Chính phủ vừa thông qua và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng công khai trên mạng internet kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục
Sign In

Tin hoạt động

Chính phủ vừa thông qua và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng công khai trên mạng internet kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục

Ngày 13/6/2017, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục. Đây là lần đầu tiên Chính phủ thông qua kết quả pháp điển một phần của Bộ pháp điển và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng công khai trên mạng internet.
Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đang đặt ra như hệ thống pháp luật còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc; số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành rất lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong điều kiện đó, việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, Bộ pháp điển giúp cho cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật đang còn hiệu lực; bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật; nâng cao tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống quy phạm pháp luật và tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về cơ bản đã đầy đủ, bảo đảm cho công tác xây dựng Bộ pháp điển. Theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Pháp điển có lộ trình xây dựng trong 10 năm từ 2014 đến 2023 và chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục thuộc 08 chủ đề; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 144 đề mục thuộc 27 chủ đề và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục thuộc 10 chủ đề.
Công việc xây dựng Bộ pháp điển là một công việc mới, khó nhưng ngay từ những ngày đầu, các bộ, ngành đã có sự quyết tâm rất cao. Theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển thì đến cuối năm 2017 phải thực hiện pháp điển xong 22 đề mục. Nhưng trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản thuộc nội dung đề mục có tính ổn định, liên quan đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành đưa vào kế hoạch và quyết tâm thực hiện pháp điển đến hết năm 2017 xong 118 đề mục và đặt mục tiêu xây dựng xong Bộ pháp điển trước thời hạn 03 năm. Đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 58 đề mục. Tuy nhiên, vừa qua Bộ Tư pháp mới trình Chính phủ xem xét thông qua 36 đề mục (chủ đề Đất đai và 35 đề mục thuộc 15 chủ đề khác; chủ để Đất đai chỉ có 01 đề mục Đất đai). Còn 22 đề mục khác (Bộ Tư pháp đã thẩm định; các bộ, ngành đã ký xác thực kết quả pháp điển), Bộ Tư pháp đang dự kiến chờ pháp điển xong thêm mấy đề mục nữa để trình Chính phủ xem xét thông qua trong tháng 8/2017. Theo kế hoạch công tác của các bộ, ngành thì từ nay đến hết năm 2017 sẽ thực hiện pháp điển xong thêm 60 đề mục nữa.
Pháp lệnh pháp điển quy định Bộ pháp điển được đăng tải công khai trên môi trường mạng internet - cụ thể là Cổng thông tin điện tử pháp điển (tên miền: phapdien.moj.gov.vn). Như vậy, sau khi Chính phủ thông qua Nghị quyết số     48/NQ-CP ngày 13/6/2017 thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm cập nhật kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục vào Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển. Toàn bộ cá nhân, tổ chức có thể truy cập, khai thác, tìm kiếm các quy định của pháp luật trong Bộ pháp điển miễn phí. Đối với 22 đề mục đã được pháp điển xong nhưng chưa trình Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp tạm thời đăng tải trên Mục Kết quả pháp điển đã thẩm định trên Cổng thông tin điện tử pháp điển để giúp các cá nhân, tổ chức tham khảo, sử sụng trước các đề mục này.
Đối với chủ đề Đất đai và 35 đề mục (tổng số 36 đề mục) vừa được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 thì trước mắt, các cá nhân, tổ chức mới chỉ sử dụng, khai thác được một phần Bộ pháp điển. Để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận với Bộ pháp điển nói chung và kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục nói riêng, ngay tại Nghị quyết số 48/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả pháp điển; các bộ, ngành trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình thực hiện phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật thuộc chủ đề Đất đai và 35 đề mục nêu trên. Thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp dự kiến thực hiện các việc sau:
Thứ nhất, tổ chức Hội nghị giới thiệu, phổ biến kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục đến với các đối tượng là đại diện các bộ, ngành, các cơ quan trung ương; đại diện một số cơ quan cấp tỉnh; một số luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, phóng viên báo chí...
Thứ hai, ban hành Công văn gửi các bộ, ngành, địa phương về việc nghiên cứu để tích hợp Bộ pháp điển điện tử trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan/địa phương mình góp phần giúp cán bộ, công chức của cơ quan cũng như các người dân, doanh nghiệp liên quan đến cơ quan mình thuận tiện sử dụng, khai thác Bộ Pháp điển.
Thứ ba, ban hành Công văn gửi các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt là hệ thống tòa án, Viện kiểm sát các cấp; Đoàn luật sư các tỉnh; các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp để giới thiệu, phổ biến Bộ pháp điển đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị giới thiệu, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức cơ quan mình biết và sử dụng, khai thác Bộ Pháp điển.
Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL
File đính kèm
Chung nhan Tin Nhiem Mang