Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quản lý nợ công
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quản lý nợ công

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Quản lý nợ công (Đề mục 4. Chủ đề 28. Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước).  Đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Quản lý nợ công, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua đề mục Quản lý nợ công.
Đề mục Quản lý nợ công có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 ngày 23/11/2017 của Quốc hội, gồm 10 chương với 63 điều; không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Bộ Tài chính xác định có 21 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính) và 48 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục, cụ thể: Luật 20/2017/QH14 Quản lý nợ công; Nghị định 91/2018/NĐ-CP Về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ; Nghị định 92/2018/NĐ-CP về quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ; Nghị định 93/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương; Nghị định 94/2018/NĐ-CP Về nghiệp vụ quản lý nợ công; Nghị định 95/2018/NĐ-CP Quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ;  Nghị định 79/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Quyết định 61/2013/QĐ-TTg Về việc cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia; Quyết định 05/2016/QĐ-TTg Về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016 – 2020; Thông tư 139/2015/TT-BTC Hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Thông tư 10/2016/TT-BTC Thông tư hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; Thông tư 74/2016/TT-BTC Quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020; Thông tư 79/2016/TT-BTC Hướng dẫn thực hỉện thẩm định tàỉ chính các chương trình, dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Thông tư 15/2018/TT-BTC Quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo Iãnh và trái phỉeu chính quỵền địa phương; Thông tư 58/2018/TT-BTC Hướng dẫn biểu, mẫu cung cấp thông tin, báo có đối với các chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh; Thông tư 80/2018/TT-BTC Hướng dẫn mẫu biểu báo cáo về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Thông tư 84/2018/TT-BTC Quy định mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công; Thông tư 110/2018/TT-BTC Hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước; Thông tư 111/2018/TT-BTC Hướng dẫn phát hành và thanh toán công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước; Thông tư 30/2019/TT-BTC Hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương; Thông tư 80/2020/TT-BTC Hướng dẫn phương thức gửi báo cáo của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ quy định tại Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Đề mục Quản lý nợ công có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định các vấn đề chung gồm có phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; phân loại nợ công; nội dung quản lý nhà nước về nợ công;  giám sát việc quản lý nợ công;. những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công; xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công.
- Chương II quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công như nhiệm vụ, quyền hạn của quốc hội; nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban thường vụ quốc hội; nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch nước; nhiệm vụ, quyền hạn của chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của thủ tướng chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ;nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán nhà nước; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quản lý nợ công; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý nhà nước về nợ công phải chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công có trách nhiệm giải trình, báo cáo cấp có thẩm quyền việc đề xuất, thẩm định và phê duyệt chủ trương vay; đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ; phân bổ và sử dụng vốn vay; trả nợ và thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ công).
 
 
- Chương III quy định chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, chương trình quản lý nợ công 03 năm, kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm bao gồm chỉ tiêu an toàn nợ công (Chỉ tiêu an toàn nợ công là hệ thống chỉ tiêu quy định mức trần và ngưỡng cảnh báo về nợ công do Quốc hội quyết định. Các chỉ tiêu an toàn nợ công bao gồm: Nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội; Nợ của Chính phủ so với tổng sản phẩm quốc nội; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm; Nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ); Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; Chương trình quản lý nợ công 03 năm; Kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm.
- Chương IV quy định quản lý việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của chính phủ như: Mục đích vay của Chính phủ (Bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển, không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên; Bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách trung ương và bảo đảm thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ; Chi trả nợ gốc đến hạn, cơ cấu lại các khoản nợ của Chính phủ; Cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài); Hình thức vay của Chính phủ bao gồm: Phát hành công cụ nợ; Ký kết thỏa thuận vay; Chính phủ vay bằng nội tệ, ngoại tệ, kim loại quý hoặc hàng hóa quy đổi sang nội tệ hoặc ngoại tệ; Phát hành công cụ nợ tại thị trường vốn trong nước; Phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế;  Vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; Các khoản vay trong nước khác; Sử dụng vốn vay của Chính phủ; Trả nợ của Chính phủ.
- Chương V quy định quản lý cho vay lại vốn vay oda, vay ưu đãi nước ngoài như: Đối tượng được vay lại, cơ quan cho vay lại (Đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập; Doanh nghiệp. Cơ quan cho vay lại bao gồm Bộ Tài chính; ngân hàng chính sách của Nhà nước, tổ chức tín dụng được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện cho vay lại); Nguyên tắc cho vay lại (Chính phủ cho vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; không phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, vay thương mại nước ngoài để cho vay lại; Chính phủ cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các đối tượng quy định của Luật Quản lý nợ công; Việc cho vay lại phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Mức vay, thời hạn cho vay lại và thời gian ân hạn tối đa bằng mức vay, thời hạn vay và thời gian ân hạn quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài của Chính phủ; đồng tiền cho vay lại, đồng tiền thu nợ là đồng tiền Chính phủ vay nước ngoài. Trường hợp trả nợ bằng Đồng Việt Nam, áp dụng tỷ giá bán ra tại thời điểm trả nợ do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố để thu nợ; Lãi suất cho vay lại bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại; Bên vay lại phải có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định của Luật Quản lý nợ công); Phương thức cho vay lại; Điều kiện được vay lại; Phí quản lý cho vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại; Thẩm định cho vay lại; Quản lý rủi ro tín dụng cho vay lại; Trách nhiệm của cơ quan cho vay lại, bên vay lại.
- Chương VI quy định cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ như: Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ (Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công; Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước); Chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ (Căn cứ nhu cầu vay vốn, đối tượng được bảo lãnh lập đề xuất chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ đối với chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, dự án đầu tư gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, xác định hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm và hằng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; Căn cứ hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm đã được quyết định, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng chương trình, dự án cụ thể); Điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ; Thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ; Mức bảo lãnh Chính phủ đối với dự án đầu tư; Quản lý bảo lãnh Chính phủ; Quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ; Trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh, đối tượng được bảo lãnh, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Chương VII quy định quản lý nợ của chính quyền địa phương như: Mục đích vay của chính quyền địa phương (Bù đắp bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước); Nguyên tắc vay của chính quyền địa phương (Vay cho bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; Bảo đảm mức dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoài); Hình thức vay của chính quyền địa phương (Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước; Vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; Vay từ các nguồn tài chính khác trong nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước); Điều kiện vay của chính quyền địa phương (Vay trong nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục đầu tư công trung hạn của chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Có kế hoạch vay theo từng nguồn vốn để đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; Trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu, Đề án phát hành trái phiếu phải được lập và thẩm định theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu; Trị giá khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải trong mức dư nợ vay và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện quy định của Luật Quản lý nợ công); Tổ chức vay, trả nợ của chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức vay theo các hình thức quy định tại Luật Quản lý nợ công và quy định sau đây: Đối với phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Đề án phát hành trái phiếu, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và gửi lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính về điều kiện, điều khoản của trái phiếu trước khi tổ chức phát hành; Đối với vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật Quản lý nợ công; Đối với vay ngân quỹ nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đề nghị vay vốn kèm theo các hồ sơ liên quan, gửi Bộ Tài chính quyết định; Đối với vay từ các nguồn tài chính khác trong nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận vay; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo định của pháp luật để trả nợ đầy đủ, đúng hạn; Chính phủ quy định chi tiết về quản lý nợ của chính quyền địa phương).
- Chương VIII quy định bảo đảm khả năng trả nợ công như: Bảo đảm khả năng trả nợ công (Việc huy động vốn vay phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn; Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn; Việc chi trả các khoản nợ của ngân sách nhà nước được thực hiện như sau: Chi trả lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ các khoản nợ theo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Bảo đảm nguồn bội thu, tăng thu so với dự toán, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để trả các khoản nợ gốc đầy đủ, đúng hạn; Vay mới để trả nợ gốc phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định; Đối tượng được bảo lãnh, đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn); Quản lý rủi ro đối với nợ công (Quản lý rủi ro đối với nợ công là việc nhận diện các loại rủi ro đối với danh mục nợ công, xác định mức độ ảnh hưởng để có biện pháp phòng ngừa, xử lý thích hợp, bảo đảm khả năng trả nợ công; Rủi ro về nợ công bao gồm: Rủi ro về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ; Rủi ro do biến động của thị trường tài chính ảnh hưởng đến việc huy động vốn; Rủi ro thanh khoản do thiếu các tài sản tài chính có tính thanh khoản để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, bao gồm khả năng trả nợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; Rủi ro tín dụng do đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn; Các rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến an toàn nợ công; Các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với nợ công bao gồm: Cho vay lại theo phương thức cơ quan cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng; Thực hiện bảo đảm tiền vay, quản lý tài sản thế chấp đối với các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ; Yêu cầu đối tượng được bảo lãnh, đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài mua bảo hiểm rủi ro về tín dụng; Thực hiện các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro chủ động bao gồm mua lại nợ, hoán đổi nợ, sử dụng công cụ phái sinh và các nghiệp vụ khác; Các biện pháp xử lý rủi ro đối với nợ công bao gồm: Cơ cấu lại nợ theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xử lý tài sản thế chấp và các tài sản khác dùng để bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ; Sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ theo quy định tại Luật Quản lý  nợ công và các đối tượng được bảo lãnh nhận nợ bắt buộc; Căn cứ vào rủi ro cụ thể, mức độ ảnh hưởng của rủi ro đối với từng khoản nợ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Đề án cơ cấu lại nợ bao gồm các phương án phòng ngừa và xử lý rủi ro sau đây: Cơ cấu lại nợ trong nước, nước ngoài của Chính phủ; Chuyển nhượng, chuyển đổi sở hữu đối với các doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ đối với Chính phủ; Khoanh nợ, xóa nợ khi đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản; Đối với cơ cấu lại nợ thông qua các biện pháp mua lại nợ, hoán đổi nợ, gia hạn nợ, Bộ Tài chính thực hiện theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện; Đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh có nghĩa vụ trích lập dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án, lựa chọn công cụ xử lý rủi ro phù hợp để phòng ngừa và xử lý rủi ro; chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền; Chính phủ quy chi tiết về nghiệp vụ quản lý rủi ro đối với nợ công);
- Chương IX quy định kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công như: Kế toán về nợ công (Các khoản vay, trả nợ, dư nợ của Chính phủ, nợ chính quyền địa phương phải được hạch toán kế toán theo quy định của Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan; Đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh phải thực hiện hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ Tài chính để thống kê, theo dõi; Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ); Kiểm toán nợ công (Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 18 của Luật Quản lý nợ công; Chủ chương trình, dự án có trách nhiệm ký hợp đồng kiểm toán với doanh nghiệp kiểm toán để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm và kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập); Thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về nợ công; Báo cáo thông tin về nợ công; Công bố thông tin về nợ công.
- Chương IX quy định điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành (Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018; Trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật Quản lý nợ công năm 2017 và Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 thì áp dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017); Điều khoản chuyển tiếp (Thỏa thuận vay được ký kết, công cụ nợ được phát hành hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ trước ngày Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12).
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Quản lý nợ công đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Quản lý nợ công đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Quản lý nợ công còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang