Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tư pháp đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Đề mục 4 thuộc Chủ đề số 30. Thi hành án). Đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tư pháp sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Thi hành án”.
Đề mục Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại bao gồm 06 chương với 75 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định. Theo đó, đề mục được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 02 văn bản gồm 01 Nghị định và 01 Thông tư, cụ thể: Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; Thông tư 05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
Đề mục Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ;  Công việc Thừa phát lại được làm; Những việc Thừa phát lại không được làm; Phối hợp của cá nhân, cơ quan, tổ chức với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại.
- Chương II quy định về Thừa phát lại như: Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại (là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật; Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật; Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định; Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại); Đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại và công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài; Tập sự hành nghề Thừa phát lại; Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại; Bổ nhiệm Thừa phát lại; Những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại; Tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại; Miễn nhiệm Thừa phát lại; Bổ nhiệm lại Thừa phát lại; Đăng ký hành nghề và cấp, thu hồi, cấp lại Thẻ Thừa phát lại; Quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại.
- Chương III quy định về Văn phòng Thừa phát lại như: Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh; Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại; Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; Chế độ thông tin, báo cáo; Thành lập Văn phòng Thừa phát lại; Đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; Thông báo nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại; Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại; Thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại; Chuyển đổi loại hình Văn phòng Thừa phát lại; Hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại; Chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại; Tạm ngừng hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; Chấm dứt hoạt động Văn phòng Thừa phát lại;Thu hồi Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
- Chương IV gồm 05 mục quy định về thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại, cụ thể như sau:
+ Mục 1 quy định về tống đạt như Thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại; Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự; Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự; Thông báo kết quả tống đạt;.
+ Mục 2 quy định về lập vi bằng như Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng; Các trường hợp không được lập vi bằng; Thỏa thuận về việc lập vi bằng; Thủ tục lập vi bằng; Hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng;  Sửa lỗi kỹ thuật vi bằng; Cấp bản sao vi bằng.
+ Mục 3 quy định về xác minh điều kiện thi hành án dân sự như Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án; Thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án; Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án; Từ chối cung cấp thông tin; Bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án; Sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án; Ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án; Phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án.
+ Mục 4 quy định về thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự như Thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại; Nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của Thừa phát lại; Quyền yêu cầu thi hành án; Thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án; Quyết định thi hành án; Thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại; Chấm dứt việc thi hành án của Thừa phát lại; Hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án; Thanh toán tiền thi hành án; Trách nhiệm của các cơ quan trong việc thi hành án.
+ Mục 5 quy định về chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại như Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu;  Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự; Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án; Chi phí thi hành án dân sự.
- Chương V quy định quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp và kiểm soát hoạt động của Thừa phát lại như: Trách nhiệm của Chính phủ; Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Xử lý vi phạm; Giải quyết khiếu nại;  Giải quyết tố cáo; Giải quyết tranh chấp; Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại.
- Chương VI quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp như: Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp; Trách nhiệm thi hành.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang