Đưa Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đánh giá cao về sự cần thiết xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước và khẳng định Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển đạt được thành tích đáng ghi nhận.
Tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã giới thiệu về Bộ pháp điển, tình hình triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển trong thời gian qua và cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL: “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển. Ngoài ra, Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh pháp điển cũng quy định việc pháp điển phải đảm bảo “không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển”. Do đó, Bộ pháp điển Việt Nam hiện nay là Bộ pháp điển về mặt hình thức.
Bộ pháp điển được xây dựng theo quy định tại Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL là Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước, được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật.
Công tác pháp điển trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng được ghi nhận, cụ thể: Theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1267/QĐ-TTg, Bộ pháp điển bao gồm 45 chủ đề với 265 đề mục được hoàn thành theo 03 giai đoạn (từ năm 2014 đến năm 2023). Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai công tác pháp điển bảo đảm hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ đặc biệt hoàn thành pháp điển trước tiến độ đối với một số đề mục có hệ thống QPPL ổn định và có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 87/265 đề mục, trong đó có 67 đề mục đã được Chính phủ phê duyệt thông qua (tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 và Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 18/01/2018). Ngày 20/12/2017 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã phê duyệt Quyết định số 2691/QĐ-BTP về việc công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp trong đó có sự kiện “Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật vượt tiến độ, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp”. Đối với các đề mục đã được Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp đăng tải tại Mục Bộ pháp điển và đối với các đề mục đã được thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ dự kiến trình Chính phủ phê duyệt thông qua trong thời gian tới được Bộ Tư pháp tạm thời đăng tải trên Mục Kết quả pháp điển đã thẩm định tại Cổng thông tin điện tử pháp điển (http://phapdien.moj.gov.vn/Pages/home.aspx).
Giới thiệu về cách thức khai thác và sử dụng Bộ pháp điển, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã giới thiệu cách thức tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển: Hiện nay, cấu trúc của Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề với 265 đề mục. Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo cấu trúc của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, bao gồm: Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều. Bên phải mỗi cấu trúc đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều đều có cụm từ “xem chi tiết”. Người dùng click chuột vào cụm từ “xem chi tiết” để mở ra nội dung phần cấu trúc mà mình có nhu cầu tra cứu (có thể xem nội dung của cả 1 đề mục hoặc 1 phần, chương, mục, tiểu mục, điều cụ thể). Ngay dưới số và tên điều trong Bộ pháp điển là phần ghi chú cụ thể về điều trong văn bản được pháp điển, qua đó, người dùng sẽ có thông tin chi tiết về điều cụ thể trong Bộ pháp điển (số thứ tự của điều, điều nằm trong văn bản cụ thể, ngày ban hành, ngày có hiệu lực hoặc điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ hay không). Phần ghi chú được gán link đến điều tương ứng của văn bản sử dụng để pháp điển trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Giữa các phần, chương, mục, tiểu mục, điều có thể được chỉ dẫn liên quan đến nhau.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đánh giá Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng; Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển một cách hiệu quả, chất lượng và đạt được thành tích đáng ghi nhận. Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL khẳng định tính hữu ích của Bộ pháp điển, thông qua công tác pháp điển góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam và đặt ra yêu cầu đưa Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống nhằm giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện trong việc tra cứu pháp luật./.
Trần Thanh Loan