Văn phòng Quốc hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
Sign In

Tin hoạt động

Văn phòng Quốc hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

Sáng ngày 28/03/2017, tại Hà Nội, Vụ Tổng hợp của Văn phòng Quốc hội đã chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL). Tham dự buổi tập huấn có Đ/c Trần Thị Kim Chung - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội cùng các cán bộ, công chức của Vụ.

Theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo từng đề mục, Văn phòng Quốc hội được giao chủ trì thực hiện pháp điển đối với 06 đề mục gồm: Bầu cử đại biểu Quốc hội; Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Hoạt động giám sát của Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn; Hoạt động chữ thập đỏ. Tuy nhiên, năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nên đề mục Bầu cử đại biểu Quốc hội và đề mục Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được thay thế bằng đề mục Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Như vậy, Văn phòng Quốc hội chỉ phải thực hiện pháp điển 05 đề mục. Triển khai thực hiện công tác này, ngày 07/10/2014, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ban hành Kế hoạch số 2296/KH-VPQH, trong đó giao Vụ Tổng hợp chủ trì triển khai thực hiện công tác pháp điển của Văn phòng Quốc hội.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu được nghe đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPP, Bộ Tư pháp giới thiệu tổng thể về Bộ pháp điển, công tác xây dựng Bộ pháp điển cũng như quy trình, kỹ thuật thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục. Trong đó, đồng chí Nguyễn Duy Thắng tập trung hướng dẫn quy trình cũng như kỹ thuật đối với 05 đề mục do Văn phòng Quốc hội chủ trì như: Cách xây dựng Kế hoạch thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục; Cách thu thập văn bản để pháp điển; Thực hiện rà soát xác định các QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế để xử lý, kiến nghị xử lý trước khi tiến hành thực hiện pháp điển; Thực hiện pháp điển; Hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển sau thẩm định để gửi Bộ Tư pháp trình Chính phủ thông qua theo quy định. Về kỹ thuật pháp điển, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu chi tiết cách sắp xếp các điều, cách ghi chú, chỉ dẫn trong Bộ pháp điển, đặc biệt hướng dẫn pháp điển một số trường hợp đặc thù mà pháp luật chưa quy định cụ thể. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Duy Thắng lưu ý các trường hợp đặc thù đối với quy trình cũng như kỹ thuật thực hiện pháp điển các đề mục do Văn phòng Quốc hội thực hiện như: Văn phòng Quốc hội cần phối hợp với các cơ quan khác trong việc xác định văn bản có nội dung thuộc đề mục là các tổ chức hội, các cơ quan liên quan đến phạm vi điều chỉnh của đề mục như Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam; Tổng liên Đoàn lao động Việt Nam; Trung ương hội chữ thập đỏ Việt Nam… hay kỹ thuật pháp điển trong trường hợp pháp điển Nghị quyết của Quốc hội vào đề mục có văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là luật…
Ngoài ra, tại buổi tập huấn, đồng chí Nguyễn Duy Thắng cũng đã giới thiệu qua về những tính năng, cách sử dụng Phần mềm pháp điển như: Quản lý danh sách chủ đề; phân công xây dựng đề mục; quản trị danh mục Cơ quan, đơn vị; quản trị danh mục loại văn bản; quản trị danh mục loại cấu trúc; quản trị người dùng hệ thống; quản trị nhật ký hệ thống; phân công pháp điển đề mục; phối hợp phân công pháp điển văn bản QPPL; quản lý kiến nghị xử lý quy phạm pháp luật không phù hợp; theo dõi kiểm tra các kết quả pháp điển tại Bộ, ngành; quản trị người dùng hệ thống; quản trị vai trò; quản trị phân quyền người dùng; quản trị nhật ký hệ thống; thu thập và xử lý văn bản; phân công pháp điển văn bản QPPL; quản lý hồ sơ kết quả pháp điển… Tại buổi tập huấn, các đại biểu tham dự cũng đã có những trao đổi với báo cáo viên về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp điển đối với văn bản hợp nhất, văn bản ban hành kèm theo...
Kết thúc buổi tập huấn, lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện pháp điển và khẳng định đây là nhiệm vụ mới, khó trong một buổi không thể truyền tải được hết được những kỹ thuật pháp điển. Vì vậy, trong thời gian tới đề nghị các cán bộ, công chức cần tập trung phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện pháp điển các đề mục để bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Nguyễn Thị Trà
Chung nhan Tin Nhiem Mang