Cập nhật QPPL mới của Nghị định 56/2024/NĐ-CP vào đề mục Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế
Ngày 18/5/2024, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Theo đó, căn cứ theo nguyên tắc, kỹ thuật pháp điển quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì, phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật) đã thực hiện pháp điển cập nhật các nội dung quy định được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP bởi Nghị định số 56/2024/NĐ-CP (và đây cũng là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của các quy định pháp luật đối với tổ chức pháp chế) vào Đề mục Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Đề mục số 3 thuộc Chủ đề 44. Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của Bộ pháp điển) theo quy định (mã hóa các quy định được pháp điển theo các điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ với ký hiệu mã hóa là “44.3.NĐ.” trong Bộ pháp điển).
Ví dụ một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP sau khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bởi Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, được pháp điển cập nhật có nội dung quy định hiện tại trong Bộ pháp điển như sau:
“Điều 44.3.NĐ.2. Vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế
(Điều 2 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/7/2024)
1. Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định này.
2. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 44.3.NĐ.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ
(Điều 3 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011, có nội dung được/bị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ bởi Điều 4 của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013; Điều 8 của Nghị định số 92/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2017; Điều 1, Điều 2 của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/7/2024)
1. Về công tác xây dựng pháp luật
a) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ gửi Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ; đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; thông báo cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình tiến độ thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết sau khi được phê duyệt;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;
c) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;
d) Chủ trì thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ký ban hành;
đ) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tham gia góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được gửi xin ý kiến;
g) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.
2. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật
a) Đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chung của bộ, cơ quan ngang bộ;
b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ;
c) Xây dựng báo cáo hằng năm về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
d) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định của pháp luật.
3. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
b) Xây dựng báo cáo hằng năm về kết quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
c) Giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đôn đốc, chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở bộ, cơ quan ngang bộ.
4. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
5. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
5a. Về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
6. Về công tác bồi thường nhà nước
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước;
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bồi thường nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
7. Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.
8. Về công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý
a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; có ý kiến về mặt pháp lý đối với quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
9. Về hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế
Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế đối với tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp mà Bộ, cơ quan ngang Bộ là đại diện chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
11. Về hợp tác với nước ngoài về pháp luật
Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và theo quy định của pháp luật.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 44.3.NĐ.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ
(Điều 4 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/7/2024)
1. Về công tác xây dựng pháp luật và xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ:
a) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc góp ý dự thảo nội quy, quy chế của cơ quan thuộc Chính phủ và các văn bản khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;
b) Tham gia ý kiến đối với các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được gửi xin ý kiến theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;
c) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ quan thuộc Chính phủ.
2. Có ý kiến về mặt pháp lý đối với các văn bản, hợp đồng do các đơn vị khác chuẩn bị theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.
3. Về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Phối hợp với tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ.
4. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
5. Về công tác bồi thường nhà nước
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bồi thường nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
6. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công theo quy định của pháp luật.
7. Về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Tổ chức pháp chế Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
8. Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế đối với tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế ở các đơn vị trực thuộc.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 44.3.NĐ.5a. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập
(Điều 5a Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011, được bổ sung bởi Điều 1 của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/7/2024)
Chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan tham mưu, giúp Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ:
1. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc góp ý nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập, văn bản, hợp đồng theo sự phân công của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Tham mưu, tư vấn những vấn đề pháp lý về tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo sự phân công của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị.
3. Phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập cho viên chức, người lao động.
4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 44.3.NĐ.12. Pháp chế viên và người đứng đầu tổ chức pháp chế
(Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/7/2024)
1. Pháp chế viên và tiêu chuẩn người đứng đầu tổ chức pháp chế
a) Pháp chế viên là công chức pháp chế, được bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế theo quy định của pháp luật;
b) Ngạch pháp chế viên bao gồm pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp;
c) Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên: là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; có trình độ cử nhân luật trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; có ít nhất 02 (hai) năm được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định này, không kể thời gian tập sự;
d) Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên chính: là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; có trình độ cử nhân luật trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; có thời gian giữ ngạch pháp chế viên hoặc tương đương tối thiểu là 09 (chín) năm; trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ pháp chế viên lên pháp chế viên chính hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
đ) Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên cao cấp: là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; có trình độ cử nhân luật trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; có thời gian giữ ngạch pháp chế viên chính hoặc tương đương tối thiểu là 06 (sáu) năm; trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ pháp chế viên chính lên pháp chế viên cao cấp hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
e) Tiêu chuẩn của người đứng đầu tổ chức pháp chế:
Người đứng đầu Vụ hoặc Cục hoặc Ban thực hiện công tác pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục và tương đương phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; các tiêu chuẩn của pháp chế viên quy định tại điểm c khoản này; đã được bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên trở lên; trường hợp là pháp chế viên, sau khi bổ nhiệm vào ngạch phải có ít nhất 03 (ba) năm được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định này.
Người đứng đầu Phòng hoặc tương tương thực hiện công tác pháp chế ở các đơn vị thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục và tương đương, Cục và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; các tiêu chuẩn của pháp chế viên quy định tại điểm c khoản này; đã được bổ nhiệm ngạch pháp chế viên trở lên; trường hợp là pháp chế viên, sau khi bổ nhiệm vào ngạch phải có ít nhất 01 (một) năm được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định này.
Trường hợp luân chuyển, điều động người đứng đầu tổ chức, đơn vị khác sang giữ vị trí người đứng đầu tổ chức pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục và tương đương, Cục và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì người được luân chuyển, điều động phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 03 (ba) năm được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế. Trường hợp chưa có trình độ cử nhân luật trở lên thì trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày được luân chuyển, điều động, người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế;
g) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ quy định tại các điểm c, d, đ, e khoản này và pháp luật có liên quan quyết định chức danh pháp chế, tiêu chuẩn chức danh pháp chế và người đứng đầu tổ chức pháp chế trong quân đội nhân dân, công an nhân dân.
2. Công chức, cán bộ và viên chức pháp chế quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Nghị định này được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.
3. Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập vận dụng tiêu chuẩn, chế độ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này để lựa chọn, bố trí, sử dụng và quyết định các chế độ đối với người làm công tác pháp chế.”.
Huỳnh Hữu Phương