Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công an đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước (Đề mục 2 Chủ đề 1. An ninh quốc gia). Đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Công an sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước.
Đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15/11/2018 của Quốc hội, gồm 05 chương với 28 điều, không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Bộ Công an xác định có 06 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công an; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và 08 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục, cụ thể: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 29/2018/QH14; Nghị định số 26/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Thông tư số 110/2013/TT-BTC Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Thông tư số 24/2020/TT-BCA Ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Thông tư số 07/2020/TT-BKHĐT Quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê; Thông tư số 104/2021/TT-BCA Quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân.
Đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định các vấn đề chung gồm phạm vi điều chỉnh; phạm vi và đối tượng áp dụng; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước; hợp tác quốc tế về bảo vệ bí mật nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước; khen thưởng, kỷ luật; nguồn kinh phí; nội dung chi phục vụ nhiệm vụ chuyên môn công tác bảo vệ bí mật nhà nước; mức chi; lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Trong đó, nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước bao gồm: đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân; việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
- Chương II quy định phạm vi, phân loại,ban hành danh mục bí mật nhà nước bao gồm các vấn đề như phạm vi bí mật nhà nước; phân loại bí mật nhà nước; ban hành danh mục bí mật nhà nước. Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước. Sao tài liệu bí mật nhà nước là việc chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng nội dung bản gốc hoặc bản chính của tài liệu. Chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước là việc ghi lại bằng hình ảnh tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Hình thức sao tài liệu bí mật nhà nước gồm sao y bản chính, sao lục và trích sao. Phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật.
- Chương III quy định hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước về các vấn đề như xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ; cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người việt nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức việt nam; địa điểm, phương án bảo vệ và phương tiện, thiết bị sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê; tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước trong công an nhân dân; hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài tổ chức tại việt nam có nội dung bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; điều chỉnh độ mật; giải mật; tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
- Chương IV quy định trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước bao gồm các vấn đề Trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức (trong đó chủ yếu là Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; Văn phòng Trung ương Đảng và ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng và đảng ủy trực thuộc trung ương; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; tỉnh ủy, thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý và của Ban Cơ yếu Chính phủ); Phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước; Phân công công chức (viên chức) thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước; phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước; biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; sử dụng biểu mẫu; trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước; chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; chế độ thông tin, báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê; trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý.
- Chương V quy định về các vấn đề như hiệu lực thi hành; điều khoản thi hành; trách nhiệm thi hành; điều khoản chuyển tiếp. Bí mật nhà nước đã được xác định trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 được xác định thời hạn bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật. Cơ quan, tổ chức đã xác định bí mật nhà nước có trách nhiệm xác định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước đó bảo đảm kết thúc trước ngày 01 tháng 7 năm 2021. Trường hợp thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước kết thúc trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành thì phải tiến hành gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 20 của Luật  tính từ thời điểm gia hạn; nếu không được gia hạn thì phải giải mật theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10. Trường hợp thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước kết thúc sau thời điểm Luật có hiệu lực thi hành thì bí mật nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước được ban hành theo quy định của Luật tiếp tục được bảo vệ đến hết thời hạn đã được xác định hoặc gia hạn; nếu không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước thì phải giải mật theo quy định của Luật.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Bảo vệ bí mật nhà nước đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Bảo vệ bí mật nhà nước còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang