Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đ/c Đồng Ngọc Ba đã nêu rõ thực trạng hệ thống văn bản QPPL hiện nay khá cồng kềnh (với khoảng 10.000 văn bản ở cấp Trung ương), mỗi lĩnh vực lại được quy định tản mạn trong rất nhiều văn bản khiến cho việc tiếp cận quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức gặp nhiều khó khăn. Trong rất nhiều nỗ lực nhằm khắc phụ tình trạng nêu trên, Chính phủ đã trình UBTVQH thông qua Pháp lệnh Pháp điển nhằm xây dựng Bộ pháp điển - là nơi rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp. Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 Chủ đề và 265 Đề mục - mỗi đề mục chứa đựng QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Hiện nay, Chính phủ đã thông qua 36/265 đề mục để chính thức đưa vào khai thác, sử dụng trên mạng internet, trong đó có đề mục Đầu tư. Đây được xem là đề mục quan trọng, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Mục đích của pháp điển là giúp pháp luật đi vào cuộc sống một cách thuận lợi hơn. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kết quả pháp điển đề mục Đầu tư được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, nhà nước có thẩm quyền.
|
|
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe Đ/c Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL giới thiệu tổng quan về kết quả pháp điển đề mục Đầu tư. Theo đó, đề mục Đầu tư có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Đầu tư năm 2014 (Luật sửa đổi Luật Đầu tư không làm thay đổi cấu trúc của đề mục) và được pháp điển từ 11 văn bản QPPL điều chỉnh trong lĩnh vực này (gồm 01 Luật, 04 Nghị định, và 06 Thông tư). Đặc biệt, Đ/c đã tập trung giới thiệu cho các đại biểu tham dự hội nghị về những nội dung cơ bản của đề mục đầu tư và một số vấn đề trong việc xác định phạm vi văn bản QPPL thực hiện pháp điển vào đề mục, cụ thể là các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong từng lĩnh vực.
|
|
Trình bày về quá trình pháp điển các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, dưới góc độ tiếp cận pháp điển theo nội dung, Đ/c Phạm Tuấn Anh - Vụ pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khó khăn, vướng mắc lớn nhất đó là việc yêu cầu đưa các ngành, lĩnh vực cấm, hạn chế đầu tư kinh doanh vào Danh mục ban hành kèm theo Luật Đầu tư đòi hỏi phải sửa đổi một loạt các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan đến điều kiện đầu tư. Lĩnh vực cấm đầu tư kinh doanh và lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định rải rác ở rất nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành, nhiều điều kiện đầu tư đang được quy định tại Thông tư hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, có nhiều thách thức trong việc bảo đảm thực thi quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn được lắng nghe Đ/c Nguyễn Bích Thủy - Cục Kiểm tra văn bản QPPL trình bày nội dung chuyên sâu về các vấn đề vướng mắc giữa quy định của Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành, cụ thể là Luật Đất đai 2014; Luật Nhà ở 2014; Luật Khoa học và công nghệ 2013; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Đấu thầu 2013...
Sau khi lắng nghe phần trình bày của các báo cáo viên tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đánh giá Bộ pháp điển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực tiễn tra cứu, tìm kiếm QPPL của mọi cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, còn có đại biểu băn khoăn về tính hiệu lực, chính xác, kịp thời của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển; sự kiểm duyệt, cập nhật các văn bản như thế nào? để tạo niềm tin hơn cho người tra cứu, bởi Bộ pháp điển chỉ mới được đưa vào sử dụng và còn ít người biết đến.
Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã khẳng định lại ý nghĩa, vai trò, mục tiêu của Bộ pháp điển. Bộ pháp điển đã phần nào cụ thể hóa Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đó là
xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch. Đồng thời, Đ/c cũng đánh giá về độ tin cậy, tính chính xác của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển để các cá nhân, tổ chức có thể yên tâm tra cứu. Đ/c hy vọng thông qua việc sử dụng, khai thác các cá nhân, tổ chức có thể góp ý để hoàn thiện hơn Bộ pháp điển, đặc biệt hướng tới việc thực hiện pháp điển về mặt nội dung trong tương lai.