Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Phòng, chống rửa tiền
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Phòng, chống rửa tiền

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Phòng, chống rửa tiền (Đề mục 6 Chủ đề 22. Ngân hàng, tiền tệ) theo quy định. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Phòng, chống rửa tiền, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định Đề mục có 04 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và 17 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục Phòng, chống rửa tiền có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, gồm 04 chương với 66 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật.
Đề mục Phòng, chống rửa tiền có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh (Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền); Đối tượng áp dụng (Đối tượng áp dụng Luật Phòng, chống rửa tiền bao gồm: Tổ chức tài chính; Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan); Giải thích từ ngữ; Đối tượng báo cáo (Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau: Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Dịch vụ trung gian thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;  Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền. Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược; Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; Kinh doanh kim khí quý, đá quý; Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý); Nguyên tắc trong phòng, chống rửa tiền (Việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; Hành vi rửa tiền phải được xử lý theo quy định của pháp luật; Biện pháp phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời); Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền (Định kỳ 05 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền).
- Chương II gồm 4 mục quy định về biện pháp phòng, chống rửa tiền, cụ thể:
+ Mục 1 quy định về nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng như Nhận biết khách hàng (Tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp: Tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp; Khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản; Nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; Nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó. Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau: Tổ chức, cá nhân Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng, trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet, casino, xổ số, đặt cược phải nhận biết khách hàng khi khách hàng có giao dịch có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản phải nhận biết khách hàng khi cung cấp dịch vụ kinh doanh bất động sản; Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý, đá quý phải nhận biết khách hàng khi cung cấp dịch vụ kinh doanh bất động sản; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán, dịch vụ công chứng, dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải nhận biết khách hàng khi kinh doanh dịch vụ kế toán, thực hiện thủ tục công chứng, thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất, quản lý tiền, chứng khoán hoặc tài sản khác của khách hàng, quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán, điều hành, quản lý công ty, tham gia vào hoạt động mua, bán doanh nghiệp; Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba, dịch vụ thỏa thuận pháp lý phải nhận biết khách hàng khi cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý); Thông tin nhận biết khách hàng; Cập nhật thông tin nhận biết khách hàng; Xác minh thông tin nhận biết khách hàng; Xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác; Nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba; Đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo (Đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền. Kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo phải được cập nhật hằng năm); Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền (Căn cứ kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền, đối tượng báo cáo xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền bao gồm cả việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng); Trách nhiệm của đối tượng báo cáo liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; Quan hệ ngân hàng đại lý (Đối tượng báo cáo là ngân hàng khi thiết lập quan hệ với ngân hàng đối tác để cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác cho ngân hàng đối tác phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Thu thập thông tin về ngân hàng đối tác để hiểu biết đầy đủ về bản chất kinh doanh, uy tín của ngân hàng đối tác và thông tin về việc ngân hàng đối tác có bị điều tra về rửa tiền hoặc các vi phạm pháp luật khác về phòng, chống rửa tiền; Đánh giá việc thực hiện các biện pháp về phòng, chống rửa tiền của ngân hàng đối tác; Hiểu rõ về trách nhiệm phòng, chống rửa tiền của ngân hàng đối tác trong quan hệ ngân hàng đại lý); Trách nhiệm của đối tượng báo cáo đối với sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới; Giám sát một số giao dịch đặc biệt (Đối tượng báo cáo phải giám sát đối với giao dịch đặc biệt sau đây: Giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp theo quy định của Chính phủ; Giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc Danh sách cảnh báo); Minh bạch thông tin của pháp nhân; Minh bạch thông tin của pháp nhân; Minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận.
+ Mục 2 quy định về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về phòng, chống rửa tiền như Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (Đối tượng báo cáo là tổ chức phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Quy định nội bộ phải bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền; phù hợp với cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động của đối tượng báo cáo và được áp dụng, phổ biến trong toàn hệ thống và đại lý của đối tượng báo cáo); Báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; Báo cáo giao dịch đáng ngờ (Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi biết giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo, người bị kết án và có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của bị can, bị cáo, người bị kết án đó. Việc xác định bị can, bị cáo, người bị kết án theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được xác định từ việc xem xét, thu thập và phân tích thông tin khi khách hàng, giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu đáng ngờ quy định tại các điều 27, 28, 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật Phòng, chống rửa tiền và có thể từ các dấu hiệu khác do đối tượng báo cáo xác định); Các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản (Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán; Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch; Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo; Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo; Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thu nhập của tổ chức, cá nhân này; Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật); Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng; Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trung gian thanh toán; Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán; Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng; Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; Giao dịch chuyển tiền điện tử; Khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới; Hình thức báo cáo; Thời hạn báo cáo; Lưu trữ thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; Trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; Bảo đảm bí mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo.
+ Mục 3 quy định về thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền như Thu thập, xử lý và phân tích thông tin về phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu cần thiết để thực hiện phân tích, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử); Trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước (Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền, trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử); Trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi yêu cầu đến cơ quan phòng, chống rửa tiền và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để thu thập, bổ sung thông tin phục vụ cho việc xử lý, phân tích và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền; tiếp nhận thông tin phản hồi, thông tin chuyển giao của cơ quan phòng, chống rửa tiền, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và xử lý thông tin nhận được theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền).
+ Mục 4 quy định về áp dụng các biện pháp tạm thười và xử lý vi phạm như Trì hoãn giao dịch (Đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp: Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen; Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố; Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan); Phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản; Xử lý vi phạm (Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật).
- Chương III quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền như Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Trách nhiệm của Bộ Tài chính; Trách nhiệm của Bộ Xây dựng; Trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Trách nhiệm của Bộ Công Thương; Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trách nhiệm của Bộ Nội vụ; Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao; Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Trách nhiệm của các Bộ, ngành khác; Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân; Trách nhiệm của Tòa án nhân dân; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm bảo mật thông tin.
- Chương IV quy định về điều khoản thi hành như Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến phòng, chống rửa tiền; Áp dụng quy định của Luật này trong phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Hiệu lực thi hành (Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2023).
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Phòng, chống rửa tiền đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về phòng, chống rửa tiền đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Phòng, chống rửa tiền còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau.
Chung nhan Tin Nhiem Mang