Tọa đàm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển
Sign In

Tin hoạt động

Tọa đàm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngày 22/8/2019, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Tọa đàm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Tọa đàm do Đ/c Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cùng với sự tham gia của các đại biểu là cán bộ pháp chế, cán bộ ở các đơn vị thuộc các Sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Luật sư, luật gia, những người được giao thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đ/c Đồng Ngọc Ba đã nêu rõ với khoảng 10.000 văn bản QPPL do Trung ương ban hành như hiện nay thì việc xây dựng Bộ pháp điển để tập hợp các QPPL vào một chỗ đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 Chủ đề và 271 Đề mục. Đến nay các bộ, ngành đã thực hiện xong 120/271 đề mục và được Chính phủ thông qua, chính thức đưa vào khai thác xử dụng. Như vậy, qua việc thực hiện pháp điển xong 120/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 04 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 10 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực. Bước đầu Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.
 

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe Đ/c Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL giới thiệu về ý nghĩa, quá trình xây dựng và kết cấu của Bộ pháp điển. Đồng thời, Đ/c cũng tập trung giới thiệu về Bộ pháp điển điện tử đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển. Theo đó, Bộ pháp điển điện tử gồm 02 cấu phần chính: cấu phần thứ nhất là về cấu trúc của Bộ pháp điển gồm tên, vị trí các chủ đề, đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục và điều của Bộ pháp điển; cấu phần thứ hai là về nội dung của điều, tiểu mục, mục, chương, phần trong Bộ pháp điển. Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn được Đ/c hướng dẫn về tính năng tìm kiếm, cách thức tra cứu các quy phạm pháp luật trong Bộ pháp điển, cụ thể là các quy định tại các đề mục: Phát triển ngành nghề nông thôn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 

Phát biểu tại Tọa đàm, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những nội dung cơ bản của 02 đề mục đã được Chính phủ thông qua như: Phát triển ngành, nghề nông thôn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, nội dung cơ bản trong đề mục Phát triển ngành, nghề nông thôn quy định về công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; quản lý và phát triển ngành nghề nông thôn; quản lý và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quy định về kinh tế trang trại. Nội dung cơ bản trong đề mục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đề mục Hợp tác xã đang được các bộ, ngành rà soát văn bản, triển khai thực hiện. Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; đề mục Hợp tác xã có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Hợp tác xã năm 2012.
 

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các báo cáo viên tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đánh giá cao vai trò quan trọng của Bộ pháp điển đặc biệt là kết quả pháp điển các đề mục: Phát triển ngành nghề nông thôn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động tra cứu, tìm kiếm các QPPL đang còn hiệu lực. Qua đó góp phần nâng cao năng lực, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ đắc lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn với việc duy trì Bộ pháp điển bởi hoạt động cập nhật văn bản QPPL mới, loại bỏ những văn bản QPPL đã hết hiệu lực kịp thời là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Kết thúc Tọa đàm, Đ/c Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến rất trách nhiệm của các đại biểu tham dự, đồng thời tin tưởng các đề mục: Hợp tác xã; Phát triển ngành nghề nông thôn; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau khi đưa vào khai thác, sử dụng sẽ hữu ích đối với nhu cầu tra cứu tìm hiểu về văn bản QPPL của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp./.
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang