Công tác xây dựng Bộ pháp điển là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của ngành Tư pháp
Sign In

Tin hoạt động

Công tác xây dựng Bộ pháp điển là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của ngành Tư pháp

Ngày 20/12/2017 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã phê duyệt Quyết định số 2691/QĐ-BTP về việc công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp trong đó có sự kiện “Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật vượt tiến độ, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp”. Đây là thành tựu đáng mừng của Bộ Tư pháp và 26 bộ, ngành khác trong công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Ngày 16/4/2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước. Theo đó, Bộ pháp điển được cấu trúc gồm 45 chủ đề. Trong đó, mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 265 đề mục thuộc 45 chủ đề theo Quyết định số 843/QĐ-TTg, ngày 06/6/2014, Thủ tướng Chính phủ). Trong mỗi đề mục có thể có các phần, chương, mục, điều, khoản, điểm và nội dung các QPPL được đưa vào bởi các văn bản sử dụng để pháp điển. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất thuộc đề mục.
Trong thời gian qua, với hệ thống thể chế đầy đủ và toàn diện, công tác pháp điển đã từng bước được thực hiện bài bản và đi sâu về chất lượng. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã phân công các đơn vị chuyên môn trực thuộc có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp điển; kịp thời bố trí nhân sự, kinh phí phù hợp cho đơn vị đầu mối cũng như đơn vị làm công tác pháp điển; xây dựng các văn bản chỉ đạo, quy định nội bộ nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai công tác này được thuận lợi, hiệu quả; thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển ít, đơn giản, có tính ổn định và các đề mục có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp... Qua đó góp phần bảo đảm kết quả pháp điển chất lượng, hiệu quả, tiến độ.
Theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, Bộ pháp điển được xây dựng trong 10 năm (2014 - 2023). Theo đó, Giai đoạn 1(2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2017 - 2020) hoàn thành 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục. Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 67/243 đề mục. Trong đó, Chính phủ đã thông qua 36 đề mục (Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017); Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ xem xét, thông qua thêm 31 đề mục). Theo Kế hoạch công tác, các bộ, ngành đang thực hiện pháp điển và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 thêm khoảng 50 đề mục. Với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp  điển có thể “về đích sớm” so với lộ trình đề ra (phấn đấu hoàn thành vào năm 2021). Qua việc pháp điển 67/265 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 2 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 10 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, góp phần phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Ngay sau khi Chính phủ thông qua Kết quả pháp điển đối với 36 đề mục, Bộ Tư pháp đã kịp thời cập nhật vào Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (http://phapdien.moj.gov.vn) để các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng đồng thời thực hiện một số hoạt động nhằm sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống như: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển. Tổ chức các Hội nghị, Tọa đàm về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển trong các lĩnh vực: Đầu tư; Đất đai; Doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản gửi tổ các bộ, ngành, địa phương nhằm giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tích hợp Bộ pháp điển điện tử trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan mình. Qua theo dõi, Bộ Tư pháp thấy rằng Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Điều đó có thể được chứng minh qua việc đến nay đã có hơn 1 triệu lượt truy cập vào Bộ pháp điển (trung bình có khoảng gần 3 nghìn lượt truy cập mỗi ngày).
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang