Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về Hóa chất
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về Hóa chất

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công Thương đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Hóa chất (Đề mục 4 Chủ đề 7. Công nghiệp) theo quy định. Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xác định có 08  văn bản có nội dung thuộc đề mục Hóa chất, gồm 01 luật; 02 nghị định; 04 thông tư (trong đó có 07 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công Thương; 01 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Khoa học và Công nghệ) và 53 văn bản có nội dung liên quan. Trong đó 08 văn bản QPPL được thu thập để pháp điển vào đề mục Hóa chất gồm có: Luật 06/2007/QH12 Hóa chất được sửa đổi, bổ sung bởi Luật 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị định 38/2014/NĐ-CP Về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; Nghị định 77/2016/NĐ-CP. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định 08/2018/NĐ-CP Sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định 17/2020/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định 91/2016/NĐ-CP Về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất; Nghị định 17/2020/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương
Thông tư 30/2011/TT-BCT Quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử; Thông tư 55/2014/TT-BCT Quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; Thông tư 27/2016/TT-BCT Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Thông tư 48/2018/TT-BCT Sửa đổi một số điều của Thông tư số 55/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoá chất của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học; Thông tư 13/2020/TT-BCT Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Thông tư 20/2015/TT-BYT Hướng dẫn quy trình khảo nghiệm hóa chất, chế phẩm diệt muỗi dạng phun hạt thể tích cực nhỏ; Thông tư 21/2015/TT-BYT Hướng dẫn quy trình khảo nghiệm tấm hóa chất xua, diệt muỗi dùng điện; Thông tư 22/2015/TT-BYT Hướng dẫn quy trình khảo nghiệm kem xoa xua muỗi; Thông tư 32/2017/TT-BCT Quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất; Thông tư 04/2019/TT-BKHCN Quy định sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học; Thông tư 11/2020/TT-BYT Ban hành Thông tư ban hành Danh mục hoạt chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng trong chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.
Đề mục Hóa chất có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/06/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch), bao gồm 10 chương với 71 điều (trong đó có có 02 điều đã bị bãi bỏ) và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật.
Về cơ bản, các QPPL trong đề mục Hóa chất đã được thực hiện pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định trên cơ sở Danh mục văn bản QPPL do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xác định đang còn hiệu lực và có nội dung thuộc đề mục trên.
Về cơ bản, vị trí sắp xếp các điều trong dự thảo kết quả pháp điển đề mục gửi thẩm định bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy đinh chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
Những nội dung không đưa vào pháp điển: Điều 9 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định nội dung không pháp điển bao gồm: Các quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực vào thời điểm cơ quan thực hiện pháp điển tiến hành việc pháp điển; Quốc hiệu, căn cứ ban hành, lời nói đầu, phần về quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền, dấu của cơ quan, tổ chức, nơi nhận văn bản.
Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện pháp điển đã chỉ dẫn liên quan đến các văn bản QPPL có nội dung liên quan trực tiếp đến Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Luật 23/2000/QH10 Phòng, chống ma túy; Luật 16/2008/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật 68/2006/QH11 Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật 05/2007/QH12 Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật 41/2013/QH13 Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật 05/2017/QH14 quản lý ngoại thương; Luật 14/2017/QH14 Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định 80/2001/NĐ-CP Hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước
Nghị định 58/2003/NĐ-CP Quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Nghị định 132/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định 104/2009/NĐ-CP Quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Nghị định 38/2015/NĐ-CP Về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định 60/2016/NĐ-CP Quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định 96/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định 69/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương; Nghị định 71/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; Nghị định 73/2018/NĐ-CP Quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất; Nghị định 71/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định 85/2019/NĐ-CP Quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Nghị định 42/2020/NĐ-CP Quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa...
Các cơ quan thực hiện pháp điển đã xác định cấu trúc, pháp điển nội dung đề mục Hóa chất trong Bộ pháp điển như sau:
Chương I và Chương X là tập hợp các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành, điều khoản chuyển tiếp của các văn bản QPPL có nội dung thuộc đề mục Hóa chất. Từ Chương II trở đi, các QPPL của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp sau các điều của Luật Hóa chất theo nguyên tắc pháp điển, cụ thể:
 - Sau khi xây dựng cấu trúc đề mục theo bố cục của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục (Luật Hóa chất) và đưa toàn bộ nội dung được pháp điển của văn bản đó vào đề mục, cơ quan thực hiện pháp điển lựa chọn, sắp xếp các điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
 Đối với các điều trong văn bản sửa đổi, bổ sung thì pháp điển trên nguyên tắc của văn bản được hợp nhất. Người trực tiếp thực hiện pháp điển cần lưu ý kiểm tra, xem xét việc sắp xếp hợp lý nội dung điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành với điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tránh việc pháp điển nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thuộc đề mục khác. Để sắp xếp một cách hợp lý các nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đòi hỏi người thực hiện pháp điển phải xác định được lĩnh vực gốc mà QPPL đó điều chỉnh. Đồng thời xác định QPPL đã có trong đề mục liên quan trực tiếp hoặc liên quan gần nhất đến nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để sắp xếp sau QPPL đó.
     - Trường hợp có nhiều điều của một văn bản cùng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành lần lượt theo số thứ tự của các điều trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
     - Trường hợp một điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhiều điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đầu tiên; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được sắp xếp ở trên.
  - Trường hợp có nhiều điều của nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức.
 - Trường hợp trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có điều không hướng dẫn cụ thể điều nào của văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì sắp xếp điều này ngay sau điều có nội dung liên quan nhất của văn bản được quy quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Về nguyên tắc, các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng hoặc ngay sau các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục, kể cả trường hợp bổ sung phần, chương, mục.
 - Trường hợp phát hiện quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản thì được xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP như đã nêu trên.
Nội dung chính của đề mục Hóa chất như sau:
- Chương II quy định về Phát triển công nghiệp hóa chất, ví dụ:
Yêu cầu đối với dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất
1. Dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất phải sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất nguy hiểm và giảm thiểu chất thải hóa chất.
3. Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Chương VI của Luật này.
4. Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
5. Địa điểm bố trí khu công nghiệp, cơ sở sản xuất hóa chất phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của hóa chất và công nghệ sản xuất, bảo quản hóa chất, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn hóa chất.
- Chương III quy định về sản xuất, kinh doanh hóa chất, ví dụ:
Trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm an toàn cho người lao động, sức khỏe cộng đồng và môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải.
3. Cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất.
- Chương IV quy định về Phân loại, ghi nhãn, bao gói và phiếu an toàn hóa chất, ví dụ
Phân loại, ghi nhãn hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất có nghĩa vụ phân loại, ghi nhãn hóa chất trước khi đưa hóa chất vào sử dụng, lưu thông trên thị trường.
2. Việc phân loại hóa chất được thực hiện theo quy tắc, hướng dẫn kỹ thuật của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.
3. Việc ghi nhãn đối với các hóa chất được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
4. Việc ghi nhãn đối với hóa chất nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.
5. Bộ Công thương hướng dẫn, quản lý việc phân loại, ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất và xác định lộ trình áp dụng các quy định về phân loại và ghi nhãn đối với chất, hỗn hợp chất.
- Chương V quy định về Sử dụng hóa chất, ví dụ
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác có quyền yêu cầu bên cung cấp hóa chất cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến đặc điểm, tính chất, thông tin phân loại, ghi nhãn và phiếu an toàn hóa chất đối với hóa chất nguy hiểm.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các quy định về quản lý an toàn hóa chất;
b) Có người chuyên trách về an toàn hóa chất; đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn về an toàn hóa chất, phù hợp với khối lượng, đặc tính của hóa chất;
c) Định kỳ đào tạo, huấn luyện an toàn hóa chất cho người lao động;
d) Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, hướng dẫn thực hiện an toàn hóa chất cho người lao động, người quản lý trực tiếp;
đ) Xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Chương VI của Luật này;
e) Cập nhập, lưu trữ thông tin về các hóa chất sử dụng theo quy định tại Điều 53 của Luật này;
g) Thông báo kịp thời cho tổ chức, cá nhân cung cấp hóa chất, cơ quan quản lý hóa chất khi phát hiện các biểu hiện về đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất sử dụng;
h) Chấp hành các yêu cầu kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các quy định về an toàn hóa chất.
- Chương VI quy định về Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, ví dụ:
Phòng ngừa sự cố hóa chất
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn; định kỳ đào tạo, huấn luyện về an toàn hóa chất cho người lao động.
2. Chủ đầu tư dự án hoạt động hóa chất không thuộc Danh mục quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất.
3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Xác định, khoanh vùng và lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cao;
b) Các biện pháp, trang thiết bị và lực lượng ứng phó tại chỗ;
c) Phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài để ứng phó sự cố hóa chất.
4. Chủ đầu tư dự án hoạt động hóa chất thuộc Danh mục quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ được đưa dự án vào hoạt động sau khi Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt. Trường hợp mở rộng quy mô, thay đổi phạm vi hoạt động phải sửa đổi, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
-Chương VIII quy định về Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, ví dụ:
Trách nhiệm bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng
Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất, liên quan đến hoạt động hóa chất có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn hóa chất theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, an toàn lao động và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
-Chương IX quy định về Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, ví dụ
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất theo sự phân công của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi địa phương mình theo phân cấp của Chính phủ.
- Chương IX quy định về Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, ví dụ:
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất theo sự phân công của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi địa phương mình theo phân cấp của Chính phủ./.
Chung nhan Tin Nhiem Mang