Ngày 28/01/2021, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 170/2016/TT-BQP ngày 30/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Đây là văn bản có nội dung thuộc đề mục Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, do Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện. Bộ Quốc phòng đã thực hiện pháp điển các QPPL mới tại các văn bản trên vào đề mục Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng theo thẩm quyền và theo quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, cụ thể các điều được cập nhật như sau:
1. Các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành được pháp điển vào Chương I và Chương VII của đề mục
Điều 25.12.TT.5.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Thông tư số 170/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 12/2021/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021)
Thông tư này quy định:
1. Cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương; phong, thăng quân hàm; giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp.
2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm; kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
Điều 25.12.TT.5.16. Hiệu lực thi hành
(Điều 2 Thông tư số 12/2021/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 170/2016/TT-BQP ngày 30 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ngày 28/01/2021 của Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021 )
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2021.
Điều 25.12.TT.5.17. Trách nhiệm thi hành
(Điều 3 Thông tư số 12/2021/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021)
Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Các quy định nội dung được pháp điển vào đề mục như sau:
Điều 25.12.TT.5.8a. Đối tượng, điều kiện kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ
(Điều 8a Thông tư số 170/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 12/2021/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021)
1. Đối tượng:
a) Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao đẳng trở lên đang đảm nhiệm các chức danh: Kỹ thuật viên, Nhân viên Kỹ thuật, Huấn luyện viên, Nghệ sĩ, Nhạc sĩ, Diễn viên làm việc đúng chuyên ngành đào tạo ở các cơ sở nghiên cứu, nhà trường, bệnh viện, trung tâm thể dục thể thao, đoàn nghệ thuật, nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng; đơn vị đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
b) Quân nhân chuyên nghiệp đang làm việc thuộc các chuyên ngành hẹp được đào tạo công phu hoặc chuyên ngành Quân đội chưa đào tạo được; thợ bậc cao.
c) Quân nhân chuyên nghiệp đang đảm nhiệm chức vụ chỉ huy, quản lý ở các nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng.
d) Quân nhân chuyên nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
2. Điều kiện:
Quân nhân chuyên nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đơn vị có biên chế và nhu cầu sử dụng;
b) Hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; chưa có người thay thế; tự nguyện tiếp tục phục vụ tại ngũ;
c) Có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
d) Có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi; tay nghề cao; chất lượng, hiệu quả công tác tốt.
Điều 25.12.TT.5.8b. Thời hạn kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ
(Điều 8b Thông tư số 170/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 12/2021/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021)
1. Thời hạn kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm so với hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm nhưng không quá tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh tăng theo lộ trình của Bộ luật Lao động.
2. Đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8a Thông tư này, nếu kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ thì thôi đảm nhiệm chức vụ chỉ huy, quản lý; trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
3. Trong thời gian kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quân nhân chuyên nghiệp không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 8a Thông tư này, thì đơn vị xét thôi phục vụ tại ngũ.
Điều 25.12.TT.5.8c. Chế độ được hưởng khi kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ
(Điều 8c Thông tư số 170/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 12/2021/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021)
Trong thời gian kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật.
Điều 25.12.TT.5.9. Thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm; kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
(Điều 9 Thông tư số 170/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 12/2021/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021)
1. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
a) Phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp;
b) Nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương từ 6,80 trở lên; thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;
c) Nâng loại quân nhân chuyên nghiệp;
d) Nâng lương, chuyển nhóm đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương từ 6,20 trở lên;
đ) Nâng loại công nhân quốc phòng, thăng hạng viên chức quốc phòng;
e) Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Thượng tá và đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8a, khoản 2 Điều 8b Thông tư này.
2. Thẩm quyền của Tổng Tham mưu trưởng:
a) Thực hiện thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 3 Điều này đối với Bộ Tổng Tham mưu và doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Quyết định phê duyệt danh sách kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ một năm (đủ 12 tháng) đến không quá 5 năm đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống theo đề nghị của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
3. Thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng:
a) Nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80; thăng cấp bậc quân hàm từ Trung úy đến Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;
b) Nâng lương, chuyển nhóm đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20;
c) Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống gồm:
- Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ dưới một năm;
- Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ một năm (đủ 12 tháng) đến không quá 5 năm sau khi có quyết định phê duyệt của Tổng Tham mưu trưởng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
4. Cấp có thẩm quyền thăng cấp bậc quân hàm, nâng lương đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó.
5. Cấp có thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, thăng quân hàm đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp, cho thôi phục vụ trong quân đội đối với công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó
Điều 25.12.TT.5.10. Thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, phong, thăng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong ngạch dự bị
(Điều 10 Thông tư số 170/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 12/2021/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021)
1. Thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, phong, thăng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong ngạch dự bị được thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 9 Thông tư này.
2. Thẩm quyền hạ bậc lương; hạ loại, nhóm; giáng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong ngạch dự bị được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư này
Điều 25.12.TT.5.11. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được bổ nhiệm giữ chức vụ cán bộ
(Điều 11 Thông tư số 170/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016)
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được bổ nhiệm giữ chức vụ cán bộ thực hiện theo Quy định về công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điều 25.12.TT.5.13. Hồ sơ và thời gian thực hiện
(Điều 13 Thông tư số 170/2016/TT-BQP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 12/2021/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2021)
1. Hồ sơ:
a) Văn bản đề nghị của người chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn và tương đương trở lên đến cấp đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Danh sách đề nghị nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng;
c) Bản sao các tài liệu liên quan đến nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
2. Thời gian thực hiện:
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xét, quyết định nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm công nhân quốc phòng; nâng lương, thăng hạng viên chức quốc phòng; cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thuộc thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 9 Thông tư này vào tháng 7 hằng năm.
b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng xét, quyết định kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ thuộc thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Thông tư này vào tháng cuối hằng quý; đơn vị báo cáo đề nghị về Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Quân lực) trước 3 tháng (90 ngày) tính đến thời điểm quân nhân chuyên nghiệp hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm.
c) Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng xét, quyết định nâng lương, chuyển nhóm, thăng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp; nâng lương, chuyển nhóm công nhân và viên chức quốc phòng; cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thuộc thẩm quyền theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 9 Thông tư này vào tháng 7 hằng năm.
d) Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu được cấp có thẩm quyền xét nâng lương trước thời hạn. Việc xét nâng lương trước thời hạn thực hiện vào tháng cuối hằng quý.
Như vậy, Bộ Quốc phòng đã bảo đảm cập nhật QPPL vào đề mục theo các nguyên tắc sau:
- Trường hợp có văn bản mới ban hành sửa đổi, bổ sung nội dung trong phạm vi từng điều của văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung của điều trong Bộ pháp điển được sửa đổi, bổ sung; vị trí và nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
- Trường hợp có văn bản bổ sung điều mới vào văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí, nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP).
- Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản đã được pháp điển hoặc bãi bỏ toàn bộ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ trong Bộ pháp điển và ghi rõ lý do hủy bỏ, bãi bỏ.
- Trường hợp có văn bản mới thay thế toàn bộ văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển, xây dựng lại đề mục theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP).
- Trường hợp có văn bản mới thay thế văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và các nội dung trong Bộ pháp điển bị thay thế; vị trí và nội dung của các quy phạm pháp luật mới trong Bộ pháp điển, đánh số, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định các quy phạm pháp luật có liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP).
- Trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục bị bãi bỏ toàn bộ mà không có văn bản thay thế thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển và đề nghị Bộ Tư pháp loại bỏ đề mục khỏi Bộ pháp điển.