Cập nhật QPPL mới vào Đề mục Nuôi con nuôi (Thông tư số 11/2021/TT-BTP)
Ngày 28/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21 tháng 11 năm 2011 về việc quản lý văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực kể từ ngày 11/02/2022).
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Tư pháp cập nhật các QPPL mới của Thông tư số 11/2021/TT-BTP vào Đề mục Nuôi con nuôi theo quy định. Cụ thể các QPPL của Đề mục Nuôi con nuôi được cập nhật như sau:
Điều 15.5.TT.2.6. Thay mặt người nhận con nuôi thực hiện các thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi ở Việt Nam
(Điều 6 Thông tư số 21/2011/TT-BTP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2012, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 11/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2022)
1. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 của Luật Nuôi con nuôi, Văn phòng con nuôi nước ngoài được thay mặt người nhận con nuôi tiến hành các hoạt động sau đây nhằm thực hiện các thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi ở Việt Nam:
a) Hoàn thiện hồ sơ của người nhận con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Nộp hồ sơ của người nhận con nuôi cho Cục Con nuôi và nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định;
c) Bổ sung tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ của người nhận con nuôi theo yêu cầu của Cục Con nuôi;
d) Gửi ảnh và báo cáo về trẻ em, thông tin đầy đủ và chi tiết hồ sơ sức khỏe của trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài cho người nhận con nuôi hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, sau khi có văn bản chấp thuận của Cục Con nuôi;
đ) Hỗ trợ kiểm tra khám sức khỏe bổ sung hoặc chuyên sâu, khám bệnh, điều trị và chăm sóc trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài theo đề nghị của người nhận con nuôi; hỗ trợ chuẩn bị tâm lý, ngôn ngữ và các điều kiện cần thiết khác cho trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài;
e) Gửi Cục Con nuôi văn bản đồng ý của người nhận con nuôi về trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hữu quan cho tiếp tục hoàn thiện thủ tục nuôi con nuôi;
g) Nộp chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định;
h) Hỗ trợ người nhận con nuôi trong các thủ tục về xuất nhập cảnh, đi lại, cư trú, phiên dịch khi họ đến Việt Nam để hoàn tất các thủ tục xin nhận trẻ em làm con nuôi;
i) Phối hợp với cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tổ chức cho người nhận con nuôi làm quen, tiếp xúc với trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài;
k) Hỗ trợ người nhận con nuôi trong lễ giao nhận con nuôi;
l) Hỗ trợ người nhận con nuôi trong các thủ tục về hộ chiếu, thị thực cho trẻ em xuất cảnh Việt Nam, nhập cảnh và định cư tại nước ngoài hữu quan;
m) Đề nghị chứng nhận việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 38 của Luật Nuôi con nuôi.
2. Văn phòng con nuôi nước ngoài không được đại diện về mặt pháp lý cho cha mẹ nuôi nước ngoài.
3. Trường hợp tổ chức con nuôi nước ngoài bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật Nuôi con nuôi, Cục Con nuôi trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về biện pháp hỗ trợ hoàn tất việc giải quyết đối với những hồ sơ đã được chuyển cho Sở Tư pháp
Điều 15.5.TT.2.9. Nghĩa vụ báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em
(Điều 9 Thông tư số 21/2011/TT-BTP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2012, có nội dung được/bị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ bởi Điều 9 của Thông tư số 10/2020/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/02/2021; Điều 1 của Thông tư số 11/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2022)
1. Văn phòng con nuôi nước ngoài có trách nhiệm đôn đốc cha mẹ nuôi nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ báo cáo đúng hạn về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài trong vòng 3 năm kể từ khi trẻ em được nhận làm con nuôi.
2. Trên cơ sở báo cáo của cha mẹ nuôi, Văn phòng con nuôi nước ngoài có trách nhiệm gửi Cục Con nuôi báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 43 của Luật Nuôi con nuôi.
3. Ngoài việc báo cáo định kỳ hằng năm theo quy định tại khoản 2 Điều này, Văn phòng con nuôi nước ngoài có trách nhiệm gửi báo cáo đột xuất về trường hợp trẻ em Việt Nam cụ thể được nhận làm con nuôi ở nước ngoài theo yêu cầu của Cục Con nuôi.
4. Việc nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài được coi là một trong các căn cứ để Cục Con nuôi tiếp nhận hồ sơ xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi thông qua tổ chức con nuôi nước ngoài.
Điều 15.5.TT.2.10a. Lập, quản lý, sử dụng và bảo quản sổ sách, biểu mẫu
(Điều 10a Thông tư số 21/2011/TT-BTP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2012, được bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 11/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2022)
1. Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập, quản lý và sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu.
2. Người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm sử dụng, quản lý các loại sổ sách, biểu mẫu; bảo quản tài liệu phát sinh trong quá trình hoạt động; định kỳ hằng năm thống kê và lập hồ sơ lưu trữ; thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ và bảo đảm việc sử dụng tài liệu lưu trữ.
Điều 15.5.TT.2.12. Nội dung kiểm tra
(Điều 12 Thông tư số 21/2011/TT-BTP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2012, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 11/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2022)
1. Kiểm tra hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài bao gồm:
a) Việc chấp hành nguyên tắc hoạt động phi lợi nhuận của Văn phòng con nuôi nước ngoài: tình hình thu, chi tài chính và chế độ lập sổ sách theo dõi việc thu, chi tài chính của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;
b) Việc chấp hành Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tư pháp cấp;
c) Kết quả giải quyết cho trẻ em làm con nuôi thông qua hỗ trợ của Văn phòng con nuôi nước ngoài;
d) Việc chấp hành quy định, hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài;
đ) Việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này;
e) Việc thực hiện nghĩa vụ khác của Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan;
g) Việc thực hiện nghĩa vụ lập, quản lý và sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu.
2. Kiểm tra nhân sự của Văn phòng con nuôi nước ngoài bao gồm:
a) Việc đáp ứng tiêu chuẩn của người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 19/2011/NĐ-CP;
b) Việc ký kết, thực hiện hợp đồng sử dụng lao động và việc đáp ứng tiêu chuẩn của nhân viên Văn phòng con nuôi nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này;
c) Các vấn đề khác liên quan đến tổ chức nhân sự của Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
3. Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan về thuê trụ sở (nếu có)./.