Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công thương đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Quản lý thị trường (Đề mục 11 Chủ đề 34. Thương mại, đầu tư, chứng khoán). Đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Quản lý thị trường, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Công thương sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo chủ đề “Thương mại, đầu tư, chứng khoán”.
Bộ Công thương xác định có 13 văn bản có nội dung thuộc Đề mục và 56 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Quản lý thị trường có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 ngày 08/3/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, gồm 08 chương với 46 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Pháp lệnh. Đề mục Quản lý thị trường có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Quản lý nhà nước đối với lực lượng; Quản lý thị trường; Nguyên tắc hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường và Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường. Hoạt động kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường là việc tiến hành xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại và lĩnh vực khác khi được Chính phủ giao. Hoạt động thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường là hoạt động thanh tra của cơ quan Quản lý thị trường đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật liên quan đến quản lý thị trường. Địa bàn hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường gồm địa điểm sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại của tổ chức, cá nhân; địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, sân bay, bến tàu, bến xe; các tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ địa bàn hoạt động của hải quan. Nguyên tắc hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Bảo vệ bí mật nguồn thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Nội dung quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường bao gồm: Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển lực lượng Quản lý thị trường; Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng Quản lý thị trường; Hướng dẫn, thực hiện và tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức Quản lý thị trường; Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Thống kê nhà nước về hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Hợp tác quốc tế liên quan đến hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, gồm trao đổi thông tin, hợp tác nghiệp vụ, ký kết và tổ chức thực hiện các thỏa thuận quốc tế.
- Chương II quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và tổ chức của lực lượng quản lý thị trường như: Vị trí, chức năng của lực lượng Quản lý thị trường; Nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường; Tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường; Công chức Quản lý thị trường và Những việc công chức Quản lý thị trường không được làm. Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những việc công chức Quản lý thị trường không được làm bao gồm: Thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ. Tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường. Những việc công chức không được làm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
- Chương III quy định về thẻ kiểm tra thị trường, hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của quản lý thị trường như: Mục 1. Thẻ kiểm tra thị trường (Thẻ kiểm tra thị trường; Cấp lần đầu thẻ kiểm tra thị trường; Cấp lại thẻ kiểm tra thị trường; Thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường; Thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường). Thẻ kiểm tra thị trường được cấp cho công chức Quản lý thị trường để thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra, thực hiện hoạt động kiểm tra. Thời hạn sử dụng của thẻ kiểm tra thị trường là 05 năm kể từ ngày được cấp thẻ kiểm tra thị trường và được ghi trên thẻ kiểm tra thị trường. Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp lần đầu, cấp lại, thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường do Bộ trưởng Bộ Công thương quy định. Công chức Quản lý thị trường chỉ được sử dụng và phải xuất trình thẻ kiểm tra thị trường khi thực hiện hoạt động kiểm tra theo quy định.
Mục 2. Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường (Phạm vi kiểm tra; Hình thức kiểm tra; Quyết định kiểm tra; Căn cứ ban hành quyết định kiểm tra; Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra; Thời hạn kiểm tra; Đoàn kiểm tra; Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra; Trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên Đoàn kiểm tra; Trách nhiệm của người ban hành quyết định kiểm tra; Xử lý kết quả kiểm tra; Quản lý, lưu trữ hồ sơ kiểm tra; Hoạt động thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường). Trong đó, Phạm vi kiểm tra: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường. Trong quá trình kiểm tra hàng hóa, nếu phát hiện có vi phạm thì lực lượng Quản lý thị trường được quyền thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng Quản lý thị trường được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Mục 3. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra (Quyền của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra). Quyền của tổ chức, cá nhân được kiểm tra bao gồm: Được thông báo bằng văn bản về kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề; được thông báo về nội dung, thời gian kiểm tra khi công bố quyết định kiểm tra đột xuất. Từ chối việc kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra không đúng quy định của Pháp lệnh này và pháp luật có liên quan. Giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình liên quan đến nội dung kiểm tra. Trực tiếp làm việc hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc với cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính. Yêu cầu cơ quan kiểm tra cải chính công khai hoặc xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc gây thiệt hại vật chất của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra bao gồm: Nghiêm chỉnh chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Trường hợp tổ chức, cá nhân từ chối việc kiểm tra thì phải có văn bản giải trình, đồng thời cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc kiểm tra là không đúng quy định của Pháp lệnh này, pháp luật có liên quan. Trực tiếp làm việc hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc với cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính. Cung cấp kịp thời giấy tờ, tài liệu, sổ sách, chứng từ liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các giấy tờ, tài liệu, chứng từ, sổ sách đã cung cấp. Chấp hành việc kiểm tra, tạm giữ hàng hóa, tang vật, giấy tờ, phương tiện, dụng cụ sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại nơi sản xuất, bày bán, lưu giữ hàng hóa theo yêu cầu kiểm tra, tạm giữ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Giải trình kịp thời, đầy đủ, đúng sự thật về các nội dung kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền. Không được trốn tránh, cản trở, trì hoãn, chống đối việc kiểm tra hợp pháp hoặc đe dọa, lăng mạ, dụ dỗ, mua chuộc, hối lộ dưới mọi hình thức đối với thành viên Đoàn kiểm tra.
- Chương IV quy định về các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường như: Các biện pháp nghiệp vụ; Nội dung hoạt động của các biện pháp nghiệp vụ. Các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường bao gồm: Quản lý theo địa bàn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại; Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin phục vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính; Giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; Xây dựng cơ sở cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường. Việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ không được gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Nội dung hoạt động của các biện pháp nghiệp vụ bao gồm: Nội dung hoạt động quản lý theo địa bàn bao gồm: Thường xuyên cập nhật thông tin, tổng hợp cơ sở dữ liệu thống kê, điều tra cơ bản, phân loại đối với các đối tượng của hoạt động quản lý địa bàn theo các tiêu chí cụ thể; Kiểm tra, đối chiếu số liệu tình trạng hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên địa bàn sau khi được cấp phép kinh doanh và việc duy trì các điều kiện phải thực hiện khi kinh doanh; Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan; Tổng hợp và phản ánh kịp thời diễn biến bất thường của thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý; Cập nhật thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại; Đề xuất các biện pháp về công tác quản lý hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; Xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý địa bàn và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Nội dung thông tin được thu thập, thẩm tra, xác minh bao gồm: Tình hình hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tập kết hàng hóa của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại; việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại của các tổ chức, cá nhân; Tình hình vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại của các tổ chức, cá nhân; Kết quả thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại; hành vi vi phạm, phương thức, thủ đoạn đã thực hiện; Thông tin của các cơ quan chức năng về dự báo diễn biến tình hình kinh tế, xã hội liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Nội dung giám sát bao gồm: Thu thập và xác minh những thông tin, tài liệu về tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buôn lậu hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổ chức, cá nhân có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và gian lận thương mại; đánh giá độ tin cậy của thông tin, tài liệu do cơ sở cung cấp thông tin cung cấp; Xác định nơi tập kết, tàng trữ, cất giấu hàng hóa vi phạm; làm rõ bản chất, quy mô, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buôn lậu hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động tẩu tán hàng hóa, phương tiện vi phạm, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ của đối tượng vi phạm.Các thông tin, tài liệu thu thập trong quá trình giám sát là căn cứ xác định hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Nội dung xây dựng cơ sở cung cấp thông tin bao gồm: Sử dụng cộng tác viên để thường xuyên cung cấp nguồn thông tin, đầu mối liên hệ; Xây dựng, phân loại, quản lý và sử dụng cơ sở cung cấp thông tin theo nguyên tắc đơn tuyến do thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường các cấp quyết định; Thẩm tra, xác minh bằng văn bản theo quy định đối với tin tức và tài liệu do cộng tác viên cung cấp.
- Chương V quy định về phối hợp trong hoạt động kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường như: Nguyên tắc phối hợp (Tuân thủ quy định của pháp luật; Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bảo đảm việc phối hợp đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, không chồng chéo và có hiệu quả. Nội dung phối hợp phải được bảo mật theo quy định của pháp luật.Việc yêu cầu phối hợp phải thể hiện bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.); Nội dung phối hợp (
Trao đổi thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Xây dựng các kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng năm hoặc theo chuyên đề; Thực hiện các hoạt động kiểm tra liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan phối hợp; Thẩm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và các tình tiết khác liên quan đến vụ việc kiểm tra; Tiếp nhận hồ sơ vụ việc để xử lý theo thẩm quyền; Kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật); Cơ quan chủ trì kiểm tra (Cơ quan Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đối với việc kiểm tra có nội dung liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực thì cơ quan Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra; Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chủ trì kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực được giao; Trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp).
- Chương VI quy định về bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý thị trường như: Bảo đảm hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Phương tiện làm việc, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường; Chế độ, chính sách đối với công chức. Lực lượng Quản lý thị trường thuộc biên chế công chức do Chính phủ quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và các điều kiện cần thiết khác cho lực lượng Quản lý thị trường. Lực lượng Quản lý thị trường được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ, ô tô, xe mô tô phân khối lớn, tàu, xuống cao tốc, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị chuyên dụng hiện đại. Lực lượng Quản lý thị trường được cấp thống nhất biển hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, trang phục và các trang thiết bị cần thiết khác.
- Chương VII quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động của lực lượng quản lý thị trường như: Trách nhiệm của Bộ Công thương; Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Trách nhiệm của Bộ Công thương là: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Pháp lệnh này. Bộ trưởng Bộ Công thương quy định chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với công chức Quản lý thị trường; nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường. Chủ trì tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện pháp luật về quản lý thị trường.Chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
- Chương VIII quy định điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành và Quy định chi tiết. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2016.
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Quản lý thị trường đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Quản lý thị trường đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Quản lý thị trường còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.