Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tố tụng hình sự
Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo Quyết đinh số 891/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Tố tụng hình sự (Đề mục số 7 thuộc Chủ đề số 37 - Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp). Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thành việc thực hiện pháp điển đối với Đề mục này. Đề mục này đã được tổ chức họp thẩm định và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện kết quả pháp điển Đề mục để ký xác thực, gửi hồ sơ kết quả pháp điển Đề mục Tố tụng hình sự đến Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) tổng hợp, trình Chính phủ xem xét thông qua theo quy định.
Đề mục Tố tụng hình sự có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Bộ luật này (Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có cấu trúc đồ sộ tương tự như Bộ luật Tố tụng dân sự do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo. Bộ luật Tố tụng hình sự gồm 09 phần với 36 chương và 510 điều luật) - trong đó, Bộ luật này có một số điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 02/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội.
Trên cơ sở đó, theo danh mục văn bản QPPL qua quá trình Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đưa ra báo cáo Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển Đề mục này thì Đề mục Tố tụng hình sự hiện được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 28 văn bản quy phạm pháp luật và trong đó có 05 văn bản quy phạm pháp luật có văn bản sửa đổi, bổ sung. Cụ thể: Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 02/2021/QH15 như vừa nêu trên; Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13; Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 về Quy chế quản lý kho vật chứng, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP; Nghị định số 115/2017/NĐ-CP ngày 16/10/2017 quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp; Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng; Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 97/2019/NĐ-CP; Thông tư số 135/2017/TT-BQP ngày 26/5/2017 quy định về quản lý, bảo quản vật chứng là chất độc và vật chứng cần có điều kiện bảo quản đặc biệt trong Quân đội; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021; Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa; Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 quy định phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện; Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/6/2018 quy định về việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 07/8/2018 quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm; Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo; Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên; Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra; Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 129/2021/TT-BCA; Thông tư số 30/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của bộ luật tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; Thông tư số 43/2021/TT-BCA ngày 22/4/2021 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi; Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC ngày 29/11/2021 quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Các nội dung cơ bản trong mỗi phần, chương, mục của Đề mục Tố tụng hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Phần thứ nhất bao gồm 08 chương, là những quy định chung. Chương I gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ và giải thích từ ngữ ... của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các điều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích từ ngữ của các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nêu trên, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 37.7.NĐ.2.1. Phạm vi điều chỉnh; ...; Điều 37.7.TL.15.1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Điều 37.7.LQ.2. Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 37.7.LQ.3. Hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 37.7.LQ.4. Giải thích từ ngữ; ...; Điều 37.7.TL.9.3. Giải thích từ ngữ; Điều 37.7.TT.6.2. Giải thích từ ngữ; Điều 37.7.LQ.5. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; Điều 37.7.LQ.6. Phát hiện và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Chương II gồm các quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.7. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự; ...; Điều 37.7.LQ.10. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể; ...; Điều 37.7.LQ.13. Suy đoán vô tội; Điều 37.7.LQ.14. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm; Điều 37.7.LQ.15. Xác định sự thật của vụ án; Điều 37.7.LQ.16. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; ...; Điều 37.7.LQ.31. Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; Điều 37.7.LQ.32. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; Điều 37.7.LQ.33. Kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự. Chương III gồm các quy định về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.34. Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; Điều 37.7.LQ.35. Cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; ... Chương IV gồm các quy định về người tham gia tố tụng. Chương V gồm các quy định về bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.72. Người bào chữa; ...; Điều 37.7.TT.3.9. Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; ...; Điều 37.7.LQ.84. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Chương VI gồm các quy định về chứng minh và chứng cứ, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự; ... Điều 37.7.TL.7.7. Các loại thông tin, tài liệu mà Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của ngành Công an có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; ...; Điều 37.7.TL.7.12. Thời hạn cung cấp thông tin, tài liệu; ...; Điều 37.7.LQ.90. Bảo quản vật chứng; ...; Điều 37.7.NĐ.3.4. Nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng; Điều 37.7.NĐ.3.5. Vật chứng cần niêm phong và vật chứng không cần niêm phong; ...; Điều 37.7.NĐ.3.11. Trình tự, thủ tục mở niêm phong vật chứng; ...; Điều 37.7.LQ.107. Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử; Điều 37.7.LQ.108. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Chương VII gồm các quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp chưỡng chế và được chia làm 02 Mục với Mục 1 là những quy định về biện pháp ngăn chặn và Mục 2 là những quy định về biện pháp cưỡng chế. Chương VIII gồm các quy định về hồ sơ vụ án, văn bản tố tụng, thời hạn và chi phí tố tụng, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.131. Hồ sơ vụ án; Điều 37.7.TL.11.35. Thống kê, đóng dấu và đánh số bút lục hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố; ...; Điều 37.7.LQ.134. Tính thời hạn; Điều 37.7.LQ.135. Chi phí tố tụng; ...; Điều 37.7.LQ.140. Thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng; Điều 37.7.LQ.141. Thủ tục thông báo văn bản tố tụng trên phương tiện thông tin đại chúng; Điều 37.7.LQ.142. Trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng.
- Phần thứ hai bao gồm 09 chương, là những quy định về khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Chương IX gồm các quy định về khởi tố vụ án hình sự, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự; ...; Điều 37.7.LQ.161. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự; Điều 37.7.TL.11.7. Khởi tố vụ án, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự; Điều 37.7.LQ.162. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong việc khởi tố; ...; Điều 37.7.TL.11.6. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát. Chương X gồm các quy định về điều tra vụ án hình sự. Chương XI gồm các quy định về khởi tố bị can và hỏi cung bị can, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.179. Khởi tố bị can; ...; Điều 37.7.LQ.183. Hỏi cung bị can; ...; Điều 37.7.TL.5.7. Sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố; Điều 37.7.LQ.184. Biên bản hỏi cung bị can. Chương XII gồm các quy định về lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng. Chương XIII gồm các quy định về khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật. Chương XIV gồm các quy định về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.201. Khám nghiệm hiện trường; ...; Điều 37.7.LQ.204. Thực nghiệm điều tra. Chương XV gồm các quy định về giám định và định giá tài sản. Chương XVI gồm các quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.223. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; Điều 37.7.LQ.224. Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; ...; Điều 37.7.LQ.228. Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; Điều 37.7.TL.11.27. Hủy bỏ, kết thúc việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Chương XII gồm các quy định về tạm đình điều tra và kết thúc điều tra, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.229. Tạm đình chỉ điều tra; ...; Điều 37.7.LQ.232. Kết thúc điều tra; ...; Điều 37.7.LQ.235. Phục hồi điều tra; Điều 37.7.TL.13.7. Phục hồi, đình chỉ điều tra đối với vụ án đã tạm đình chỉ trong giai đoạn điều tra.
- Phần thứ ba bao gồm 02 chương, là những quy định về truy tố, với Chương XVIII gồm các quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền truy tố và thời hạn quyết định việc truy tố, nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố; còn Chương XIX gồm các quy định về việc quyết định việc truy tố bị can, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.243. Quyết định truy tố bị can; ...; Điều 37.7.LQ.249. Phục hồi vụ án; Điều 37.7.TL.13.9. Phục hồi, đình chỉ đối với vụ án đã tạm đình chỉ trong giai đoạn truy tố.
- Phần thứ tư bao gồm 03 chương, là những quy định về xét xử vụ án hình sự. Chương XX gồm các quy định chung, như: Điều 37.7.LQ.250. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục; Điều 37.7.LQ.251. Tạm ngừng phiên tòa; ...; Điều 37.7.LQ.266. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử; Điều 37.7.LQ.267. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử. Chương XXI gồm các quy định về xét xử sơ thẩm với 06 Mục: Mục 1 là các quy định về vấn đề thẩm quyền của Tòa án các cấp; Mục 2 là các quy định về việc chuẩn bị xét xử; Mục 3 là các quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa; Mục 4 là các quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa; Mục 5 là các quy định về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa; Mục 6 là các quy định về nghị án và tuyên án (ví dụ: Điều 37.7.LQ.326. Nghị án; ...; Điều 37.7.LQ.329. Bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án). Chương XXII gồm các quy định về xét xử phúc thẩm, với 02 Mục: Mục 1 là các quy định về tính chất của xét xử phúc thẩm và quyền kháng cáo, kháng nghị; Mục 2 là các quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm (ví dụ: Điều 37.7.LQ.344. Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm; Điều 37.7.LQ.345. Phạm vi xét xử phúc thẩm; ...; Điều 37.7.LQ.360. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án hình sự; ...).
- Phần thứ năm bao gồm 02 chương, là những quy định về thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Chương XXIII gồm các quy định về bản án, quyết định được thi hành và thẩm quyền ra quyết định thi hành án, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.363. Bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay; ...; Điều 37.7.LQ.366. Giải quyết kiến nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án. Chương XXIV gồm các quy định về một số thủ tục thi hành án tử hình, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích.
- Phần thứ sáu bao gồm 03 chương, là những quy định về xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Chương XXV gồm các quy định về thủ tục giám đốc thẩm, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.370. Tính chất của giám đốc thẩm; ...; Điều 37.7.LQ.396. Thời hạn chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại. Chương XXVI gồm các quy định về thủ tục tái thẩm, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.397. Tính chất của tái thẩm; ...; Điều 37.7.LQ.403. Các thủ tục khác về tái thẩm. Chương XXVII gồm các quy định về thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.405. Thành phần tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị, đề nghị; ...; Điều 37.7.LQ.412. Gửi quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Phần thứ bảy bao gồm 07 chương, là những quy định về thủ tục đặc biệt. Chương XXVIII gồm các quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Chương XXIX gồm các quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Chương XXX gồm các quy định về thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Chương XXXI gồm các quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.455. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn; Điều 37.7.LQ.456. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn; ... Chương XXXII gồm các quy định về vấn đề xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự. Chương XXXIII gồm các quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Chương XXXIV gồm các quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác.
- Phần thứ tám bao gồm 02 chương, là những quy định về hợp tác quốc tế. Chương XXXV gồm các quy định chung về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Chương XXXVI gồm các quy định về một số hoạt động hợp tác quốc tế, chẳng hạn: Điều 37.7.LQ.497. Việc tiếp nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; ...; Điều 37.7.LQ.508. Phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
- Phần thứ chín bao gồm các quy định về điều khoản thi hành (hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành, tổ chức thực hiện) của các văn bản đã được pháp điển như đã nêu ở phần đầu bài viết.
Và như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Tố tụng hình sự đã xác định được hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp điều chỉnh, quy định về hoạt động tố tụng hình sự và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu. Ngoài ra, có những quy định được pháp điển trong Đề mục Tố tụng hình sự được xác định có nội dung liên quan trực tiếp đến quy định trong văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác./.
Huỳnh Hữu Phương