Kinh nghiệm pháp điển tại Hoa Kỳ
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Kinh nghiệm pháp điển tại Hoa Kỳ

 Một trong những cơ sở cho sự ra đời của Bộ pháp điển Việt Nam là việc học hỏi và kế thừa kinh nghiệm pháp điển của một số quốc gia trên thế giới. Theo đó, Bộ pháp điển Việt Nam hiện nay cũng có nhiều điểm tương đồng và có định hướng phát triển học hỏi kinh nghiệm xây dựng bộ pháp điển của các nước đi trước. Bài viết đưa ra một số vấn đề cơ bản liên quan đến 02 bộ pháp điển trên thế giới hiện nay là CFR và US Code của Hoa Kỳ. Trong đó tập trung vào các khía cạnh: nền tảng website hoạt động, định nghĩa cơ bản, cơ sở hình thành và bối cảnh hiện nay, cơ sở pháp lý, một số cơ quan liên quan, giá trị pháp lý, cấu trúc và một số tính ưu việt của kỹ thuật, phương pháp thực hiện pháp điển.

1. Bộ CFR của Hoa Kỳ (Code Of Federal Regulations)

The Code Of Federal Regulation (Bộ các quy định pháp luật liên bang) là ấn phẩm in hợp pháp chính thức thực hiện pháp điển các các quy định chung và có hiệu lực ổn định được các bộ ngành và cơ quan của Chính phủ Liên bang xuất bản trên Cơ quan Đăng ký Liên bang[1]. Phiên bản điện tử CFR là phiên bản trực tuyến được cập nhật liên tục nhưng không phải là một ấn bản hợp pháp chính thức của CFR và cung cấp các tính năng tra cứu nâng cao không có trong CFR đã xuất bản. Hay nói cách khác, CFR có đồng thời 02 phiên bản tồn tại song song là bản in xuất bản và bản điện tử.

1.1. Cơ sở hình thành CFR

Trước hết, CFR là sản phẩm gắn liền với sự ra đời của Cơ quan Đăng ký Liên bang. Để khắc phục tình trạng các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản một cách thiếu thống nhất và người dân không có một địa chỉ chính thống để tiếp cận quy định pháp luật, vào năm 1935, Cơ quan lập pháp đã thông qua Đạo luật Đăng ký Liên bang, trong đó trao quyền cho Cơ quan Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ[2] thành lập 01 bộ phận thuộc cơ quan này cùng với Văn phòng Xuất bản[3] của Chính phủ chịu trách nhiệm về việc xuất bản hàng ngày cung cấp một bản tổng hợp đầy đủ tất cả các quy định hiện có được ban hành. Chỉ sau 01 thời gian ngắn, việc cung cấp cũng bộc lộ một số hạn chế trong thực trạng tổng hợp nên Đạo luật Đăng ký Liên bang đã được sửa đổi vào năm 1937 để bổ sung quy định về việc pháp điển các quy định 5 năm một lần.
Trên cơ sở đó, một Ủy ban Pháp điển gồm sáu thành viên đã được thành lập để xác định cấu trúc chính xác các chủ đề, chương, phần của CFR với việc đề xuất 05 chủ đề. Ấn bản đầu tiên của CFR được xuất bản năm 1938. Bắt đầu từ năm 1963 đối với một số chủ đề và cho tất cả vào năm 1967. Tiếp theo, Văn phòng Đăng ký Liên bang bắt đầu xuất bản các bản sửa đổi hàng năm và bắt đầu từ năm 1972 xuất bản các bản sửa đổi theo quý[4]. Qua từng năm, CFR được hoàn thiện dần, các ấn phẩm, việc sửa đổi bổ sung cũng được công bố và in ấn. Để tiết kiệm thời gian công sức, việc sửa đổi và in ấn cũng được thực hiện theo giai đoạn và thực hiện đối từng các nhóm chủ đề.
Sau này, cùng với sự phát triển của công nghệ, phiên bản điện tử của CFR cũng được xây dựng và hoàn thiện. Theo Cơ quan Đăng ký Liên bang (OFR) và Văn phòng Xuất bản của Chính phủ (GPO), mục đích ra đời của eCFR là nhằm giúp người đọc: (1) so sánh các quy định của CFR trong các thời điểm khác nhau; (2) xem lịch sử, dòng thời gian về nội dung CFR đã thay đổi như thế nào; (3) tìm kiếm các điều khoản cụ thể và (4) hướng đến khuyến khích người đọc đăng ký để nhận các thông tin về việc quy định trong CFR có sự thay đổi.

1.2. Website của CFR:

Hiện nay, CFR được đăng tải lên 01 Website có địa chỉ đuôi gov (government - thuộc chính phủ): https://www.ecfr.gov/. Website của CFR về cơ bản có thể đánh giá là “web thành phần” của https://www.federalregister.gov/  (Cơ quan Đăng ký Liên bang). Ngoài ra, CFR có truyền thông xã hội qua nền tảng Facebook và Twitter. Mỗi bộ CFR theo từng chủ đề cũng đã được xây dựng app trên thiết bị điện tử (Ví dụ: Bộ CFR về Giáo dục)[5].
1.3. Cơ sở pháp lý và giá trị của CFR
Cơ sở pháp lý của CFR là Đạo luật Đăng ký Liên bang (Federal Register Act - Chủ đề 44. In ấn và tài liệu công khai - Chương 15. Đăng ký Liên bang và CFR – US). Hiện nay, đây là cơ sở pháp lý duy nhất liên quan đến công tác pháp điển hệ thống quy định của Chính phủ Liên bang. Trong đó, pháp điển được ghi nhận tại 01 Điều trong Đạo luật là Điều §1510.
Theo §1510 của Đạo luật Đăng ký liên bang, CFR có khả năng áp dụng chung và có hiệu lực pháp lý, được cơ quan có thẩm quyền dựa vào hoặc viện dẫn hoặc sử dụng trong việc thực hiện các hoạt động hoặc chức năng của mình, và có hiệu lực đối với các sự kiện phát sinh vào hoặc sau ngày do Ủy ban Hành chính[6] chỉ định. Theo thông tin tại một số ẩn phẩm nghiên cứu lưu hành cơ sở dạy học tại Hoa Kỳ, các quy tắc trong CFR được coi là ràng buộc về mặt pháp lý giống như bất kỳ đạo luật nào[7].
Hơn nữa, tại phần giới thiệu chung về Website của CFR, trong phần nội dung liên quan đến tình trạng pháp lý của CFR  (and what is the legal status of this publication? - và tình trạng pháp lý của ấn phẩm CFR phiên bản điện tử là gì?), quan hệ đối tác giữa Cơ quan Đăng ký Liên bang (OFR) và Văn phòng Xuất bản của Chính phủ (GPO) cam kết, cố gắng đảm bảo rằng tài liệu trên eCFR là chính xác, nhưng lưu ý với những cá nhân, tổ chức đang nghiên cứu pháp lý dựa trên eCFR nên xác minh kết quả của họ dựa trên ấn bản chính thức mới nhất của CFR bản in (bởi vì CFR là nguồn chính thức cho tất cả các quy định của cơ quan Liên bang còn nội dung của eCFR là ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền nhưng không chính thức). Điều này thừa nhận rằng eCFR sẽ không thể có giá trị chính thức như CFR và qua đó gián tiếp công nhận giá trị pháp lý của CFR.

1.4. Cấu trúc/bố cục của CFR

CFR được chia thành 50 chủ đề đại diện cho các vấn đề/lĩnh vực có diện rộng tuân theo quy định của Liên bang. Mỗi chủ đề được chia thành các chương, các chương này thường mang tên của cơ quan ban hành (chủ yếu, không phải tất cả). Mỗi chương được chia nhỏ hơn nữa thành các phần bao gồm các lĩnh vực quy định cụ thể. Các phần lớn có thể được chia nhỏ thành các phần nhỏ, tất cả các phần được sắp xếp theo từng mục. Hầu hết, các trích dẫn tài liệu tham chiếu của CFR đều sẽ xuất hiện tại nội dung cấp độ mục chứ không trích dẫn tại các phần/chương lớn.
TITLE/
SUBTITLE
CHAPTER
/SUBCHAPTER
LARGE PART SUBPART (SECTION)
CHỦ ĐỀ
(lĩnh vực rộng)
CHƯƠNG
 (tên cơ quan ban hành văn bản)
PHẦN LỚN
(lĩnh vực quy định cụ thể)
PHẦN NHỎ
(nội dung quy định cụ thể hơn, sắp xếp theo từng mục)
Một số chương/phần của eCFR thường mang tên của cơ quan ban hành (chủ yếu, không phải tất cả). Việc sử dụng tên cơ quan ban hành làm tên chương/phần của CFR chứ không thống nhất sử dụng tên lĩnh vực, vấn đề xã hội là một sự linh hoạt của CFR để phù hợp với quá trình ban hành hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ. Danh sách cơ quan này đã được cập nhật và sửa đổi để hỗ trợ người dùng hiểu và tìm các cơ quan liên quan. Danh sách này không chính thức và chỉ được cung cấp dưới dạng hỗ trợ người đọc. Danh sách các cơ quan có thể khác với các chủ đề chương đã xuất bản vì những lý do: chưa được cơ quan chịu trách nhiệm cập nhật; đã bị thay đổi tại thời điểm xem lịch sử hoặc nội dung trên CFR; tên chính thức hiện tại của cơ quan, hoặc tên thường được sử dụng khác với tên được công bố trong CFR; được sửa đổi để phù hợp với không gian có sẵn của CFR; tên của một cơ quan được thêm vào tên của cơ quan mà nó trực để tránh sự mơ hồ, ví dụ: Văn phòng Thư ký, Bộ phận Phát triển Nhà và Đô thị.

1.5. Một số tính năng của eCFR

Về tham chiếu (Incorporation by reference), eCFR cung cấp các liên kết (tham chiếu) mà khi truy cập sẽ thấy thông tin về việc các nội dung trong CFR là có vị trí/gốc tại đâu, thông tin nhà xuất bản, nơi có thể lấy tài liệu gốc. Hiệu lực pháp lý của việc tham chiếu là nội dung eCFR được coi như nó đã xuất bản trong Cơ quan Đăng ký Liên bang và CFR theo đó có hiệu lực của pháp luật.
Vấn đề tham chiếu này không chỉ là ý tưởng trong CFR mà đã được quy định trong Đạo luật Tự do Thông tin của Hoa Kỳ nhằm mục đích giảm khối lượng tài liệu được xuất bản trong Cơ quan Đăng ký Liên bang và CFR[8]. Quốc hội đã trao toàn quyền cho Giám đốc Cơ quan Đăng ký Liên bang để xác định liệu một công ty được đề xuất theo tham chiếu có phục vụ lợi ích công cộng hay không và phê duyệt yêu cầu IBR của cơ quan.

Về cập nhật, theo điều §1510 Đạo luật Đăng ký Liên bang, bản CFR xuất bản sẽ được cập nhật 1 năm/lần. Đối với bản eCFR, cơ quan Đăng ký Liên bang cập nhật eCFR hàng ngày, eCFR sẽ có hiệu lực trong vòng hai ngày làm việc do vậy eCFR sử dụng cụm từ “A point in time eCFR system (A specific or particular moment or period in time)” như là một biểu ngữ/khẩu hiệu đi kèm với eCFR để người đọc hiểu hệ thống CFR bản điện tử là tại một thời điểm cụ thể, tức eCFR trên website có thể cập nhật thường xuyên tại nhiều thời điểm, phiên bản người xem đang truy cập là một thời điểm nhất định. Ngay sau khi các sửa đổi của các quy định có hiệu lực, Cơ quan Đăng ký Liên bang sẽ tích hợp các thay đổi vào eCFR. Hầu hết các quy định đều có ngày hiệu lực trong tương lai vì vậy, eCFR chèn đường dẫn (link) có nội dung “Cross References-Tham chiếu chéo”để người dùng có thể xem xét các sửa đổi sắp tới này tại liên kết tham chiếu chéo đó (tức đi đến nguồn sửa đổi nội dung quy định).

Khi đến ngày có hiệu lực, các liên kết tham chiếu trên sẽ bị xóa và OFR tích hợp các thay đổi vào eCFR. Theo đó, eCFR không cập nhật ngay những quy định chưa có hiệu lực mà sẽ tham chiếu đến nguồn sửa đổi để người xem lưu ý tham khảo về việc nội dung đó sắp sửa bị sửa đổi, và bằng một số công nghệ, đến ngày quy định có hiệu lực thì sẽ được cập nhật ngay trên eCFR. CFR cũng lưu ý rằng việc tham chiếu chéo vào các sửa đổi có hiệu lực trong tương lai không đảm bảo rằng chúng sẽ có hiệu lực như đã nêu mà có thể bị sửa chữa, trì hoãn hoặc rút lại các sửa đổi trước (các) ngày có hiệu lực.

Về xử lý sai sót, eCFR công khai địa chỉ https://www.ecfr.gov/corrections  trong đó liệt kê các lỗi biên tập trong quá trình xử lý các sửa đổi eCFR. Bản sửa lỗi này sẽ dẫn đến “chủ đề của CFR” và phần bị ảnh hưởng để người đọc theo dõi. Phải lưu ý rằng, các lỗi do cơ quan phát hành không được phản ánh trong địa chỉ này. Các cơ quan sửa lỗi của họ bằng cách xuất bản các tài liệu để sửa đổi CFR trong Cơ quan Đăng ký Liên bang. Những thay đổi đó được tích hợp vào eCFR bởi cơ quan quản lý eCFR.

Có thể thấy, phần lỗi/sai sót biên tập trong eCFR là rất cụ thể, chi tiết, nêu rõ chủ đề/mục nào, đã được sửa lỗi như thế nào, ngày có lỗi xảy ra, ngày chỉnh sửa biên tập lại lỗi và nguồn của phần lỗi này. Các nội dung về lỗi này được theo dõi một cách hệ thống theo từng năm và nếu muốn xem trực tiếp nội dung đã xảy ra lỗi thì click vào Source - nguồn.
Về công cụ tìm kiếm chính xác kết quả mong muốn, người dùng có thể sử dụng công cụ tìm (Control-F hoặc Command-F) trong trình duyệt của mình để tìm kiếm chủ đề, cơ quan, tài liệu tham khảo quan tâm. Tuy nhiên, một số điểm nổi trội là có thể nâng cao, cá biệt hóa nội dung tìm kiếm như sau:
- Việc tìm kiếm sẽ rà soát hết các nội dung chính xác và liên quan, ví dụ tìm kiếm “fishes” sẽ tìm thấy các phần có chứa thuật ngữ “fish” và ngược lại. Nếu nhập nhiều cụm từ, kết quả sẽ chỉ bao gồm các kết quả khớp với cả hai cụm từ.
- Tìm kiếm “thuyền đánh cá” không có dấu ngoặc kép (thuyền đánh cá) sẽ chỉ trả về các trang chứa cả hai từ “câu cá” và “thuyền”. Nếu tìm kiếm cụm từ chính xác “thuyền đánh cá” cần đặt nó trong dấu ngoặc kép (“thuyền đánh cá” ).
- Nếu muốn loại trừ một số thuật ngữ trong nội dung tìm kiếm, sử dụng dấu “-” để phủ định, ví dụ khi nhập “fish -boat” sẽ trả về các phần bao gồm từ “fish” chứ không phải từ “boat”. Nếu bạn muốn tìm kiếm một trong số các từ nào đó, sử dụng ký tự |  được nhóm trong ngoặc đơn, ví dụ: cá (thuyền | vận chuyển) sẽ tìm các phần có từ cá và từ thuyền hoặc cá và từ vận chuyển. Như vậy sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chính xác nội dung hơn.
Về việc hiển thị các thay đổi/cập nhật gần đây, trên website có mục Các thay đổi gần đây, khi truy cập mục này sẽ hiển thị toàn bộ các thay đổi/cập nhật của eCFR theo từng ngày cụ thể ngày nào, chủ đề nào thay đổi, có bao nhiêu mục thay đổi, Tuy nhiên, phải hiểu rằng việc hiển thị thay đổi này đã được tập hợp lại ở 01 mục là Các thay đổi gần đây, và hệ thống hóa toàn bộ các thay đổi theo từng ngày, vì vậy, ngay ở mục này, mục đích lớn nhất là xem tổng quan liệu ngày bao nhiêu cụ thể có những chủ đề nào đang thay đổi và thay đổi có nhiều không, muốn biết thay đổi như thế nào thì phải xem nội dung chi tiết.
Bên cạnh đó, khi truy cập vào 50 chủ đề của eCFR cũng thấy rõ nội dung “Sửa đổi gần nhất vào ngày” và “Xem sửa đổi” được hiển thị ngay cạnh bên trong đó mô tả rõ ngày tháng năm sửa đổi và dẫn đến nội dung đã sửa đổi.Khi truy cập vào đường link để xem sửa đổi, eCFR cung cấp các thông tin cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn về ngày sửa đổi, chủ đề, số lượng section (mục) sửa đổi, chương sửa đổi, tiểu chương, phần, tiểu phần, mục và chính xác điều khoản đã sửa đổi.
Về đăng ký tài khoản của người dùng, việc đăng ký tài khoản người dùng là tự nguyện và sẽ chỉ yêu cầu cung cấp một số thông tin cá nhân trong đó có email và tự đặt một tên người dùng. Mục đích của tài khoản này là để hỗ trợ nội dung do công chúng đóng góp ý kiến phản hồi và cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa hơn. Hơn nữa, việc đăng ký cũng được đề cập nhằm phục vụ các cá nhân có nhu cầu thông báo về các sửa đổi, bổ sung, cập nhật trong eCFR để nắm được tình hình cập nhật của CFR cũng như các quy định mới của pháp luật.
Về đọc nội dung các qua PDF và có chức năng in ấn, quá trình tra cứu eCFR cho phép người đọc được đọc chi tiết một nội dung điều khoản cụ thể bằng chế độ PDF ngay khi đang trực tuyến và đồng thời có thể in ấn bất cứ nội dung nào mong muốn từ phần cấu trúc đến chi tiết nội dung của một điều. Điểm đáng nổi bật là bản in sẽ hiển thị đầy đủ toàn bộ thông tin cần thiết như: thuộc chủ đề nào, chương nào, phần nào, điều khoản nào, được cập nhật cuối cùng ngày bao nhiêu, lưu ý về giá trị của các nội dung này (được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền nhưng không chính thức), nguồn của văn bản gốc và nội dung cụ thể của điều khoản/phần cần in.
Về xem chi tiết các thông tin liên quan và nguồn phiên bản đã được xuất bản, người đọc có thể chọn tính năng xem chi tiết hơn để nắm rõ trích dẫn, sao chép đường link trực tuyến, các sửa đổi bổ sung liên quan, và nguồn xuất bản cũng như ngày tháng xuất bản/công bố. Bên cạnh đó, người đọc cũng có thể lựa chọn tính năng xem phiên bản đã được xuất bản nguồn nằm ở đâu và in ấn phiên bản gốc đã được xuất bản đó.

2. Bộ US Code của Hoa Kỳ (The United States Code)

The United States Code là việc hợp nhất và pháp điển theo chủ đề các luật chung và có tính ổn định của Hoa Kỳ và được soạn thảo và xuất bản bởi Văn phòng Cố vấn sửa đổi Luật[9] của Hạ viện Hoa Kỳ[10]. Phải lưu ý rằng, US Code chỉ bao gồm các luật có tính chất chung và ổn định của Hoa Kỳ, không phải mọi điều khoản có trong các luật công đó đều được đưa vào US Code (Các luật tạm thời, chẳng hạn như các hành vi chiếm đoạt và các luật đặc biệt, chẳng hạn như đặt tên cho một bưu điện, không được đưa vào). Văn phòng Cố vấn sửa đổi Luật xem xét mọi điều khoản của mọi luật công để xác định xem điều đó có nên đưa vào US Code hay không và nếu có thì ở đâu. Theo đó, quá trình này được gọi là pháp điển luật của Hoa Kỳ. US Code cũng có ấn phẩm in và ấn phẩm điện tử. Các phiên bản trực tuyến của US Code ở trên cùng một cơ sở dữ liệu và được duy trì bởi Văn phòng Cố vấn Sửa đổi Luật và sau khi hoàn thiện, chỉnh lý thì in bởi Văn phòng Xuất bản Chính phủ.
2.1. Cơ sở hình thành
Trước thực trạng Quốc hội ban hành một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, Hoa Kỳ nhận thấy việc tìm kiếm các văn bản luật sẽ trở nên khó khăn nếu không có một trật tự sắp xếp, tập hợp nhất định. Theo đó, hoạt động đầu tiên Hoa Kỳ thực hiện là tổng hợp, đánh số và xuất bản tất cả “slip law - luật đơn hành” sau mỗi kỳ họp Quốc hội Hoa Kỳ[11] (bắt đầu từ năm 1789) và đưa vào “U.S. Statutes at Large - tổng hợp toàn bộ luật được ban hành trong kỳ họp”.
Tuy nhiên, U.S. Statutes at Large cũng có một hạn chế là cách thức sắp xếp không theo chủ đề mà theo thời gian, vì vậy gây khó khăn cho các bên liên quan trong việc tìm kiếm toàn bộ quy định liên quan đến một vấn đề nhất định mặc dù đã được khoanh vùng giai đoạn. Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các quy định pháp luật, Quốc hội Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động pháp điển với các nguyên tắc: (i) sắp xếp các văn bản cùng chủ đề; (ii) loại bỏ các quy định bị bãi bỏ, thay thế, hết hiệu lực, không còn áp dụng trên thực tế; (iii) thực hiện hoạt động hợp nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung được thông qua.
Qua nhiều đợt thực hiện, năm 1873, bộ đầu tiên chính thức được Quốc hội ban hành là Revised Statutes of the United States - bộ các đạo luật được sửa đổi tập hợp theo chủ đề được thông qua thay thế toàn bộ các luật trước đó. Sau thời điểm Revised Statutes of the United States ra đời, hoạt động pháp điển cũng không được thuận lợi do xảy ra nhiều lỗi và không được cập nhật thường xuyên cũng như không được sự thống nhất giữa Hạ Viện và Nghị viện.
Năm 1924, sau khi chỉnh lý và bổ sung thêm các quy định được thông qua từ năm 1921, bộ pháp điển lại được trình ra Nghị viện và tiến hành kiểm soát chặt chẽ nội dung bởi nhiều chuyên gia. Nhằm xây dựng các Bộ pháp điển và duy trì kết quả này một cách thường xuyên tránh các sai sót, tranh cãi như trước, năm 1926, bản đầu tiên của US Code đã được công bố.  Bởi vì Bộ luật Hoa Kỳ chỉ bao gồm các luật chung và vĩnh viễn của Hoa Kỳ, không phải mọi điều khoản có trong các luật công đó đều được đưa vào Bộ luật. Văn phòng Luật sư Sửa đổi Luật (“OLRC”) xem xét mọi điều khoản của mọi luật công để xác định xem điều đó có nên đưa vào Bộ quy tắc hay không và nếu có thì ở đâu. Quá trình này được gọi là phân loại các luật Hoa Kỳ, nằm trong hoạt động pháp điển.

2.2. Website của US Code

Hiện nay, US Code được đăng tải lên 01 Website có địa chỉ đuôi house.gov (thuộc chính phủ). Đây là website có đuôi tương tự với website http://house.gov/, trang thông tin của Hạ viện Hoa Kỳ. Theo đó, có thể thấy, US Code bản điện tử được quản lý bởi cơ quan lập pháp, cụ thể là Hạ Viện. Ngoài ra, US Code có truyền thông xã hội qua nền tảng Twitter.

2.3. Cơ sở pháp lý và giá trị pháp lý

Cơ sở pháp lý của US Code là Đạo luật của Quốc hội. Trong đó, việc pháp điển các luật của Quốc hội được ghi nhận tại §285b của Đạo luật (theo §285b. Chức năng. Chương 9A. Văn phòng Cố vấn sửa đổi luật. Chủ đề 2. Quốc hội. US Code) và §204 của Đạo luật (theo §204b của Chương 3. US Code và Phụ lục được coi bằng chứng của luật pháp Hoa Kỳ và Đặc khu Columbia; trích dẫn US Code và Phần bổ sung. Chủ đề 1. Những quy định chung). Theo đó, có thể thấy, vấn đề pháp điển luật của Quốc hội được quy định tại điều về chức năng của một Văn phòng thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ và phần về quy định chung mà không phải tại 01 văn bản riêng cũng như chương/phần riêng.
Theo §285b US Code, việc thực hiện sửa đổi, cập nhật và sắp xếp lại các luật hiện hành theo cách thức pháp điển và khi hoàn thành các chủ đề là lĩnh vực riêng của luật, thì sẽ đề xuất ban hành các quyển của Bộ pháp điển như luật thực định. Một khi đã được ban hành thành luật, các quyển này của US Code thay thế thủ tục ban hành các quy định trước đó về một chủ đề nào đó và thông qua chính quyển đó như một đạo luật và do vậy, làm cho những quyển này trở nên có giá trị áp dụng ngay cho dù không phải là ban hành mới. Như vậy có thể thấy, khi Văn phòng Cố vấn sửa đổi Luật đệ trình lên Ủy ban Tư pháp[12] hồ sơ về việc hoàn chỉnh lại hệ thống luật để xây dựng US Code thì quá trình đưa ra phiên bản mới đó cũng được coi như là luật thực định vì bản chất nội dung, tinh thần của quy định không khác biệt so với bản luật ban đầu.
Theo §204 US Code, vấn đề được nêu trong ấn bản chính (phiên bản in) của US Code (cùng với phần bổ sung hiện tại của nó) thiết lập prima facie - bằng chứng đầu tiên (tức có giá trị hiệu lực) tại tất cả các tòa án, trọng tài và cơ quan công quyền của Hoa Kỳ, ở trong nước hoặc ở nước ngoài, của Đặc khu Columbia và của mỗi Tiểu bang, Lãnh thổ hoặc sở hữu quần đảo của Hoa Kỳ. Có thể thấy, việc thừa nhận quy định tại US Code như là bằng chứng trước các cơ quan có thẩm quyền cho thấy giá trị của US Code trong việc áp dụng.
Tuy nhiên, nếu có tranh chấp phát sinh như về tính chính xác hay thiếu đầy đủ của việc pháp điển, thì các tòa án sẽ quay lại xem xét ngôn ngữ của luật gốc mà Quốc hội đã ban hành. Đáng lưu ý, các điều khoản không nằm trong luật thực định và không được đưa vào US Code vẫn phát sinh hiệu lực tại văn bản gốc. Bên cạnh đó, các phiên bản trực tuyến US Code được một số công ty tư nhân xuất bản là không chính thức.

2.4. Cấu trúc/bố cục của US Code

US Code hiện có 54 chủ đề (cũng là 54 quyển) là các lĩnh vực khác nhau và 5 phụ lục. Mỗi chủ đề/quyển của US Code được chia nhỏ thành tổ hợp các đơn vị nhỏ hơn như phụ đề/quyền (subtitle), chương (chapter), phụ chương (subchapter), phần (part), phụ phần (subpart) và mục (section). Các phần (part) thường được chia nhỏ thành tổ hợp của các đơn vị nhỏ hơn như tiểu mục (subsection), đoạn văn (paragraphs), phụ đoạn (subparagraphs), điều (clause) và phụ điều (subclause) và đơn vị (items). Tuy nhiên, việc sắp xếp cũng như bố cục là cũng không nhất thiết phải theo thứ tự vừa đề cập mà tùy các trường hợp.
Bảng phân loại (Classification tables) sẽ cho biết các luật được ban hành gần đây sẽ xuất hiện ở đâu trong US Code và những phần nào của US Code đã được sửa đổi bởi các luật đó. Các bảng được sắp xếp theo thứ tự Luật Công có thể được sử dụng để xác định các phần của US Code bị ảnh hưởng bởi một luật cụ thể. Các bảng được sắp xếp theo thứ tự luật có thể được sử dụng để xác định xem một phần cụ thể của luật có được sửa đổi gần đây hay không. Các bảng chỉ bao gồm những quy định của pháp luật đã được phân loại vào US Code.
US Code được chia thành các chủ đề theo từng lĩnh vực khác nhau. Một số được gọi là chủ đề luật thực định và phần còn lại được gọi là chủ đề luật không thực định. Sự khác biệt này có ý nghĩa pháp lý. Các chủ đề luật không thực định là bằng chứng hiển nhiên của luật (prima facie evidence), nhưng các chủ đề luật thực định cấu thành bằng chứng pháp lý (legal) của luật tại tất cả các tòa án Liên bang và Tiểu bang (1 U.S.C. 204). Sự khác biệt giữa "prima facie" và "legal" là vấn đề về thẩm quyền. Văn bản luật xuất hiện trong một chủ đề luật không thực định có thể bị bác bỏ bằng cách chỉ ra rằng từ ngữ trong đạo luật cơ bản là khác.
2.5. Tính cập nhật của US Code
Ấn phẩm US Code phiên bản in (“ấn bản chính”) được Văn phòng Xuất bản Chính phủ (“GPO”) in 6 năm/lần và 05 phần bổ sung tích lũy hàng năm được in trong các năm xen kẽ. Phiên bản in được chuẩn bị và in tuần tự trên cơ sở từng chủ đề thay vì in tất cả cùng một lúc. Việc in ấn bản chính hoặc phần bổ sung mới không thể bắt đầu trước phiên họp Quốc hội tương ứng kết thúc vì luật ban hành vào cuối phiên họp có thể ảnh hưởng đến các chủ đề ở phần đầu của US Code. Các ấn phẩm này sẽ chính thức thông qua các luật được ban hành kể từ 01 phiên họp cụ thể của Quốc hội. Do đó, hiện có một khoảng thời gian “nghỉ” giữa ngày luật được ban hành và xuất hiện trong ấn phẩm in.
Các phiên bản trực tuyến của US Code trên website được sản xuất bằng cách sử dụng đồng bộ dữ liệu được duy trì bởi Văn phòng Luật sư Sửa đổi Luật và từ đó Văn phòng Xuất bản Chính phủ (GPO) in các tập US Code. Hai bộ phận này phối hợp với nhau để hoàn thiện US Code từ dữ liệu có sẵn.
Phiên bản trên trang website US Code là phiên bản trực tuyến mới nhất. Các nhân sự thuộc Văn phòng Cố vấn sửa đổi Luật liên tục cập nhật phiên bản này trong suốt phiên họp quốc hội. Ngày lưu hành từng phần của US Code bản điện tử được hiển thị phía trên văn bản của phần đó. Nếu phần đó bị ảnh hưởng bởi bất kỳ luật nào được ban hành sau ngày đó, thì những luật đó sẽ xuất hiện trong danh sách "Cập nhật đang chờ xử lý". Nếu không có bản cập nhật đang chờ xử lý nào được liệt kê, thì phần này hiện tại như được hiển thị.
 

[1] Cơ quan Đăng ký Liên bang là tạp chí hằng ngày của Chính phủ Liên bang, cơ quan xuất bản ấn phẩm chính thức hàng ngày về các quy tắc, quy tắc được đề xuất và thông báo của các cơ quan và tổ chức Liên bang, cũng như các mệnh lệnh hành pháp và các văn bản khác của Tổng thống.  Đây là cơ quan phụ trách quản lý CFR.
[2] Lưu trữ Quốc gia là bộ phận tập hợp các tài liệu của Chính phủ Hoa Kỳ ghi lưu các sự kiện quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ. Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) là cơ quan Chính phủ bảo quản và duy trì các tài liệu này và luôn bảo đảm các tài liệu này trong tình trạng có sẵn để phục vụ tra cứu.[2] Đây là cơ quan chịu trách nhiệm lưu trữ các nguyên liệu (là văn bản) pháp điển nên CFR và lưu trữ bản CFR in ấn.
[3] Văn phòng Xuất bản của Chính phủ Hoa Kỳ (GPO) là cơ quan có nhiệm vụ công bố các thông tin đáng tin cậy thuộc Chính phủ Hoa Kỳ đến người dân. GPO tồn tại như một cơ quan thuộc nhánh lập pháp của chính phủ Liên bang Hoa Kỳ với chức năng sản xuất và phân phối các sản phẩm và dịch vụ thông tin cho cả ba nhánh của Chính phủ Liên bang [3]. Hiện nay, Văn phòng Đăng ký Liên bang (OFR) của Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) và Văn phòng Xuất bản của Chính phủ Hoa Kỳ (GPO) cùng quản lý trang web FederalRegister.gov. (Web nguồn của CFR)
[4] Bộ hướng dẫn Nghiên cứu về Cơ quan Đăng ký Liên bang và CFR, Sách Nguồn Lập pháp của LLSDC, Richard J. McKinney, xem thêm: https://www.llsdc.org/fr-cfr-research-guide
[5] Phát triển bởi Công ty Lyker Labs (LLC)
[6] Ủy ban Hành chính của Cơ quan Đăng ký Liên bang (ACFR) được thành lập vào năm 1935 theo Đạo luật Đăng ký Liên bang (FRA) (44 U.S.C. Chương 15) với tư cách là cơ quan hành pháp/cơ quan lập pháp thường trực chịu trách nhiệm giám sát các chức năng của hệ thống xuất bản Cơ quan Đăng ký Liên bang. Ủy ban Hành chính được chỉ định là cơ quan có thẩm quyền thành lập cơ quan xây dựng CFR và đã ủy quyền cho Cơ quan Đăng ký Liên bang (OFR) và Văn phòng Xuất bản của Chính phủ (GPO) phát triển, duy trì eCFR như một nguồn thông tin.
[8] 5 U.S.C. 552(a) và 1 CFR phần 51             
[9] Văn phòng Cố vấn sửa đổi Luật (The Office of the Law Revision Counsel - OLRC) là một văn phòng độc lập, phi đảng phái tại Hạ viện Hoa Kỳ dưới quyền của Chủ tịch Hạ viện. Các chức năng của OLRC được quy định trong 2 U.S.C. 285b liên quan đến quá trình chuẩn bị và đệ trình, sửa đổi, cập nhật, hoàn thiện việc sắp xếp, phân loại, hệ thống, pháp điển luật. OLRC tiếp nhận các vấn đề liên quan đến website US Code và công tác pháp điển. Tuy nhiên, OLRC không cung cấp các giải thích hoặc tư vấn pháp lý cho công chúng và không tham gia vào việc hoạch định chính sách. Có thể nói, OLRC là bộ phận quan trọng nhất đối với US Code.
[10] Hạ viện Hoa Kỳ (United States House of Representatives/United States House), còn gọi là Viện Dân biểu Hoa Kỳ, là một trong hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ; viện kia là Thượng viện Hoa Kỳ được thiết lập trong Điều I Hiến pháp Hoa Kỳ. Mỗi tiểu bang có số đại diện tại Hạ viện theo tỉ lệ dân số nhưng theo luật định mỗi tiểu bang được có ít nhất một dân biểu.
[11] Quốc hội Hoa Kỳ (United States Congress) là cơ quan lập pháp của Chính quyền Liên bang Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ. Quốc hội Hoa Kỳ là định chế quyền lực theo mô hình lưỡng viện, gồm Hạ viện (House of Representatives, còn gọi là Viện Dân biểu) và Thượng viện (Senate, dịch nghĩa là Viện Nguyên lão) đều có quyền lực trong quy trình thông qua các dự luật. Ngoài ra, Quốc hội có các cơ quan giúp việc như Thư viện Quốc hội, Bộ phận khảo cứu nghiên cứu, Bộ phận ngân sách phụ trách cung cấp thông tin và giúp việc cho Quốc hội.
[12] Ủy ban Tư pháp (The Committee on the Judiciary) được gọi là cố vấn pháp lý của Hạ viện bởi thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến việc thực thi công lý tại các tòa án liên bang, cơ quan hành chính và cơ quan thực thi pháp luật. Ủy ban Tư pháp có vai trò không thường xuyên nhưng quan trọng của nó trong thủ tục luận tội. Bên cạnh các nhiệm vụ về một số lĩnh vực, Ủy ban có nhiệm vụ quan trọng khi là cơ quan được Văn phòng Cố vấn sửa đổi luật đệ trình các bản hoàn chỉnh, sửa đổi, tổng hợp liên quan đến US Code
Hoàng Như Quỳnh
Chung nhan Tin Nhiem Mang