Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Đề mục 1 Chủ đề 6. Chính sách xã hội). Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định có 03 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính) và 10 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, gồm 08 chương với 39 điều.
Đề mục Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có các nội dung chính như sau:
 - Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội; Mức chuẩn trợ giúp xã hội.
- Chương II quy định về trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng như: Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Mức trợ cấp xã hội hàng tháng; Hồ sơ thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng; Thủ tục thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng; Cấp thẻ bảo hiểm y tế; Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Hỗ trợ chi phí mai táng.
- Chương III quy định về trợ giúp xã hội khẩn cấp như: Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng; Hỗ trợ chi phí mai táng; Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; Hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác.
- Chương IV quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng như: Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; Chế độ đối với đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng; Thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng; Điều kiện, trách nhiệm đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Điều kiện, trách nhiệm đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và người cao tuổi đủ điều kiện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội.
- Chương V quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội như: Đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội; Hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm; Thẩm quyền, hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội; Thủ tục tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội; Lập hồ sơ quản lý đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội; Thẩm quyền, điều kiện, thủ tục dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội.
- Chương VI quy định về kinh phí thực hiện như: Kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên (Kinh phí thực hiện chế độ chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, hỗ trợ nhận chăm sóc tại cộng đồng và kinh phí thực hiện chi trả chính sách; tuyên truyền, xét duyệt đối tượng; ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ và kiểm tra giám sát được thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước; Kinh phí bảo đảm để chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thực hiện theo quy định sau đây: Đối với cơ sở trợ giúp xã hội thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm trong dự toán chi bảo đảm xã hội; Kinh phí chi hoạt động thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản và các chi phí khác của cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật. Cơ sở trợ giúp xã hội được tiếp nhận, sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí và hiện vật do các tổ chức, cá nhân đóng góp và giúp đỡ từ thiện; bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy định của pháp luật); Kinh phí thực hiện trợ giúp khẩn cấp (Kinh phí thực hiện trợ giúp khẩn cấp bao gồm: Ngân sách địa phương tự cân đối theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho địa phương hoặc thông qua cơ quan, tổ chức. Trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nặng và các nguồn kinh phí quy định không đủ để thực hiện trợ giúp khẩn cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ hàng hóa từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định); Quản lý kinh phí trợ giúp xã hội (Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước).
- Chương VII quy định về tổ chức thực hiện như: Thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng và hỗ trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; Trách nhiệm của các bộ, ngành; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Chương VIII quy định về điều khoản thi hành như: Điều khoản chuyển tiếp; Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành.
 Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang