Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL đã trình bày báo cáo kết quả 04 năm đạt được trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL và Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL. Trong đó, về công tác pháp điển: việc xây dựng thể chế cơ bản kịp thời, đầy đủ, bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc xây dựng thành công Bộ pháp điển; các bộ, ngành đã quan tâm bố trí biên chế làm công tác pháp điển tại tổ chức pháp chế cũng như các đơn vị chuyên môn thuộc bộ, ngành được kịp thời, đầy đủ đáp ứng được khối lượng công việc được giao; về việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức làm công tác pháp điển, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 63/2013/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã sớm tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ làm công tác pháp điển cho cán bộ làm công tác pháp điển tại tổ chức pháp chế và đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ, ngành. Cụ thể: tháng 10/2014 và tháng 10/2015, Bộ Tư pháp tổ chức 02 lớp tập huấn cho các công chức làm công tác pháp điển tại tổ chức pháp chế và các đơn vị thuộc bộ, ngành. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm về công tác pháp điển cũng góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho người làm công tác pháp điển. Bên cạnh đó, 13/27 bộ, ngành đã chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ pháp điển cho công chức thuộc cơ quan mình, cụ thể: Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội. Còn 14/27 bộ, ngành chưa tổ chức tập huấn cho các đơn vị trực thuộc chủ yếu là các bộ, ngành được giao chủ trì thực hiện pháp điển ít đề mục hoặc các đề mục có thời hạn hoàn thành trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Để hỗ trợ việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức làm công tác pháp điển của các bộ, ngành, năm 2014 (tái bản có sửa đổi, bổ sung năm 2017) Bộ Tư pháp đã biên soạn và xuất bản cuốn Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng Phần mềm pháp điển. Theo đó, Phần mềm pháp điển là phần mềm dùng chung của các bộ, ngành để sử dụng pháp điển các đề mục. Phần mềm có 3 cấp độ sử dụng, trong đó, Bộ Tư pháp là cơ quan quản trị phần mềm cao nhất thực hiện quản lý việc thực hiện pháp điển các đề mục, các chủ đề và cập nhật QPPL (cấp 1); các bộ, ngành là cơ quan quản lý, tổ chức phân công thực hiện các đề mục thuộc cơ quan mình, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp để thẩm định theo quy định (cấp 2); các đơn vị thuộc bộ, ngành là cấp thực hiện tác nghiệp pháp điển các đề mục (cấp 3). Hiện nay, Bộ Tư pháp đã cấp tài khoản cho các bộ, ngành; các bộ, ngành đang triển khai thực hiện pháp điển trực tiếp trên Phần mềm theo quy định.
|
|
Đối với kết quả pháp điển theo đề mục, theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, Bộ pháp điển có cấu trúc bởi 265 đề mục và được thực hiện trong 10 năm (2014 - 2023). Như vậy, Giai đoạn 1(2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2017 - 2020) hoàn thành 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục. Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, một số bộ, ngành đã đưa vào Kế hoạch chung thực hiện pháp điển và hoàn thành trước thời hạn (trước năm 2018) với 96/243 đề mục. Nâng tổng số đề mục phải hoàn thành trước năm 2018 lên 118 đề mục. Hiện nay, trong 118 đề mục hoàn thành trước năm 2018, có 57 đề mục đã được pháp điển và thẩm định xong; 32 đề mục đang thực hiện và 29 đề mục mới ở giai đoạn bước đầu là rà soát, xác định văn bản thuộc đề mục để pháp điển. Như vậy, với tiến độ công việc như hiện nay, các bộ, ngành có thể xây dựng xong Bộ pháp điển vào năm 2020 - về đích sớm trước 3 năm
(Hiện nay, Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ xem xét thông qua kết quả pháp điển đề mục Đất đai và 35 đề mục)
.
|
|
Về công tác hợp nhất văn bản QPPL, Sau hơn 04 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh hợp nhất văn bản, công tác hợp nhất văn bản QPPL tại các bộ, ngành ngày càng đi vào nề nếp, việc thực hiện hợp nhất văn bản theo đúng trình tự, thủ tục, nội dung, kỹ thuật và thực hiện đăng tải trên Công báo và Trang thông tin điện tử theo quy định. Về cơ bản, việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thi hành Pháp lệnh hợp nhất đã được thực hiện khá bài bản, nghiêm túc, có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị trực thuộc của cơ quan có thẩm quyền thực hiện hợp nhất văn bản. Hàng năm, nhiều cơ quan đã quan tâm, chủ động đưa vào Chương trình, Kế hoạch công tác các nội dung hoạt động liên quan đến công tác hợp nhất văn bản QPPL nhằm tổ chức kịp thời, hiệu quả việc hợp nhất văn bản QPPL được ban hành sau ngày 01/7/2012 theo quy định tại Pháp lệnh hợp nhất, Chỉ thị số 26. Đồng thời, nhiều cơ quan còn làm tương đối tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Pháp lệnh hợp nhất; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị chuyên môn trực thuộc; chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cần thiết để thực hiện hợp nhất văn bản QPPL (nhân sự, kinh phí...).
|
|
Tại Hội thảo, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao về những kết quả đạt được trong công tác pháp điển cũng như công tác hợp nhất văn bản QPPL. Đặc biệt là rất ấn tượng với kết quả đạt được trong việc thực hiện pháp điển các đề mục - nhiều đề mục đã hoàn thành trước tiến độ đề ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định việc pháp điển theo đơn vị nhỏ nhất là điều. Qua nghiên cứu và triển khai thực hiện thì việc thực hiện pháp điển theo điều thì dễ làm nhưng không đáp ứng được mục đích giúp thuận lợi trong việc quản lý hệ thống QPPL cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật. Quy trình, trình tự thực hiện pháp điển theo đề mục phức tạp gây tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp chưa được xử lý - Trong khi Điều
10 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định các bộ, ngành phải xử lý trước các văn bản của mình trước khi đưa vào pháp điển gây mất nhiều thời gian. Hay đối với văn bản của cấp trên thì vẫn đưa vào pháp điển và đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý (trong một số trường hợp như văn bản hết hiệu lực về mặt thực tế, không còn áp dụng nhưng chưa có văn bản nào tuyên bố văn bản đó hết hiệu lực nhưng vẫn phải đưa vào pháp điển làm cho Bộ pháp điển thêm rối, giảm giá trị…). Về công tác hợp nhất, các đại biểu cho rằng Pháp lệnh hợp nhất chưa hướng dẫn hết các trường hợp cần hợp nhất nên các bộ, ngành lúng túng khi thực hiện hợp nhất văn bản thực tế đối với những trường hợp đặc thù, cụ thể. Hoặc Pháp lệnh quy định thời hạn thực hiện hợp nhất trong 5 ngày làm việc là không khả thi. Vì vậy, kiến nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu để sửa Pháp lệnh hợp nhất để quy định thời hạn thực hiện hợp nhất văn bản dài hơn cũng như hướng dẫn thêm các trường hợp đặc thù.
|
|
Kết thúc Hội thảo, Đ/c Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến rất trách nhiệm của các đại biểu tham dự và sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu để báo cáo tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác pháp điển hệ thống QPPL và công tác hợp nhất văn bản QPPL bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đáp ứng được mục tiêu đặt ra.