Ngày 29/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 19/2021/TT-BTNMT về Định mức kinh tế - kỹ thuật mạng lưới trọng lực quốc và Thông tư số 20/2021/TT-BTNMT về Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thuỷ văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Đắk Lắk (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021).
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật các QPPL mới của Thông tư số 19/2021/TT-BTNMT và Thông tư số 20/2021/TT-BTNMT vào Đề mục Đo đạc và Bản đồ theo quy định. Cụ thể, các QPPL của Đề mục Đo đạc và bản đồ được cập nhật như sau:
I. Kết quả cập nhật QPPL mới của Thông tư số 19/2021/TT-BTNMT
Điều 27.1.TT.99.1.
(Điều 1 Thông tư số 19/2021/TT-BTNMT Ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật mạng lưới trọng lực quốc gia ngày 29/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021 )
Ban hành kèm theo Thông tư này Định mức kinh tế - kỹ thuật mạng lưới trọng lực quốc gia (Phụ lục).
QPPL trên ban hành kèm theo Phụ lục
Định mức kinh tế - kỹ thuật mạng lưới trọng lực quốc gia. Theo đó, nội dung của định mức được quy định như sau:
- Định mức kinh tế - kỹ thuật mạng lưới trọng lực quốc gia được áp dụng đối với các hạng mục công việc sau: Điểm gốc trọng lực quốc gia; trọng lực cơ sở; trọng lực hạng I; trọng lực hạng II;. đường đáy trọng lực.
- Định mức kinh tế - kỹ thuật này được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia và được sử dụng để tính đơn giá sản phẩm, làm căn cứ lập dự toán và quyết toán giá trị sản phẩm hoàn thành của các đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán về xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia do các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện.
- Định mức kinh tế - kỹ thuật mạng lưới trọng lực quốc gia bao gồm các định mức thành phần sau: định mức lao động; định mức dụng cụ lao động; định mức tiêu hao vật liệu; định mức tiêu hao năng lượng; định mức tiêu hao nhiên liệu; định mức sử dụng máy móc, thiết bị, phần mềm. Nội dung cụ thể của các định mức thành phần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT- BTNMT ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Các nội dung không có trong định mức: Xác định tọa độ, độ cao của các điểm trọng lực cơ sở, trọng lực hạng I, trọng lực hạng II và các điểm trọng lực trên đường đáy được áp dụng theo quy định tại Thông tư số
14/2019/TT-BTNMT ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc trực tiếp phục vụ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000 và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và Thông tư số
20/2012/TT-BTNMT ngày 19 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc và bản đồ.
- Hệ số điều chỉnh chung đối với định mức của hạng mục chọn điểm, đổ và chôn mốc, xác định gia tốc trọng trường tại điểm trọng lực cơ sở trong trường hợp thi công bổ sung, phục hồi điểm trọng lực được tính hệ số điều chỉnh so với điều kiện tiêu chuẩn từ 06 mốc trở lên. Hệ số điều chỉnh chung đối với định mức của hạng mục chọn điểm, đổ và chôn mốc, xác định gia tốc trọng trường tại điểm trọng lực hạng I, trọng lực hạng II trong trường hợp thi công bổ sung, phục hồi điểm trọng lực được tính hệ số điều chỉnh so với điều kiện tiêu chuẩn từ 16 mốc trở lên. Hệ số điều chỉnh chung đối với định mức dụng cụ được tính hệ số điều chỉnh so với điều kiện tiêu chuẩn là khó khăn loại 3.
- Điểm gốc trọng lực quốc gia: Định mức lao động:
- Nội dung công việc: kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo trọng lực tuyệt đối. công tác chuẩn bị: liên hệ công tác, chuẩn bị tài liệu, vật tư, sổ đo, phương tiện đo; di chuyển bằng ô tô đến nơi kiểm định và hiệu chuẩn; kiểm tra mức độ đầy đủ các thiết bị phụ trợ kèm theo phương tiện đo trọng lực tuyệt đối gồm: máy tính xách tay, dây cáp nối, ắc quy và pin dự phòng; kiểm tra độ cân bằng của phương tiện đo trọng lực tuyệt đối thông qua bọt thủy của buồng rơi và buồng lò xo; kiểm tra và điều chỉnh điện áp của nguồn phát tia laser; kiểm tra cường độ tia laser phát ra, sự ổn định của đường đi của tia laser; kiểm tra điện áp cấp cho buồng chân không; kiểm tra buồng rơi, vân giao thoa thông qua máy đo giao thoa; kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo trọng lực tương đối phục vụ xác định gradient đứng.
- Công tác chuẩn bị: liên hệ công tác, chuẩn bị tài liệu, vật tư, sổ đo, phương tiện đo; di chuyển bằng ô tô đến nơi kiểm định và hiệu chuẩn; kiểm tra mức độ đầy đủ các thiết bị phụ trợ kèm theo phương tiện đo trọng lực gồm: máy tính xách tay, dây cáp nối, ắc quy và pin dự phòng; kiểm tra độ nhạy của hệ thống đàn hồi, bọt nước, đèn chiếu sáng, thang chia vạch, vòng xoay của ốc đọc số, hoạt động của ốc cân bằng phương tiện đo; theo dõi dịch chuyển điểm “0” của phương tiện đo trọng lực tương đối ở trạng thái tĩnh và trạng thái động; đo và so sánh hiệu gia tốc trọng trường đo được trên các cạnh của đường đáy với giá trị chuẩn.
Điều 27.1.TT.99.2. Hiệu lực thi hành
(Điều 2 Thông tư số 19/2021/TT-BTNMT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021)
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2021.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 47/2016/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật lưới trọng lực quốc gia.
3. Các đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo Thông tư số 47/2016/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật lưới trọng lực quốc gia.
Điều 27.1.TT.99.3. Tổ chức thực hiện
(Điều 3 Thông tư số 19/2021/TT-BTNMT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021)
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, quyết định.
II. Kết quả cập nhật QPPL mới của Thông tư số 20/2021/TT-BTNMT
Điều 27.1.TT.100.1.
(Điều 1 Thông tư số 20/2021/TT-BTNMT Ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Đắc Lắc ngày 29/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021 )
Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Đắk Lắk. (Phụ lục)
QPPL trên ban hành kèm theo Phụ lục Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh đắk lắk. Theo đó, danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Đắk Lắk được chuẩn hóa từ địa danh thống kê trên bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:25.000, 1:50.000 Hệ VN-2000 khu vực tỉnh Đắk Lắk.
- Danh mục địa danh tỉnh Đắk Lắk được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt của các đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố, thị xã và các huyện, trong đó: Cột “Địa danh” là các địa danh đã được chuẩn hóa; Cột “Nhóm đối tượng” là ký hiệu các nhóm địa danh, trong đó: “DC” là nhóm địa danh dân cư, “SV” là nhóm địa danh sơn văn, “TV” là nhóm địa danh thủy văn, “KX” là nhóm địa danh kinh tế - xã hội; Cột “Tên ĐVHC cấp xã” là tên đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: X. là chữ viết tắt của “xã”; P. là chữ viết tắt của “phường”, TT. là chữ viết tắt của “thị trấn”; Cột “Tên ĐVHC cấp huyện” là tên đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó: TP. là chữ viết tắt của “thành phố”, TX. là chữ viết tắt của “Thị xã”, H. là chữ viết tắt của “huyện”; Cột “Tọa độ vị trí tương đối của đối tượng” là tọa độ vị trí tương đối của đối tượng địa lý tương ứng với địa danh trong cột “Địa danh”, nếu đối tượng địa lý được thể hiện trên bản đồ bằng ký hiệu dạng điểm, dạng vùng thì giá trị tọa độ tương ứng theo cột “Toạ độ trung tâm”, nếu đối tượng địa lý được thể hiện trên bản đồ bằng ký hiệu dạng đường thì giá trị toạ độ tương ứng theo 2 cột “Toạ độ điểm đầu” và “Toạ độ điểm cuối”; Cột “Phiên hiệu mảnh bản đồ địa hình” là ký hiệu mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000, 1:50.000 chứa địa danh chuẩn hóa ở cột “Địa danh”.
Điều 27.1.TT.100.2.
(Điều 2 Thông tư số 20/2021/TT-BTNMT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021)
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2021.
Điều 27.1.TT.100.3.
(Điều 3 Thông tư số 20/2021/TT-BTNMT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021)
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.