổi thông tin về nội dung đã được đăng ký đối với động sản, cây hằng năm, công trình tạm; Xử lý đối với đăng ký trùng lặp.
- Chương III gồm 2 mục quy định về Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, cụ thể:
Mục 1 quy định về Cung cấp thông tin theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân như: Nội dung cung cấp thông tin, phương thức yêu cầu cung cấp thông tin; Thủ tục giải quyết yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin: 1. Cơ quan đăng ký từ chối cung cấp thông tin và thực hiện việc từ chối áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Yêu cầu cung cấp thông tin không đúng thẩm quyền; b) Kê khai Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin không đúng hướng dẫn kê khai trên Mẫu số 09d, Mẫu số 12c tại Phụ lục hoặc kê khai thông tin không đúng với quy định của pháp luật về đất đai, về khai thác, sử dụng tài nguyên biển hoặc pháp luật về hàng không; c) Người yêu cầu cung cấp thông tin không nộp phí, trừ trường hợp pháp luật về phí, lệ phí, pháp luật khác có liên quan quy định khác; 2. Trường hợp không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan đăng ký trả kết quả cung cấp thông tin cho người yêu cầu trong thời hạn quy định tại Điều 16 Nghị định này và theo cách thức quy định tại Điều 17 Nghị định này; 3. Việc sử dụng chữ ký, con dấu trong cung cấp thông tin áp dụng theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
Mục 2 quy định về Hoạt động cung cấp thông tin giữa cơ quan đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền như: Cơ quan có thẩm quyền: 1. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; cơ quan có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 10 Nghị định này, trừ trường hợp pháp luật về đất đai, về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, về hàng không hoặc pháp luật về hàng hải có quy định khác; 2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, đăng ký quyền sử dụng hoặc đăng ký quyền lưu hành tài sản; 3. Tòa án nhân dân, Trọng tài, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, người có thẩm quyền của các cơ quan này; 4. Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên; 5. Cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền theo quy định của luật, người có thẩm quyền của cơ quan này., người có thẩm quyền trong hoạt động cung cấp thông tin; Nội dung cung cấp thông tin, hình thức, thời hạn cung cấp thông tin.
- Chương IV quy định về Quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm như: Nội dung quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm: 1. Xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách phát triển hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trong phạm vi cả nước; 2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; 3. Tổ chức, quản lý hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm; xây dựng và quản lý các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm; hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm; 4. Xây dựng, vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu; quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm; 5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; 6. Hợp tác quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật về các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước quy định tại Điều này; 7. Thống kê đăng ký biện pháp bảo đảm; tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; 8. Kiểm tra, thanh tra, theo dõi thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; 9. Nhiệm vụ, quyền hạn khác quy định tại Nghị định này, pháp luật khác có liên quan.; Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Chương V quy định về Điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành; Điều khoản chuyển tiếp; Tổ chức thực hiện.
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
[1] Đề mục này được pháp điển lại do văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất của Đề mục bị thay thế