Theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, Bộ pháp điển được xây dựng trong 10 năm (2014 - 2023). Theo đó, Giai đoạn 1(2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2017 - 2020) hoàn thành 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục.
Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 100/265 đề mục. Trong đó, Chính phủ đã thông qua ba lần với 94 đề mục (Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017; Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 18/01/2018 và Nghị quyết số 129/NQ-CP). Theo Kế hoạch công tác, các bộ, ngành đang thực hiện pháp điển và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 và 2019 thêm khoảng 50 đề mục. Với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, các bộ, ngành đang tiếp tục hướng tới việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển để “về đích sớm” so với lộ trình đề ra (phấn đấu hoàn thành vào năm 2021).
Qua việc pháp điển 94/265 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 2 nghìn văn bản trên tổng số khoảng 10 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, góp phần phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Theo đó, ngày 24/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2018/NĐ-CP bãi bỏ một số văn bản QPPL trong lĩnh vực quốc phòng; ngày 03/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2018/QĐ-TTg về việc bãi bỏ một số văn bản QPPL trong lĩnh vực quốc phòng; tài chính; ngân hàng. Đây là một trong những kết quả tích cực của việc làm sạch hệ thống văn bản QPPL thông qua việc xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước.
Pháp lệnh pháp điển quy định Bộ pháp điển được đăng tải công khai trên môi trường mạng internet - cụ thể là Cổng thông tin điện tử pháp điển (tên miền: phapdien.moj.gov.vn). Như vậy, sau khi Chính phủ thông qua Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 16/10/2018 thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm cập nhật kết quả pháp điển các chủ đề: Dân tộc; Môi trường; Ngân hàng, tiền tệ và 23 đề mục vào Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển. Toàn bộ cá nhân, tổ chức có thể truy cập, khai thác, tìm kiếm các quy định của pháp luật trong Bộ pháp điển miễn phí.
Để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận với Bộ pháp điển nói chung và kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc các chủ đề: Dân tộc; Môi trường; Ngân hàng, tiền tệ và 23 đề mục (tổng số 27 đề mục), ngay tại Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 16/10/2018, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan thực hiện việc: sắp xếp các chủ đề: Dân tộc; Môi trường; Ngân hàng, tiền tệ và 23 đề mục nêu trên vào Bộ pháp điển; đăng tải kết quả pháp điển điện tử lên Cổng thông tin điện tử pháp điển; phổ biến, tuyên truyền về kết quả pháp điển Các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình thực hiện phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật thuộc các chủ đề: Dân tộc; Môi trường; Ngân hàng, tiền tệ và 23 đề mục. Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới thuộc các chủ đề: Dân tộc; Môi trường; Ngân hàng, tiền tệ và 23 đề mục, các cơ quan thực hiện pháp điển phối hợp với Bộ Tư pháp kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới và loại bỏ những quy phạm pháp luật hết hiệu lực ra khỏi Bộ pháp điển theo quy định.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân truy cập, khai thác và sử dụng Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển. Mọi thắc mắc trong quá trình sử dụng có thể gửi đến email: banbientapphapdien@moj.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp (số điện thoại: 024.62739660).