Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công an đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng (Đề mục 5 Chủ đề 39. Trật tự, an toàn xã hội). Đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Công an sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo chủ đề “Trật tự, an toàn xã hội”.
Bộ Công an xác định có 02 văn bản có nội dung thuộc Đề mục và 19 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ về việc quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, gồm 04 chương với 15 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định. Đề mục Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng có các nội dung chính như sau: 
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Trách nhiệm bảo đảm trật tự công cộng; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự công cộng; Giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng; Các hành vi bị nghiêm cấm và Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng. Theo đó, Nghị định này quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự công cộng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, học tập, làm việc, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng (dưới đây viết tắt là Nghị định số 38), hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến bảo đảm trật tự công cộng; tôn trọng các quy tắc chung của cuộc sống xã hội; phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự công cộng hoặc xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, của người nước ngoài; có trách nhiệm tham gia, hỗ trợ các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự công cộng.
- Chương II quy định về những quy định cụ thể như: Quy định về hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng; Thủ tục đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng; Thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; Xử lý vi phạm pháp luật về trật tự công cộng; Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp trong tổ chức thực hiện việc bảo đảm trật tự công cộng. Theo đó, hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng theo quy định của Nghị định số 38 và hướng dẫn tại Thông tư này là những trường hợp tổ chức tập trung từ 5 người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác nhằm mục đích đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc nhằm đưa ra những yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị - xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Mọi hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng theo quy định của Nghị định số 38 và hướng dẫn tại Thông tư này đều phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng dẫn tại điểm 6 Thông tư này. Thời gian tiến hành các hoạt động đó chỉ được phép diễn ra trong khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Các quy định về đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng theo quy định của Nghị định số 38 và hướng dẫn tại Thông tư này không áp dụng đối với những hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức. Đối với những trường hợp tập trung đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng hoặc thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Trường hợp tập trung đông người trái với quy định của pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời vận động, giáo dục, thuyết phục họ tự giải tán, trở về nơi cư trú. Đối với người cố tình vi phạm, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi chống đối, gây rối trật tự công cộng hoặc xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì các cơ quan chức năng được phép áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý và buộc người vi phạm trở về nơi cư trú.
- Chương III quy định về Khen thưởng và xử lý vi phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và tuỳ theo đối tượng vi phạm là tổ chức hay cá nhân mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự công cộng hoặc có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo để xảy ra tình trạng tập trung đông người trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Chương IV quy định về điều khoản thi hành như:  Hiệu lực thi hành và Trách nhiệm thi hành. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây của Chính phủ về bảo đảm trật tự công cộng trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang