Nguyên tắc là những điều cơ bản được định ra, nhất thiết phải thực hiện, tuân thủ. Việc xây dựng Bộ pháp điển của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền do đó cần thực hiện theo những nguyên tắc nhất định để bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, chính xác. Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh pháp điển, việc thực hiện pháp điển phải tuân thủ 04 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc thứ nhất, không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển.
Như vậy, nội dung các quy phạm pháp luật của văn bản đưa vào Bộ pháp điển được giữ nguyên mà không được chỉnh sửa. Không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển hay nói cách khác là tính chính xác, đầy đủ của các quy phạm pháp luật trong đề mục là nội dung quan trọng nhất để Hội đồng thẩm định xem xét việc thông qua kết quả pháp điển của mỗi đề mục. Nội dung các quy phạm pháp luật ở đây là nội dung toàn văn của điều được sắp xếp vào đề mục bao gồm cả số, tên và nội dung quy định được chứa đựng. Ví dụ:
Điều 1 Luật số 05/2011/QH13 cơ yếu ngày 26/11/2011 của Quốc hội như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cơ yếu.”
Điều 1 Luật cơ yếu năm 2011 được pháp điển vào đề mục Cơ yếu thuộc chủ đề An ninh quốc gia (Đề mục số 7 thuộc Chủ đề số 1) như sau:
Điều 1.7.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Luật số 05/2011/QH13 Cơ yếu ngày 26/11/2011 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012)
Luật này quy định về hoạt động cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cơ yếu.
Theo đó, số, tên, và nội dung quy định của Điều 1 Luật cơ yếu năm 2011 được giữ nguyên và sắp xếp vào Bộ pháp điển bằng cách đánh số thứ tự “Điều 1.7.LQ.”(là các thông tin về Số thứ tự của chủ đề; số thứ tự của đề mục; ký hiệu về hình thức của văn bản được pháp điển; kố thứ tự của văn bản đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nếu có) và được ghi chú cụ thể về nguồn gốc của Điều (số thứ tự của điều trong văn bản được pháp điển; số, ký hiệu, tên, ngày tháng năm ban hành, cơ quan ban hành và thời điểm có hiệu lực của văn bản) để người sử dụng dễ tra cứu, tìm kiếm.
Nguyên tắc thứ hai, theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của quy phạm pháp luật từ cao xuống thấp.
Như vậy, những quy định trong văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn sẽ được sắp xếp trước quy định trong văn bản có giá trị pháp lý thấp hợp. Theo quy định của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP thì đơn vị nhỏ nhất của văn bản được bóc tách ra để pháp điển vào Bộ pháp điển là theo điều. Như vậy, các điều quy định về cùng một nội dung khi đưa vào Bộ pháp điển cần được sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của quy phạm pháp luật từ cao xuống thấp.
Tuy nhiên, trong một đề mục, trừ văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất thì các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có thể có nhiều văn bản cùng giá trị hiệu lực pháp lý. Trường hợp các điều này thuộc các văn bản quy phạm pháp luật có cùng cấp hiệu lực thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành của văn bản.
Ví dụ: Đề mục Cơ yếu có các điều về trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu được sắp xếp sau Điều 6 của Luật cơ yếu theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản như sau:
Điều 1.7.LQ.6. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu
(Điều 6 Luật số 05/2011/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2012)
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Cơ yếu Chính phủ.
3. Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.
4. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện quản lý về cơ yếu thuộc phạm vi mình phụ trách.
5. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu.
6. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu theo sự phân cấp của Chính phủ.
Điều 1.7.NĐ.1.21. Trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ
(Điều 21 Nghị định số 73/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/06/2007)
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý mật mã dân sự, dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm mật mã dân sự, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện.
2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách mật mã quốc gia, chiến lược phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ mật mã dân sự.
3. Tổ chức bộ máy quản lý, đăng ký, thẩm định, đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự và cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự.
4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động nghiên cứu mật mã dân sự, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự theo thẩm quyền.
5. Hợp tác quốc tế về mật mã dân sự.
Điều 1.7.NĐ.1.22. Trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Điều 22 Nghị định số 73/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/06/2007)
1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội trong hoạt động nghiên cứu mật mã dân sự, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ mật mã dân sự; thẩm định và công bố Tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm mật mã dân sự; thẩm định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm mật mã dân sự.
3. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: danh mục hàng hóa, dịch vụ mật mã dân sự thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; danh mục các sản phẩm mật mã dân sự được xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp vời Ban Cơ yếu Chính phủ quy định mức thu và chế độ quản lý, sử dụng đối với phí, lệ phí liên quan đến việc thẩm định, đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự và cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm mật mã dân sự và Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự.
5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự theo quy định của pháp luật.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự tại địa phương theo các quy định của Nghị định này.
Điều 1.7.TL.2.15. Trách nhiệm của các Bộ liên quan
(Điều 15 Thông tư liên tịch số 11/2014/TTLT-BQP-BNV -BLĐTBXH-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/04/2014)
1. Bộ Quốc phòng
a) Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Chương IV Nghị định số 32/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này;
b) Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu tại Ban Cơ yếu Chính phủ quy định tại Chương IV Nghị định số 32/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
2. Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Chương IV Nghị định số 32/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
3. Bộ Tài chính
a) Căn cứ đề nghị của Bộ, ngành, địa phương có sử dụng người làm công tác cơ yếu, tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp một lần quy định tại Chương IV Nghị định số 32/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Chương IV Nghị định số 32/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
4. Các Bộ, ngành, địa phương có sử dụng người làm công tác cơ yếu
a) Tổ chức phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, thực hiện chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu quy định tại Chương IV Nghị định số 32/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh tại Bộ, ngành, địa phương;
b) Hàng năm, lập dự toán ngân sách bảo đảm, chi trả chế độ trợ cấp cho người làm công tác cơ yếu theo quy định tại Chương IV Nghị định số 32/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
Nguyên tắc thứ ba, cập nhật quy phạm pháp luật mới được ban hành vào Bộ pháp điển và loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển.
hư vậy, các quy phạm pháp luật trong Bộ pháp điển khi được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ, thay thế thì các cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp để kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới được ban hành vào Bộ pháp điển và loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển.
Bộ pháp điển là tập hợp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực áp dụng, do đó việc kịp thời loại bỏ các quy định hết hiệu lực và cập nhật các quy phạm pháp luật mới ban hành là rất quan trọng. Điều 16 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP đã quy định rõ về việc xác định quy phạm pháp luật mới ban hành như sau: “quy phạm pháp luật mới ban hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là các quy phạm pháp luật được ban hành sau ngày có kết luận của Hội đồng thẩm định đối với kết quả pháp điển theo đề mục”. Những quy phạm pháp luật ban hành trước ngày có kết luận của Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển theo đề mục đều không phải quy phạm pháp luật mới và phải đảm bảo được bổ sung vào kết quả pháp điển. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật “kết luận của Hội đồng thẩm định phải được gửi cho cơ quan thực hiện pháp điển trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định”, thì những quy phạm pháp luật ban hành từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thẩm định đến ngày có kết luận của Hội đồng thẩm định không phải là quy phạm pháp luật mới. Đối với những trường hợp này, cơ quan thực hiện pháp điển phải bổ sung kết quả pháp điển gửi Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định theo quy định.
Cơ quan thực hiện pháp điển thực hiện cập nhật quy phạm pháp luật mới chậm nhất là 20 ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới ban hành có hiệu lực, cụ thể như sau:
- Trường hợp có văn bản mới ban hành sửa đổi, bổ sung nội dung trong phạm vi từng điều của văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung của điều trong Bộ pháp điển được sửa đổi, bổ sung; vị trí và nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
- Trường hợp có văn bản bổ sung điều mới vào văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí, nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
- Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản đã được pháp điển hoặc bãi bỏ toàn bộ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ trong Bộ pháp điển và ghi rõ lý do hủy bỏ, bãi bỏ.
- Trường hợp có văn bản mới thay thế toàn bộ văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển, xây dựng lại đề mục theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
- Trường hợp có văn bản mới thay thế văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và các nội dung trong Bộ pháp điển bị thay thế; vị trí và nội dung của các quy phạm pháp luật mới trong Bộ pháp điển, đánh số, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định các quy phạm pháp luật có liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
- Trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục bị bãi bỏ toàn bộ mà không có văn bản thay thế thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển và đề nghị Bộ Tư pháp loại bỏ đề mục khỏi Bộ pháp điển.
Ngoài ra, trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành chưa thuộc đề mục đã có trong Bộ pháp điển, cơ quan có thẩm quyền theo Điều 4 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đề xuất tên đề mục, vị trí của đề mục gửi Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung đề mục và phân công cơ quan thực hiện theo quy định.
Nguyên tắc thứ tư, tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển.
Như vậy, việc thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật phải được bảo đảm đúng theo quy định của Pháp lệnh pháp điển và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan thực hiện pháp điển cũng như trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển. Đây cũng là 1 trong các nội dung chính để Hội đồng thẩm định xem xét thông qua kết quả pháp điển theo đề mục.
Tuy nhiên, một số quy định về thủ tục hành chính khi triển khai thực hiện pháp điển có thể gây trậm trễ, phức tạp, lãng phí trong quá trình thực hiện pháp điển cần được rút gọn hoặc đơn giản hóa như thủ tục ký xác thực kết quả pháp điển. Theo quy định hiện nay, để hoàn thành 01 đề mục trình Chính phủ thông qua thì các cơ quan thực hiện pháp điển phải ký xác thực và đóng dấu ít nhất 02 lần. Có trường hợp phải ký xác thực, đóng dấu nhiều hơn - thậm chí 4,5 lần (mỗi lần ký xác thực và đóng dấu có thể là một hoặc nhiều cơ quan có trách nhiệm ký và đóng dấu nên rất phức tạp, mất nhiều thời gian). Cụ thể các lần ký:
Đối với một đề mục có thể do một hoặc nhiều bộ, ngành có thẩm quyền, trách nhiệm cùng phối hợp thực hiện (trong đó có một bộ, ngành chủ trì chịu trách nhiệm chung của cả đề mục, các bộ, ngành còn lại chủ trì thực hiện pháp điển các QPPL theo thuộc đề mục theo thẩm quyền quy định tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển). Như vậy, các bộ, ngành phải ký xác thực và đóng dấu vào kết quả pháp điển phần của bộ, ngành mình; bộ, ngành chủ trì chung có trách nhiệm ký xác thực và đóng dấu vào kết quả pháp điển cả đề mục trước khi gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Sau khi nhận được Hồ sơ kết quả pháp, Bộ Tư pháp có trách nhiệm nghiên cứu trước, trường hợp có nội dung chưa rõ thì trao đổi và thống nhất lại với bộ, ngành chủ trì thực hiện pháp điển. Như vậy, trường hợp này phải chỉnh lý lại thì các bộ, ngành thực hiện pháp điển có trách nhiệm ký xác thực và đóng dấu lại và gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Sau khi thẩm định, các bộ, ngành có trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, ký xác thực và đóng dấu theo quy định và gửi Bộ Tư pháp để trình Chính phủ thông qua. Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Trường hợp các bộ, ngành tiếp thu, chỉnh lý chưa đúng ý kiến của Hội đồng thẩm định thì Bộ Tư pháp yêu cầu các bộ, ngành thực hiện pháp điển tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, ký xác thực và đóng dấu.
Trong khi đó, Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp để thẩm định phải có Công văn đề nghị thẩm định của bộ, ngành chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục và các công văn của các bộ, ngành chủ trì thực hiện pháp điển thành phần về việc gửi kết quả pháp điển để bộ, ngành chủ trì tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển. Như vậy, Thủ trưởng các bộ, ngành thực hiện pháp điển đã khẳng định kết quả pháp điển thành phần và kết quả pháp điển cả đề mục được thực hiện đúng quy định. Do đó, việc ký xác thực và đóng dấu vào kết quả pháp điển thành phần hay cả đề mục không có ý nghĩa. Hơn nữa, việc ký xác thực và đóng dấu phải thay đổi nhiều lần như vậy phản ánh về giá trị việc ký của thủ trưởng các bộ, ngành không cao. Do đó, việc ký xác thực và đóng dấu vào kết quả pháp điển trước thẩm định là không cần thiết. Bộ Tư pháp đề nghị sửa quy định để các bộ, ngành không phải ký xác thực và đóng dấu vào kết quả pháp điển trước thẩm định - chỉ ký xác thực và đóng dấu vào kết quả pháp điển sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định.