Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Công nghệ thông tin
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Công nghệ thông tin

 
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Công nghệ thông tin (Đề mục 3 thuộc Chủ đề số 3. Bưu chính, viễn thông). Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Công nghệ thông tin, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Bưu chính, viễn thông”.
Đề mục Công nghệ thông tin có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội bao gồm 06 chương với 79 điều. Cấu trúc đề mục bảo đảm theo cấu trúc của Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Ngoài ra, tại Chương II. Ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung Mục 5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bao gồm nội dung về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Đề mục Công nghệ thông tin được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 63 văn bản gồm 01 Luật, 11 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 50 Thông tư và Thông tư liên tịch.
Đề mục Công nghệ thông tin có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Áp dụng Luật công nghệ thông tin; Giải thích từ ngữ; Chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Nội dung quản lý nhà nước về công nghệ thông tin; Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghệ thông tin; Quyền của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Thanh tra về công nghệ thông tin; Hội, hiệp hội về công nghệ thông tin; Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 05 mục quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể:
+ Mục 1 quy định chung về ứng dụng công nghệ thông tin như: Nguyên tắc chung về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (Tổ chức, cá nhân có quyền tiến hành các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; hoạt động phòng, chống lụt, bão, thiên tai, thảm họa khác, cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động khác được Nhà nước khuyến khích; Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động viễn thông, hoạt động phát thanh, truyền hình trên môi trường mạng phải thực hiện các quy định của pháp luật về viễn thông, báo chí và các quy định của Luật Công nghệ thông tin); Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong trường hợp khẩn cấp (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định huy động một phần hoặc toàn bộ cơ sở hạ tầng thông tin để ưu tiên phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin khi có một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây: Phục vụ phòng, chống lụt, bão, hỏa hoạn, thiên tai, thảm họa khác; Phục vụ cấp cứu và phòng, chống dịch bệnh; Phục vụ cứu nạn, cứu hộ; Phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm; Chính phủ quy định cụ thể việc ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong các trường hợp khẩn cấp); Quản lý và sử dụng thông tin số; Truyền đưa thông tin số; Lưu trữ tạm thời thông tin số; Cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số; Công cụ tìm kiếm thông tin số; Theo dõi, giám sát nội dung thông tin số; Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng; Lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng; Thiết lập trang thông tin điện tử.
+ Mục 2 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước như: Nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước (Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải được ưu tiên, bảo đảm tính công khai, minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải thúc đẩy chương trình đổi mới hoạt động của cơ quan nhà nước và chương trình cải cách hành chính; Việc cung cấp, trao đổi thông tin phải bảo đảm chính xác và phù hợp với mục đích sử dụng; Quy trình, thủ tục hoạt động phải công khai, minh bạch; Sử dụng thống nhất tiêu chuẩn, bảo đảm tính tương thích về công nghệ trong toàn bộ hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước; Bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm và có hiệu quả; Người đứng đầu cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc ứng dụng công nghệ thông tin thuộc thẩm quyền quản lý của mình); Điều kiện để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
+ Mục 3 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại như: Nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại (Tổ chức, cá nhân có quyền ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại; Hoạt động thương mại trên môi trường mạng phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về thương mại và pháp luật về giao dịch điện tử); Trang thông tin điện tử bán hàng (Tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập trang thông tin điện tử bán hàng theo quy định của Luật Công nghệ thông tin và các quy định khác của pháp luật có liên quan); Cung cấp thông tin cho việc giao kết hợp đồng trên môi trường mạng; Giải quyết hậu quả do lỗi nhập sai thông tin thương mại trên môi trường mạng; Thanh toán trên môi trường mạng.
+ Mục 4 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế; Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực văn hóa-thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực khác.
+ Mục 5 quy định về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
- Chương III gồm 04 mục quy định về phát triển công nghệ thông tin, cụ thể:
+ Mục 1 quy định về nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin như: Khuyến khích nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin (Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu - phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ thông tin nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tổ chức, cá nhân nghiên cứu - phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ thông tin để đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, đổi mới công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ chuyển giao kết quả nghiên cứu - phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ thông tin để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống); Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin (Nhà nước huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin; đầu tư một số phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; ban hành quy chế sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ thông tin); Nghiên cứu - phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ thông tin; Tiêu chuẩn, chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
+ Mục 2 quy định về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin như: Chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (Nhà nước có chính sách phát triển quy mô và tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; Chương trình, dự án ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phải có hạng mục đào tạo nhân lực công nghệ thông tin; Tổ chức, cá nhân được khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật; Cơ sở đào tạo được hưởng ưu đãi trong hoạt động đào tạo về công nghệ thông tin tương đương với doanh nghiệp sản xuất phần mềm; Nhà nước có chính sách hỗ trợ giáo viên, sinh viên và học sinh trong hệ thống giáo dục quốc dân truy nhập Internet tại các cơ sở giáo dục); Chứng chỉ công nghệ thông tin (Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định điều kiện hoạt động đào tạo công nghệ thông tin và cấp chứng chỉ công nghệ thông tin, việc công nhận chứng chỉ công nghệ thông tin của tổ chức nước ngoài sử dụng ở Việt Nam); Sử dụng nhân lực công nghệ thông tin; Người Việt Nam làm việc tại nước ngoài; Phổ cập kiến thức công nghệ thông tin.
+ Mục 3 quy định về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin như: Loại hình công nghiệp công nghệ thông tin (Công nghiệp phần cứng là công nghiệp sản xuất các sản phẩm phần cứng, bao gồm phụ tùng, linh kiện, thiết bị số; Công nghiệp phần mềm là công nghiệp sản xuất các sản phẩm phần mềm, bao gồm phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm điều khiển, tự động hóa và các sản phẩm tương tự khác; cung cấp các giải pháp cài đặt, bảo trì, hướng dẫn sử dụng; Công nghiệp nội dung là công nghiệp sản xuất các sản phẩm thông tin số, bao gồm thông tin kinh tế - xã hội, thông tin khoa học - giáo dục, thông tin văn hóa - giải trí trên môi trường mạng và các sản phẩm tương tự khác); Chính sách phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (Nhà nước có chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt chú trọng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung để trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân; Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư tham gia hoạt động đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, đầu tư phát triển và cung cấp thiết bị số giá rẻ; Chính phủ quy định cụ thể mức ưu đãi, ưu tiên và các điều kiện khác cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin); Phát triển thị trường công nghiệp công nghệ thông tin; Sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; Khu công nghệ thông tin tập trung.
+ Mục 4 quy định về phát triển dịch vụ công nghệ thông tin như: Loại hình dịch vụ công nghệ thông tin (Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường về công nghệ thông tin; Tư vấn, phân tích, lập kế hoạch, phân loại, thiết kế trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Tích hợp hệ thống, chạy thử, dịch vụ quản lý ứng dụng, cập nhật, bảo mật; Thiết kế, lưu trữ, duy trì trang thông tin điện tử; Bảo hành, bảo trì, bảo đảm an toàn mạng và thông tin; Cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác cơ sở dữ liệu; Phân phối sản phẩm công nghệ thông tin; Đào tạo công nghệ thông tin; Chứng thực chữ ký điện tử; Dịch vụ khác); Chính sách phát triển dịch vụ công nghệ thông tin.
- Chương IV gồm 04 mục quy định về biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, cụ thể:
+ Mục 1 quy định về cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ ứng dựng và phát triển công nghệ thông tin như: Nguyên tắc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin (Cơ sở hạ tầng thông tin phải được phát triển để bảo đảm chất lượng và đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm bảo đảm sự phát triển cơ sở hạ tầng thông tin phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; có biện pháp đồng bộ để ngăn chặn những hành vi lợi dụng cơ sở hạ tầng thông tin vi phạm quy định Điều 12 của Luật Công nghệ thông tin); Bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Nhà nước có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia rộng khắp, có thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, giá cước cạnh tranh so với các nước trong khu vực; khuyến khích tổ chức, cá nhân cùng đầu tư, sử dụng chung cơ sở hạ tầng thông tin; Điểm truy nhập Internet công cộng được ưu tiên đặt tại bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, khu dân cư, bệnh viện, trường học, siêu thị, trung tâm văn hóa, thể thao để phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân); Cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cơ quan nhà nước; Cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ công ích; Cơ sở dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; Bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin.
+ Mục 2 quy định đầu tư cho công nghệ thông tin như: Đầu tư của tổ chức, cá nhân cho công nghệ thông tin (Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; Nhà nước khuyến khích và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho công nghệ thông tin; Các khoản đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và các chi phí sau đây của doanh nghiệp được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Mở trường, lớp đào tạo công nghệ thông tin tại doanh nghiệp; Cử người đi đào tạo, tiếp thu công nghệ mới phục vụ cho nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của doanh nghiệp); Đầu tư của Nhà nước cho công nghệ thông tin (Đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư phát triển; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách cho công nghệ thông tin, bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách cho công nghệ thông tin hằng năm cao hơn tỷ lệ tăng chi ngân sách nhà nước. Ngân sách cho công nghệ thông tin phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả; Chính phủ ban hành quy chế quản lý đầu tư phù hợp đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; Trong Mục lục ngân sách nhà nước có loại chi riêng về công nghệ thông tin); Đầu tư cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Đầu tư và phát triển công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp và nông thôn.
+ Mục 3 quy định hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin như: Nguyên tắc hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin (Tổ chức, cá nhân Việt Nam hợp tác về công nghệ thông tin với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi); Nội dung hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin (Phân tích xu hướng quốc tế về công nghệ thông tin, quy mô và triển vọng phát triển thị trường nước ngoài và xây dựng chiến lược phát triển thị trường công nghệ thông tin ở nước ngoài; Quảng bá thông tin về định hướng, chính sách ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam và của các nước trên thế giới; Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin; Phát triển thị trường công nghệ thông tin ở nước ngoài, giới thiệu sản phẩm công nghệ thông tin Việt Nam qua các triển lãm quốc tế, tiếp cận với khách hàng tiềm năng; Tổ chức hội thảo, hội nghị và diễn đàn quốc tế về công nghệ thông tin; Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương và tham gia tổ chức khu vực, tổ chức quốc tế về công nghệ thông tin; Tiếp thu công nghệ của nước ngoài chuyển giao vào Việt Nam)
+ Mục 4 quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin như: Trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (Nhà nước và xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống các hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được bảo vệ theo quy định của pháp luật); Bảo vệ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” (Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” và tên miền cấp dưới của tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là một phần của tài nguyên thông tin quốc gia, có giá trị sử dụng như nhau và phải được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Tên miền đăng ký phải thể hiện tính nghiêm túc để tránh gây sự hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt; Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” dành cho tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước phải được bảo vệ và không được xâm phạm; Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng và tính chính xác của các thông tin đăng ký và bảo đảm việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký; Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng và giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”); Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Chống thư rác; Chống vi rút máy tính và phần mềm gây hại;Bảo đảm an toàn, bí mật thông tin; Trách nhiệm bảo vệ trẻ em (Tổ chức xây dựng và phổ biến công cụ ngăn chặn trẻ em truy nhập thông tin không có lợi cho trẻ em; Hướng dẫn thiết lập và quản lý trang thông tin điện tử dành cho trẻ em nhằm mục đích thúc đẩy việc thiết lập các trang thông tin điện tử có nội dung thông tin phù hợp với trẻ em, không gây hại cho trẻ em; tăng cường khả năng quản lý nội dung thông tin trên môi trường mạng phù hợp với trẻ em, không gây hại cho trẻ em. Nhà cung cấp dịch vụ có biện pháp ngăn ngừa trẻ em truy nhập trên môi trường mạng thông tin không có lợi đối với trẻ em. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mang nội dung không có lợi cho trẻ em phải có dấu hiệu cảnh báo); Hỗ trợ người tàn tật (Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, phát triển năng lực làm việc của người tàn tật thông qua ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; có chính sách ưu tiên cho người tàn tật tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo về công nghệ thông tin; Chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển công nghệ thông tin quốc gia phải có nội dung hỗ trợ, bảo đảm cho người tàn tật hòa nhập với cộng đồng; Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và ưu đãi khác cho hoạt động sau đây: Nghiên cứu - phát triển các công cụ và ứng dụng nhằm nâng cao khả năng của người tàn tật trong việc truy nhập, sử dụng các nguồn thông tin và tri thức thông qua sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin; Sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và nội dung thông tin số đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người tàn tật).
- Chương V quy định giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm như: Giải quyết tranh chấp về công nghệ thông tin (Tranh chấp về công nghệ thông tin là tranh chấp phát sinh trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về công nghệ thông tin thông qua hòa giải; trong trường hợp các bên không hòa giải được thì giải quyết theo quy định của pháp luật); Hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” (Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây: Thông qua thương lượng, hòa giải; Thông qua trọng tài; Khởi kiện tại Tòa án); Xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin (Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật).
- Chương VI quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành (Luật Công nghệ thông tin có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007); Hướng dẫn thi hành (Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ thông tin).
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Công nghệ thông tin đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Công nghệ thông tin đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Công nghệ thông tin còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang