Hệ thống quy phạm pháp luật còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương ban hành quy định về giám định tư pháp
Thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp) đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan pháp điển xong Đề mục Giám định tư pháp (Đề mục số 3 thuộc Chủ đề số 4 - Bổ trợ tư pháp). Đến nay, Đề mục Giám định tư pháp đã được thẩm định và đang trình Chính phủ xem xét thông qua theo quy định.
Đề mục Giám định tư pháp có cấu trúc gồm 09 chương (trong đó, 08 chương là theo cấu trúc của Luật giám định tư pháp năm 2012 và 01 được bổ sung - đó là Chương VIII. Công tác giám định tư pháp trong các lĩnh vực) và được pháp điển từ 29 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: (1) Luật giám định tư pháp số 13/2013/QH13 ngày 20/6/2012; (2) Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp; (3) Nghị định số 62/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (pháp điển các điều 2, 3, 4); (4) Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; (5) Thông tư số 02/2009/TT-BTP ngày 17/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp; (6) Thông tư số 04/2013/TT-BVHTTDL ngày 03/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, lập và công bố danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa; (7) Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Luật giám định tư pháp và Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp; (8) Thông tư số 24/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực lĩnh vực thông tin và truyền thông; (9) Thông tư số 25/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hồ sơ giám định tư pháp và các biểu mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; (10) Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y; (11) Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần; (12) Thông tư số 04/2014/TT-BXD ngày 22/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng; (13) Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; (14) Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL ngày 23/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hồ sơ, các mẫu văn bản thực hiện giám định tư pháp; áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của văn phòng giám định tư pháp về di vật, cổ vật, quyền tác giả, quyền liên quan; (15) Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT ngày 01/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; (16) Thông tư số 45/2014/TT-BTNMT ngày 01/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giám định tư pháp và các mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; (17) Thông tư số 33/2014/TT-BCA ngày 05/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự; (18) Thông tư số 33/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải; (19) Thông tư số 137/2014/TT-BTC ngày 18/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; (20) Thông tư số 07/2014/TT-BKHĐT ngày 24/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; (21) Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ; (22) Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT ngày 23/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; (23) Thông tư số 44/2014/TT-NHNN ngày 29/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; (24) Thông tư số 18/2015/TT-BYT ngày 14/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần; (25) Thông tư số 31/2015/TT-BYT ngày 14/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc áp dụng chế độ bồi dưỡng, thời gian và số người thực hiện giám định đối với từng loại việc giám định pháp y, pháp y tâm thần; (26) Thông tư số 12/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về Quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập Hội đồng giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; (27) Thông tư số 42/2015/TT-BYT ngày 16/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (28) Thông tư số 53/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định cho tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; (29) Thông tư số 30/2016/TT-BCT ngày 13/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương; (30) Thông tư số 49/2017/TT-BCA ngày 26/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; thành phần, số người thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi và khai quật tử thi.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của Đề mục Giám định tư pháp như sau:
- Chương I gồm 49 điều quy định những vấn đề chung về giám định tư pháp như: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ một số thuật ngữ chuyên môn của lĩnh vực giám định tư pháp (Giám định tư pháp; Người trưng cầu giám định; Người yêu cầu giám định; Giám định viên tư pháp; Người giám định tư pháp theo vụ việc; Tổ chức giám định tư pháp); Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp; Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động giám định tư pháp; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp; Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 5 điều quy định cơ bản về tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp như: Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp; Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp; Miễn nhiệm giám định viên tư pháp; Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp.
- Chương III gồm 02 Mục và có 27 điều với các quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập và tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập. Cụ thể: Mục 1 quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập như: Các tổ chức giám định tư pháp công lập - chức năng, nhiệm vụ và quy định vấn đề bảo đảm cơ sở vật chất của các tổ chức này (Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y cấp tỉnh; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần: Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế. Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng); Mục 2 với các quy định về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập - Văn phòng giám định tư pháp như: Văn phòng giám định tư pháp được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả; Văn phòng giám định tư pháp được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 85/2013/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng giám định tư pháp; Điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; Cấp phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp; Đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; Thông báo, đăng báo về nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động khi thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật của Văn phòng và cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; Thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định của Văn phòng giám định tư pháp; Chuyển đổi loại hình Văn phòng giám định tư pháp; Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; Chính sách đối với Văn phòng giám định tư pháp (được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế); Chấm dứt hoạt động Văn phòng giám định tư pháp.
- Chương IV gồm 05 điều quy định về người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc như: Điều kiện người giám định tư pháp theo vụ việc; Điều kiện tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Thời gian công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Thông tin công bố về người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
- Chương V gồm 15 điều quy định về hoạt động giám định tư pháp như: Quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp; Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp; Quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp; Quyền, nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; Trưng cầu giám định tư pháp; Về yêu cầu giám định tư pháp trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự; Giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định; Giám định cá nhân, giám định tập thể; Giám định bổ sung, giám định lại; Hội đồng giám định; Các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp; Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp; Kết luận giám định tư pháp; Hồ sơ giám định tư pháp; Tương trợ tư pháp về giám định tư pháp.
- Chương VI quy định về chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp như: Trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp của người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định; Chế độ đối với người giám định tư pháp và người tham gia giám định tư pháp - Chế độ bồi dưỡng; chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp; Chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp.
- Chương VII gồm 9 điều quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp như: Quy định về cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp; Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp; Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực giám định tư pháp; Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Trách nhiệm của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Chương VIII (Chương được bổ sung – Công tác giám định tư pháp trong các lĩnh vực) gồm 13 Mục, cụ thể: Mục 1 có 15 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng; Mục 2 có 11 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa; Mục 3 có 13 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính; Mục 4 có 11 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Mục 5 có 26 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực y tế; Mục 6 có 10 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Mục 7 có 6 điều quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự; Mục 8 có 9 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải; Mục 9 có 10 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Mục 10 có 14 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Mục 11 có 17 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Mục 12 có 9 điều quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Mục 13 có 15 điều với các quy định cơ bản về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương.
Chương IX gồm 52 điều quy định về điều khoản thi hành như các quy định về hiệu lực thi hành, quy định chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành/tổ chức thực hiện của các văn bản được sử dụng để pháp điển vào Đề mục này.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Giám định tư pháp, lần đầu tiên toàn bộ hệ thống quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương ban hàn quy định về giám định tư pháp đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống quy phạm pháp luật.
Vũ Thị Mai