Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Tổ hợp tác[1] (Đề mục 5 thuộc Chủ đề số 12. Doanh nghiệp, hợp tác xã). Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Tổ hợp tác, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Đề mục đề mục Tổ hợp tác có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác bao gồm 05 chương với 32 điều; không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định đề mục Tổ hợp tác được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 01 văn bản là Nghị định số 77/2019/NĐ-CP Về tổ hợp tác có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2019.
Các nội dung cơ bản trong đề mục đề mục Tổ hợp tác như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ (có nội dung liên quan đến quy định  về Thời hạn; Áp dụng cách tính thời hạn; Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn; Thời điểm bắt đầu thời hạn; Kết thúc thời hạn; Hợp đồng hợp tác; Nội dung của hợp đồng hợp tác của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015); quyền của tổ hợp tác (có nội dung liên quan đến quy định của Nghị định 83/2018/NĐ-CP Về Khuyến nông ban hành ngày 24/05/2018 và Nghị định 52/2018/NĐ-CP Về phát triển ngành nghề nông thôn ban hành ngày 12/04/2018) và nghĩa vụ của tổ hợp tác.
- Chương II quy định thành viên tổ hợp tác trong đó bao gồm các vấn đề Điều kiện trở thành thành viên tổ hợp tác; Quyền của thành viên tổ hợp tác (có nội dung liên quan đến Mục Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015); Nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác (có nội dung liên quan đến quy định về Trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; Hậu quả pháp lý đối với giao dịch dân sự do thành viên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện; Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác; Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; Trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015); Quy trình bổ sung thành viên tổ hợp tác (có nội dung liên quan đến quy định về Chấm dứt hợp đồng hợp tác của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015); Chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác ( có nội dung liên quan đến quy định về Rút khỏi hợp đồng hợp tác của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015)
- Chương III quy định thành lập và chấm dứt hoạt động tổ hợp tác trong đó bao gồm các điều lien quan đến vấn đề Thành lập tổ hợp tác (ban hành kèm theo Mẫu I.01 và Mẫu 1.02 về thay đổi một hoặc một số thông tin nội dung của tổ hợp tác); Tên, biểu tượng tổ hợp tác; Chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác (ban hành kèm theo Mẫu I.03 về thông báo chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác; nội dung có liên quan đến quy định về Chấm dứt hợp đồng hợp tác của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015); Xử lý tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác, tài chính của tổ hợp tác sau khi chấm dứt hoạt động (nội dung có liên quan đến quy định về Tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; Tài sản chung của các thành viên hợp tác của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015)
- Chương IV quy định vê tổ chức và điều hành tổ hợp tác bao gồm các điều khoản về vấn đề Đại diện trong xác lập, thực hiện giao dịch (có nội dung liên quan đến quy định về Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; Trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; Hậu quả pháp lý đối với giao dịch dân sự do thành viên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện; Đại diện theo ủy quyền; Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện; Thời hạn đại diện; Phạm vi đại diện; Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện; Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; Trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015);
Bên cạnh đó cũng có các điều khoản gồm các vấn đề về Cơ chế điều hành hoạt động của tổ hợp tác; Tổ trưởng tổ hợp tác; Ban điều hành tổ hợp tác; Cuộc họp thành viên tổ hợp tác; Biểu quyết trong tổ hợp tác; Tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác, tài chính của tổ hợp tác (có nội dung liên quan đến quy định về Tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; Quyền hưởng dụng; Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng; Hiệu lực của quyền hưởng dụng; Thời hạn của quyền hưởng dụng; Quyền của người hưởng dụng; Nghĩa vụ của người hưởng dụng; Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản; Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức; Chấm dứt quyền hưởng dụng; Hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng; Tài sản chung của các thành viên hợp tác của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015); Phân chia hoa lợi, lợi tức, xử lý lỗ; Phần đóng góp của thành viên tổ hợp tác; (có nội dung liên quan đến Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ; Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ; Chậm thực hiện nghĩa vụ; Hoãn thực hiện nghĩa vụ; Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ; Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật; Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền; Trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc; Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ; Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ; Nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại; Bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi; Lỗi trong trách nhiệm dân sự của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015); Xác minh phần đóng góp; Trả lại phần đóng góp; Thừa kế, kế thừa, quản lý phần đóng góp (có nội dung liên quan đến quy định về tổ chức tại, giải thể và phá sản doanh nghiệp của Bộ luật 91/2015/QH13 Dân sự ban hành ngày 24/11/2015) và giải quyết tranh chấp.
- Chương V quy định về tổ chức thực hiện bao gồm các điều khoản quy định về các vấn đề Chế độ báo cáo định kỳ và quản lý nhà nước về tổ hợp tác (ban hành kèm theo mẫu I.04 và Mẫu II.02); Điều khoản chuyển tiếp; Hiệu lực thi hành và Trách nhiệm thi hành.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Tổ hợp tác đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về tổ hợp tác đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Tổ hợp tác còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
[1] Đề mục Tổ hợp tác đổi tên từ Tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác (do Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác).
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang