Cập nhật quy phạm pháp luật mới vào đề mục Bảo vệ môi trường với Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật quy phạm pháp luật mới vào đề mục Bảo vệ môi trường với Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg

 
          Ngày 24 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu (Quyết định này do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2021 - thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 và Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013).
          Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thể thức gồm 03 điều (Điều 1 quy định về việc ban hành kèm theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; Điều 2 quy định thời điểm Quyết định có hiệu lực thi hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Điều 3 quy định về các chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện), trong đó chính yếu là Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu được ban hành kèm theo Quyết định này.
          Căn cứ theo nguyên tắc pháp điển được quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Quốc phòng đã thực hiện cập nhật các điều mới của Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg vào đề mục Bảo vệ môi trường (Đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 21 của Bộ pháp điển) theo quy định – thay thế các điều của Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg trước đó trong kết quả pháp điển đề mục Bảo vệ môi trường (loại bỏ các quy định đã hết hiệu lực, được thay thế của 02 Quyết định này ra khỏi đề mục Bảo vệ môi trường theo quy định).
          Cụ thể, các điều của Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg (có ký hiệu được mã hóa trong kết quả pháp điển đề mục Bảo vệ môi trường là QĐ.25) được cập nhật  vào Chương V về bảo vệ môi trường biển và hải đảo và sau Điều 21.1.LQ.49 (Điều 21.1.QĐ.25.1 - Ban hành kèm theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu) và Chương XX về điều khoản thi hành (sau Điều 21.1.QĐ.24.3), cụ thể được thể hiện trong kết quả pháp điển của đề mục Bảo vệ môi trường như sau:
          "Điều 21.1.QĐ.25.1.
          Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
          (Điều 1 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ngày 24/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/05/2021 )
          Điều 21.1.QĐ.25.2.
          (Điều 2 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/05/2021)
          Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5 năm 2021, thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
          Điều 21.1.QĐ.25.3.
          (Điều 3 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/05/2021)
          Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
          Theo đó, một số quy định của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg được đính kèm theo Điều 21.1.QĐ.25.1 đã nêu ở trên mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu cần đặc biệt chú ý:
- Quy chế quy định nội dung và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.
- Quy chế áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự cố tràn dầu và thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.
- Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố tràn dầu (viết tắt là Đầu mối liên lạc quốc gia) là Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là cơ quan thường trực) chịu trách nhiệm nhận, chuyển phát và xử lý các báo cáo khẩn cấp về các sự cố liên quan đến xăng, dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.
- DWT là trọng tải của tàu, sức chở lớn nhất được phép của tàu được tính bằng tấn.
- GT là tổng dung tích, là số đo dung tích của toàn bộ các không gian kín ở trên tàu bao gồm cả thể tích của ống khói.
          Theo Điều 5 quy định về phân cấp ứng phó sự cố tràn dầu của Quy chế, có 3 cấp. Theo đó, căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp và trong quá trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu ở các cấp này, cơ quan chủ trì hoặc chỉ huy hiện trường cần chủ động xử lý, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố, đề xuất các kiến nghị cần thiết đến cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đó là:
 + Cấp cơ sở:
 a) Sự cố tràn dầu xảy ra ở cơ sở: Chủ cơ sở tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường;
b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ không đủ tự ứng phó, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trợ giúp;
c) Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, Thủ trưởng các cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó.
+ Cấp khu vực:
a) Sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra chưa rõ nguyên nhân của các địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì và chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó;
          b) Đầu mối chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu là Ban Chỉ huy Phòng chống, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.
+ Cấp Quốc gia:
a) Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó;
          b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế.
Theo Điều 6 của Quy chế thì sự cố tràn dầu được phân loại thành 3 mức độ theo số lượng dầu tràn từ nhỏ, trung bình đến lớn: Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3 (tấn); Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 m3 (tấn) đến 500 m3 (tấn); Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 m3 (tấn). Việc phân loại mức độ sự cố tràn dầu như vậy nhằm để xây dựng kế hoạch ứng phó và xác định mức độ đầu tư trang thiết bị, nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời đối với các cấp độ ứng phó khác nhau.  Trên cơ sở đó, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện kế hoạch; hướng dẫn địa phương, cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục I và II ban hành kèm theo Quy chế). Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương, được cập nhập định kỳ hàng năm và trình phê duyệt lại 5 năm một lần. Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Khi có sự thay đổi các điều kiện dẫn đến thay đổi nội dung kế hoạch thì phải cập nhật bổ sung và cập nhật định kỳ hằng năm; khi có những thay đổi lớn làm tăng quy mô sức chứa vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch thì phải lập lại kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thẩm định, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt và thông báo đến Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án. Đối với các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ từ 50.000 m3 trở lên, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn hơn hoặc bằng 50.000 DWT xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (Đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt. Đối với các cảng tại địa phương, các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ dưới 50.000 m3, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng dưới 50.000 DWT xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (Đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hoặc cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt theo quy định (đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu không thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý). Kế hoạch được thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp thực hiện. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực xây dựng kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được phân công, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt. Các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên, các tàu khác không phải tàu chở dầu có tổng dung tích từ 400 GT trở lên, có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên tham gia vào việc chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển có kế hoạch chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Theo Điều 14 của Quy chế thì nội dung của báo cáo trong ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu cần có những nội dung về: Thời gian xảy ra hoặc phát hiện sự cố; Vị trí sự cố, tọa độ (nếu có); Loại dầu (dầu thô, dầu thành phẩm...); Ước tính khối lượng và tốc độ dầu tràn; Điều kiện thời tiết (sóng, gió, dòng chảy...); Công tác chuẩn bị ứng phó và dự kiến phương án triển khai; Các yêu cầu, đề nghị trợ giúp, cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu./.
Huỳnh Hữu Phương

Các tin khác

Cập nhật quy phạm pháp luật mới vào đề mục Giám định tư pháp đối với Thông tư số 01/2021/TT-BCT và Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Giáo dục Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về Phòng cháy và chữa cháy Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Năng lượng nguyên tử Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Phòng, chống tham nhũng
Chung nhan Tin Nhiem Mang