Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu về vai trò, ý nghĩa cũng như thông tin khái quát về công tác xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật Việt Nam với số lượng lớn và phức tạp thì việc xây dựng Bộ pháp điển là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Bộ pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực; bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống QPPL; tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cho đến nay, Bộ pháp điển đã cơ bản hoàn thành. Các đề mục đã được Chính phủ thông qua được đăng trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn).
|
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp điển còn một số hạn chế, khó khăn trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, số lượng truy cập Bộ pháp điển hiện nay còn khiêm tốn so với nhu cầu tra cứu tìm kiếm các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển còn bất cập, chưa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới…
Ngày 02/02/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ban hành Quyết định số 143/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”. Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026 với các mục tiêu cụ thể nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Bộ pháp điển hiện nay với 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: (1) Rà soát, hoàn thiện Bộ pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định; (2) Tổ chức nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển sắp xếp hợp lý, khoa học hơn, thuận lợi trong tra cứu; (3) Tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển hiệu quả, chất lượng; (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; (5) Tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương bố trí điều kiện bảo đảm, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển hiệu quả, chất lượng tại Đề án. Thực hiện nhiệm vụ trên, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh tham mưu Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tổ chức triển khai thực hiện các công việc sau:
- Tích cực phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, kết quả pháp điển đến công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, qua đó, từng bước thay đổi thói quen tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật trong các văn bản QPPL và phát huy hiệu quả của Bộ pháp điển trong quá trình thực hiện giải quyết công việc thường ngày của cơ quan, đơn vị.
- Lồng ghép nội dung về khai thác, sử dụng Bộ pháp điển vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương (tham khảo tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giới thiệu Bộ pháp điển tại Mục Hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển theo đường link truy cập:
https://phapdien.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/huong-dan-su-dung-bo-phap-dien.aspx?ItemID=4).
- Tổ chức các Lớp tập huấn đối với Báo cáo viên pháp luật và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, giới thiệu về Bộ pháp điển và cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển để các tập huấn viên sẽ là các báo cáo viên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển tại cơ quan, địa phương mình.
- Tích hợp Bộ pháp điển điện tử (địa chỉ: https://phapdien.moj.gov.vn) trên Cổng thông tin điện tử của địa phương, Trang thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trong quá trình giải quyết công việc tại các cơ quan, đơn vị.
Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu và hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển theo cấu trúc, chủ đề, đề mục, danh mục văn bản và tra cứu theo từ khóa.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã đánh giá cao về sự cần thiết xây dựng Bộ pháp điển và ghi nhận Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Pháp điển một cách hiệu quả, chất lượng, vượt tiến độ đề ra giúp Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có một số ý kiến đề xuất Bộ Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện trong giai đoạn tới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của Bộ pháp điển.
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng mong muốn các đại biểu tích cực khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, giới thiệu, lan tỏa Bộ pháp điển đến đồng nghiệp để Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống, đồng thời, tham gia góp ý thêm để Bộ pháp điển tiếp tục được hoàn thiện, trở thành kênh tra cứu, áp dụng pháp luật hiệu quả dành cho các cán bộ, công chức, viên chức, luật sư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh./.