Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục An ninh mạng
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công an đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục An ninh mạng (Đề mục 11. Chủ đề 39. An ninh quốc gia). Đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục An ninh mạng, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Công an sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua đề mục An ninh mạng.
Đề mục An ninh mạng có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018 của Quốc hội gồm 07 chương với 43 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Bộ Công an xác định có 01 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công an) và 14 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Văn bản thuộc nội dung của đề mục là Luật 24/2018/QH14 An ninh mạng. Văn bản có nội dung liên quan đến đề mục là Luật 32/2004/QH11 An ninh Quốc gia; Luật 05/2011/QH13 Cơ yếu; Luật 15/2012/QH13 Xử lý vi phạm hành chính; Luật 30/2013/QH13 Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật 86/2015/QH13 An toàn thông tin mạng; Bộ luật 100/2015/QH13 Hình sự; Bộ luật 101/2015/QH13 Tố tụng hình sự; Luật 29/2018/QH14 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật 37/2018/QH14 Công an nhân dân; Nghị định 72/2013/NĐ-CP Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định 85/2016/NĐ-CP Về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Nghị định 142/2016/NĐ-CP Về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng; Nghị định 26/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Đề mục An ninh mạng có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định các vấn đề chung gồm phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về an ninh mạng; nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng; biện pháp bảo vệ an ninh mạng; bảo vệ không gian mạng quốc gia; hợp tác quốc tế về an ninh mạng; các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng; xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Chương II quy định điều kiện về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tinquan trọng về an ninh quốc gia trong đó bao gồm hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đánh giá điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Trong đó, Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng.
- Chương III quy định phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng bao gồm các vấn đề phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng; phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng. Trong đó, Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
- Chương IV quy định hoạt động bảo vệ an ninh mạng bao gồm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế; bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng; nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó, nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng bao gồm: xây dựng, hoàn thiện quy định, quy chế sử dụng mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng internet; phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; ứng dụng, triển khai phương án, biện pháp, công nghệ bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin và thông tin, tài liệu được lưu trữ, soạn thảo, truyền đưa trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; tổ chức bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng; bảo vệ an ninh mạng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên không gian mạng, cung cấp, trao đổi, thu thập thông tin với cơ quan, tổ chức, cá nhân, chia sẻ thông tin trong nội bộ và với cơ quan khác hoặc trong hoạt động khác theo quy định của chính phủ; đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; khắc phục sự cố an ninh mạng.
- Chương V quy định về bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng bao gồm các vấn đề về lực lượng bảo vệ an ninh mạng; bảo đảm nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng; tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ an ninh mạng; phổ biến kiến thức về an ninh mạng; kinh phí bảo vệ an ninh mạng. Trong đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
- Chương VI quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm các nội dung: trách nhiệm của bộ công an; trách nhiệm của bộ quốc phòng; trách nhiệm của bộ thông tin và truyền thông; trách nhiệm của ban cơ yếu chính phủ; trách nhiệm của bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng (tuân thủ quy định của pháp luật ; kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan có thẩm quyền, lực lượng bảo vệ an ninh mạng; thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ an ninh mạng; giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan).
- Chương VII quy định điều khoản thi hành như: Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Hệ thống thông tin đang vận hành, sử dụng được đưa vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm bảo đảm đủ điều kiện an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đánh giá điều kiện an ninh mạng theo quy định tại Điều 12 của Luật An ninh mạng; trường hợp cần gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng không quá 12 tháng. Hệ thống thông tin đang vận hành, sử dụng được bổ sung vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được bổ sung, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm bảo đảm đủ điều kiện an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đánh giá điều kiện an ninh mạng theo quy định tại Điều 12 của Luật An ninh mạng; trường hợp cần gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng không quá 12 tháng.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục An ninh mạng đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về An ninh mạng đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục An ninh mạng còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.